Bí thư Thăng và "kế hoạch 1 đêm" của ông Giám đốc Sở

Từ khi khánh thành, bệnh viện Củ Chi tê liệt, nhưng ngay sau khi bị Bí thư Thăng "cạo gió", Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra một kế hoạch tài tình chỉ sau 1 đêm.

Bí thư Thăng và "kế hoạch 1 đêm" của ông Giám đốc Sở

Ngay sau những phê bình và chỉ đạo đanh thép của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đối với cơ quan quản lý y tế, một bệnh viện huyện - vốn “đêm trước” còn đang tê liệt, không trang thiết bị, vỏn vẹn 14 bác sĩ… - bỗng chốc “vỗ cánh thành thiên nga” với hàng loạt giải pháp như mơ được Sở Y tế TP.HCM cấp tập đưa ra.

Sáng nay 29.4, Sở Y tế TP.HCM đã “hối hả” phối hợp cùng UBND huyện Củ Chi thực hiện ký kết triển khai hoạt động 7 khoa vệ tinh và 13 phòng khám vệ tinh của các bệnh viện thành phố tại bệnh viện huyện.

Cụ thể, 13 phòng khám vệ tinh sẽ bắt đầu hoạt động ngay hôm nay, với 2 phòng khám nhi, 4 phòng khám nội, mỗi chuyên khoa sản, ngoại, tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt, da liễu, phục hồi chức năng có 1 phòng khám. Tiếp theo, từ ngày 4.5, đưa vào hoạt động 7 khoa vệ tinh nội, ngoại, sản, nhi, y học cổ truyền-phục hồi chức năng, liên chuyên khoa mắt - răng hàm mặt - tai mũi họng và cấp cứu - hồi sức tích cực tại Bệnh viện huyện Củ Chi.

Song song đó, về nhân lực, quả như mơ, trong giai đoạn đầu, Sở Y tế hứa sẽ cử ngay 40 bác sĩ từ các bệnh viện thành phố hỗ trợ bảo đảm hoạt động khám chữa bệnh 24/24 giờ cho người dân. Đồng thời, chuyển giao kỹ thuật 7 chuyên khoa đã nêu cho bệnh viện. Ngoài ra, tùy theo mô hình bệnh tật tại huyện Củ Chi, các bệnh viện tuyến thành phố sẽ tăng cường hỗ trợ trang thiết bị cho bệnh viện huyện bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Để thực hiện các phần việc trì trệ nhiều năm một cách chóng vánh như trên, đợt này Sở ráo riết huy động 10 bệnh viện lớn tham gia hỗ trợ Bệnh viện huyện Củ Chi gồm: Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhân Dân Gia Định, Từ Dũ, Bình Dân, Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt, Mắt, Da Liễu, Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp và Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi.

Chưa hết, nhờ dịp Bí thư yêu cầu kiểm điểm này, Sở Y tế thành phố đưa ra chiến lược không chê vào đâu được nhằm tăng cường bảo đảm nguồn nhân lực cho y tế cơ sở trong thời gian tới. Sở sẽ phối hợp với Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tiếp tục đẩy mạnh Chương trình Luân phiên bác sĩ trẻ sau tốt nghiệp (có chứng chỉ hành nghề) về tham gia công tác khám chữa bệnh ở những bệnh viện quận huyện khó khăn về nhân lực. Đồng thời, Sở Y tế cũng sẽ đề xuất UBND TP.HCM xem xét, hỗ trợ chế độ thu hút bác sĩ về làm việc tại tuyến quận huyện.

bi thu thang va “ke hoach 1 dem” cua ong giam doc so hinh anh 1

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh (bìa phải) tiếp tục bị truy trách nhiệm về dự án chậm tiến độ. ảnh: Quốc Ngọc

Có tất cả những chuyển động “rùng rùng” này bởi cách đây 3 hôm, ngày 26.4, Bí thư Đinh La Thăng đã đến thăm và làm việc tại Bệnh viện huyện Củ Chi - nơi đã từng “can đảm” gọi vào đường dây nóng của ông để “kêu than”. Theo báo cáo, tuy ngốn hết 345 tỷ đồng ngân sách để đầu tư xây dựng mới, quy mô 300 giường, hoàn thành vào tháng 1.2016, nhưng hiện bệnh viện này gần như tê liệt. Bởi đến nay, do vướng công tác đấu thầu, nên bệnh viện vẫn chưa thể mua sắm trang thiết bị, các bác sĩ bỏ đi, hiện chỉ còn 14 bác sĩ. Dự kiến, đến tháng 7 mới hoàn thành đấu thầu để có trang thiết bị sử dụng vào cuối năm nay, tức chậm tiến độ đến 2 năm.

Tất cả những trì trệ này, theo ông Thăng, hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Sở Y tế. Bí thư cho rằng Sở đã quá máy móc, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu công khai, minh bạch khiến việc đấu thầu trang thiết bị y tế chậm trễ. “Các anh phải thấy sốt ruột khi cơ sở để không, không có trang thiết bị gì chứ", ông chất vấn. Ông Thăng “hứa” sẽ truy vụ này đến cùng. “Chỉ số do lường hiệu quả hành chính công cấp tỉnh năm 2015, TP.HCM xếp 47/63 tỉnh, thành. Sở Y tế đã góp vào tương đối nhiều”, ông mỉa mai.

Kết luận buổi làm việc, ông Thăng yêu cầu trước ngày 15.5, Sở Y tế phải kiểm điểm trách nhiệm toàn bộ, từng cá nhân liên quan trong vụ chậm tiến độ Bệnh viện huyện Củ Chi, theo tinh thần “bất kỳ ai cũng phải xử lý”.

Trở lại động thái dồn dập đưa ra các giải pháp cho Củ Chi trong ngày hôm nay 29.4, ai cũng thấy rõ mồn một Sở Y tế đang tìm mọi cách “xoa dịu” Bí thư Thành ủy và dư luận, nhờ thế bệnh viện huyện mới được nhờ.

Tính từ lúc Bệnh viện huyện Củ Chi khởi công vào tháng 6.2012, đến nay đã gần 4 năm. Ngần ấy thời gian, Sở Y tế không hề đưa ra bất cứ kế hoạch nào về nhân sự, trang thiết bị… cho bệnh viện? Và chỉ trong “một đêm”, sau khi bị “cạo gió”, đã tài tình đưa ra một kế hoạch tuyệt vời cho huyện. Cần nói thêm, “kế hoạch một đêm” này đã được tích cực chuyển đến các cơ quan báo đài từ 27.4, tức trước thời điểm triển khai những 2 ngày.

“Kế hoạch một đêm” cho thấy văn hóa quản lý của Sở Y tế nói chung và của ông Giám đốc Nguyễn Tấn Bỉnh nói riêng, kém chủ động, thiếu tự giác trách nhiệm với vai trò tư lệnh ngành y tế thành phố. Chỉ khi bị đòn đau, bị cấp trên thúc vào mông mới cuống cuồng chạy đi bịt lỗ hổng?

Thử hình dung, tại một trung tâm như TP.HCM, giám đốc sở nào cũng ngồi đợi đến khi ông Thăng “sờ tới” thì mới tỏ ra hiệu quả, quyết kiệt xử lý được một hai tồn đọng. Như thế, đến bao giờ các ngành chức năng, ở đây là Sở Y tế, mới có thể tạo ra sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội như Nghị quyết của Đảng bộ TP.HCM lần thứ X đã đề ra cho nhiệm kỳ 2015-2020?

Theo danviet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.