Những phương tiện hút cát trái phép trên biển Cần Giờ.
Công trình ngân sách vẫn dùng cát "lậu"
Tại hội nghị thông qua đề án “Phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TP.HCM với các tỉnh” tổ chức sáng 23/4 tại huyện Cần Giờ, Thiếu tướng Phan Anh Minh, PGĐ Công an TP.HCM cho rằng, không loại trừ có tiêu cực trong việc quản lý, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn TP, tập trung chủ yếu là ở huyện Cần Giờ.
Đã có những sĩ quan cấp đội hoặc là bị kỷ luật hoặc đã nghỉ việc liên quan đến những tiêu cực trong việc xử lý các vi phạm trong khai thác cát trái phép. Vì vậy công an thành phố không bố trí các cán bộ có quê từ các địa phương vùng Duyên hải 3 (Tiền Giang, BR-VT, Bến Tre, Cần Giờ) để xử lý các phương tiện vi phạm được đăng ký tại các địa phương này.
Nói về các giải pháp xử lý nghiêm nạn “cát tặc”, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng quy định hiện nay bắt quả tang trên sông rồi mới xử lý khiến cho công tác đấu tranh chống “cát tặc” thêm khó khăn và nguy hiểm cho các lực lượng chức năng và đối tượng khai thác cát.
Giải pháp được Thiếu tướng Minh đưa ra là khi các phương tiện này neo đậu, lượng lượng chức năng chỉ cần kiểm soát bằng các thiết bị giám sát hành trình, khi những phương tiện này di chuyển đi đâu, khai thác cát ở chỗ nào, vận chuyển vào bờ ở khu vực nào, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra ở vị trí đó. Nếu không có các giấy tờ khai thác hợp pháp sẽ bị xử lý theo quy định. Thậm chí, những phương tiện tắt thiết bị GPS cũng có thể phục hồi được.
Nêu ra thực trạng mất cân đối giữa nguồn cung cấp vật liệu cát và nhu cầu cát san lấp, cát xây dựng, Thiếu tướng Phan Anh Minh khẳng định rằng phần lớn các dự án xây dựng ở TP.HCM, kể cả những dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước như cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng sử dụng cát trái phép.
Thống kê cho thấy sản lượng cát xây dựng của Thành phố hiện chỉ trên 41 triệu khối, cát san lấp trên 35 triệu khối. Với sản lượng cát dự trữ hiện nay, chỉ trong vòng 2 năm tới, riêng TP.HCM sẽ sử dụng hết cát của khu vực phía Nam.
“Nếu thực hiện các giải pháp mạnh thì những công trình xây dựng sẽ không có cát để san lấp. Thậm chí, dự án lấn biển Cần Giờ không có một hạt cát nào hợp pháp để san lấp”, Thiếu tướng Minh nói.
Nhiều tàu hút cát bị lực lượng chức năng xử lý nhưng vẫn chưa chấm dứt được nạn "cát tặc".
Ông Minh cho rằng cần kiểm tra ngay tại nguồn gốc các công trình sử dụng cát. Những dự án nào khi cấp phép xây dựng, các chủ đầu tư, nhà thầu phải cung cấp được giấy phép khai thác cát tại các mỏ được phép, nếu sử dụng cát bất hợp pháp sẽ bị xử lý nghiêm.
Thống kê của Bộ đội biên phòng TP.HCM cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2018 đã xử lý 151 vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép. Trong quý I/2019, phát hiện 6 trường hợp vận chuyển, khai thác cát trái phép và đã xử lý 5 trường hợp với tổng số tiền trên 157 triệu đồng.
Xây nhà giàn, dùng máy bay không người lái chống "cát tặc"
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM ghi nhận những kết quả trong việc xử lý nạn khai thác cát trái phép thời gian qua của các lực lượng. Tuy nhiên, ông Nhân đánh giá dường như các lực lượng chưa nắm đúng quy luật của các đối tượng khai thác cát trái phép nên việc xử lý chưa đạt kết quả như mong đợi.
Ông Nhân cho rằng, lâu này các lực lượng cứ đưa tàu ra biển để truy đuổi các tàu hút cát trái phép, vừa tốn công sức, vừa nguy hiểm. Cần kiểm tra ngay tại bờ các tàu hút cát, những tàu có gắn thiết bị hút cát mà không có giấy phép, phải xử lý nghiêm tại chỗ, không cần chở cát mới xử lý.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy T HCM phát biểu tại hội nghị.
Ông Nhân cũng đồng tình với đề xuất của Bộ đội Biên phòng Thành phố trong việc sớm xây chốt kiểm soát dạng nhà giàn nhỏ ngoài biển Cần Giờ. Chốt này sẽ được xây dựng trong 3 tháng, trang bị các thiết bị hiện đại, để vừa bảo vệ chủ quyền, vừa chống xâm nhập đường biển, đấu tranh phòng chống buôn lậu, khai thác tài nguyên khoáng sản, thủy sản trái phép.
“Lâu nay chúng ta dùng tàu để theo dõi các tàu hút cát trái phép, nhưng giờ phải sử dụng các thiết bị hiện đại, dùng máy bay không người lái có gắn camera quan sát được ban đêm để theo dõi chính xác vị trí tàu hút cát trái phép vừa bớt công sức, hiệu quả hơn”, ông Nhân yêu cầu.
Về vấn đề trữ lượng nguồn cát và nhu cầu sử dụng, ông Nhân đề nghị UBND Thành phố sắp xếp một buổi làm việc với Bộ Xây dựng để nắm rõ nhu cầu xây dựng ở khu vực phía Nam. Đồng thời, với đó cần nghiên cứu các nguồn vật liệu thay thế cát san lấp, tránh khai thác quá mức và gây thiếu hụt nguồn cung về cát.