Hàng chục tỷ đồng chảy vào "sân sau" bí thư?
Theo đơn, bà Châu Thị Mỹ Linh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Phước, tố cáo đích danh ông Lê Kim Phúc, Bí thư huyện Đại Từ. Bà Mỹ Linh cho rằng, ông Phúc đã dùng ảnh hưởng của mình ép Công ty Yên Phước chuyển hợp đồng khai thác, vận chuyển than cho bà Đàm Hương Huệ với giá cao. Bà Đàm Hương Huệ bị tố là "sân sau" của Bí thư huyện Đại Từ. Bà Huệ đứng ra thu tiền khai thác, vận chuyển than hàng tháng.
Trước sức ép từ phía Bí thư huyện Đại Từ, Công ty Cổ phần Yên Phước đã đề nghị đơn vị đang khai thác, vận chuyển là Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương phải nhường lại quyền cho bà Đàm Hương Huệ. Tuy nhiên, do bị chèn ép lâu ngày và mức độ tăng cao nên vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp bà Mỹ Linh làm chủ.
Căn cứ tố cáo phía Công ty Cổ phần Yên Phước đưa ra là biên bản đối chiếu công nợ và các hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc chuyển tiền giữa Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương cho cá nhân bà Đàm Hương Huệ. Số tiền này lên đến hàng chục tỷ đồng. Theo biên bản đối chiếu công nợ thì Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương ký hợp đồng với cá nhân bà Đàm Hương Huệ có địa chỉ tại TT. Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Phía Công ty Cổ phần Yên Phước còn căn cứ trên các đoạn ghi âm trao đổi với một số người được cho là có liên quan đến ông Lê Kim Phúc và bà Đàm Hương Huệ về tiền nong và thỏa thuận chuyển tiền.
Việc hợp tác giữa Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương với bà Đàm Hương Huệ thực tế đã diễn ra. Nhưng đến tháng 3/2019 bà Đàm Hương Huệ đòi tăng giá khai thác, vận chuyển từ 55.000 đồng/tấn lên 100.000 – 130.000 đồng/tấn. Đồng thời ép Công ty Cổ phần Yên Phước phải giảm giá than xuống 70.000 đồng/tấn. Nếu đồng ý với yêu cầu trên thì Công ty Cổ phần Yên Phước sẽ yên ổn làm ăn, không bị cơ quan chức năng thanh, kiểm tra…
Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Yên Phước không chấp thuận nâng giá khai thác, vận chuyển và giảm giá than. Chính vì vậy, bà Mỹ Linh cho rằng, nó dẫn đến việc công ty của bà liên tiếp bị thanh, kiểm tra. Thậm chí có đợt thanh tra, công ty không nhận được thông báo từ cơ quan chức năng. Đây cũng là căn cứ khiến bà Châu Thị Mỹ Linh cho rằng, có sự bảo kê, chèn ép doanh nghiệp từ phía Bí thư huyện Đại Từ.
Từ những bất thường trên, đại diện Công ty Cổ phần Yên Phước đã làm đơn tố cáo trực tiếp Bí thư huyện Đại Từ chèn ép doanh nghiệp gửi đến nhiều cơ quan.
Trả lời Báo Giáo dục và Thời đại, ông Lê Kim Phúc – Bí thư huyện Đại Từ cho rằng, hiện Ủy ban kiểm tra (UBKT) tỉnh Thái Nguyên đang kiểm tra vụ việc. Đúng, sai thế nào sẽ do cơ quan chức năng kết luận.
Cần nhanh chóng công bố kết luận thanh tra
Trước sự việc trên, luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, khi có đơn từ tố cáo (kể cả tố cáo nặc danh) thì UBKT tỉnh Thái Nguyên cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra.
Sau thời gian thanh, kiểm tra, UBKT phải công bố kết luận thanh, kiểm tra theo đơn tố cáo của người dân. Nếu UBKT phát hiện có những dấu hiệu về tội phạm thì đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra, Cơ quan an ninh điều tra vào cuộc để điều tra những dấu hiệu vi phạm.
Theo quan điểm của luật sư Trần Tuấn Anh, đối với vụ việc Bí thư huyện Đại Từ bị tố cáo có liên quan đến uy tín của cá nhân, tổ chức Đảng. Vì vậy, UBKT tỉnh Thái Nguyên cần nhanh chóng kiểm tra, công bố kết luận thanh tra nhằm sớm ổn định dư luận. Nếu có sai phạm đủ căn cứ thì đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra. Nếu không thì phải bác bỏ các nội dung tố cáo. Nếu sau khi UBKT kết luận nội dung tố cáo là sai sự thật thì người tố cáo có thể đối mặt tội vu khống cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến việc Công ty Cổ phần Yên Phước liên tiếp bị thanh, kiểm tra sau khi không chấp thuận đề nghị tăng giá khai thác, vận chuyển, có ý kiến cần làm rõ căn cứ để ra quyết định thanh, kiểm tra của chính quyền? Nội dung các đợt thanh, kiểm tra là gì? Đã công bố kết quả kiểm tra, xử phạt hay chưa? Việc kiểm tra, xử phạt có đúng quy định không?... Nếu phát hiện sai phạm từ phía xã, huyện cũng cần phải xử lý nghiêm, tránh mất lòng tin nhân dân và ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư.