Dưới đây là chia sẻ của Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh về một số biện pháp phát triển đội ngũ giáo viên gắn với mô hình phát triển năng lự học sinh và cơ chế tự chủ tài chính tại Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành.
Đáp ứng các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả làm việc
Có rất nhiều yếu tố cần đáp ứng để đội ngũ giáo viên, nhân viên (GV, NV) giỏi gắn bó lâu dài với nhà trường, đó là: chế độ đãi ngộ, chính sách biên chế, môi trường làm việc, điều kiện để phát triển nghề nghiệp, các yêu cầu về chuẩn mực đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tính chất, cường độ lao động,…
Điều mà trường quan tâm là tạo tâm lí được làm việc, được cống hiến và được ghi nhận vì có giá trị. Sự ổn định cùng với các điều kiện làm việc ngày càng được cải thiện cũng là yếu tố hấp dẫn. Hàng năm, sự phát triển của nhà trường đi cùng với việc được tăng lương, tăng phúc lợi là mục đích để GV, NV phấn đấu không ngừng.
Mức lương của của GV, NV được chia theo đầu công việc và được đánh giá theo hiệu quả làm việc. Mức lương được xét dựa theo sự đánh giá công khai của các đồng nghiệp cùng Tổ chuyên môn, cùng bộ phận và cũng được xem xét từ sự đánh giá của HS, cha mẹ HS.
Mỗi GV đều có thể trao đổi với BGH nhà trường về mức lương của mình nếu không thấy thỏa đáng. Bên cạnh đó, trường dành một khoản tiền khá lớn cho các hoạt động phúc lợi.
Cùng với đó là môi trường làm việc chuyên nghiệp, các yếu tố đầu vào và các điều kiện hỗ trợ dạy học (thời khóa biểu phù hợp, thiết bị dạy học, điện, mức độ tiếng ồn và các điều kiện vật chất khác) luôn được đáp ứng giúp GV làm việc hiệu quả.
Niềm vui, hạnh phúc vì luôn được nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ phận khác, luôn được đáp ứng các nguồn lực cho giảng dạy giúp mỗi GV “thăng hoa” trong mỗi bài giảng, giúp HS hứng thú học tập.
GV của trường được làm việc trong môi trường đa dạng gồm nhiều giảng viên đại học, nhiều GV giỏi và các HS có ý thức học tập, kỉ luật tốt cũng giúp GV phát triển nghề nghiệp của bản thân.
Trường Nguyễn Tất Thành đặc biệt quan tâm đào tạo tại chỗ thông các hoạt động nghiên cứu bài học, đặc biệt là hoạt động trợ giúp của những GV đã có kinh nghiệm dành cho các GV trẻ. Sự hỗ trợ của đồng nghiệp diễn ra hàng ngày giải quyết những khó khăn cụ thể giúp cải thiện nhanh tình hình và tạo dựng một môi trường làm việc hạnh phúc với nhiều chia sẻ chân thành, yêu thương, quan tâm.
Đánh giá chất lượng giáo viên, nhân viên công bằng, minh bạch
Nhà trường coi trọng đánh giá chính xác năng lực từng GV, NV, mức độ hoàn thành nhiệm vụ, sự phù hợp với công việc của từng cá nhân. Căn cứ vào các quy định, trường xây dựng các phiếu đánh giá riêng, phù hợp với các nhiệm vụ cụ thể của GV chủ nhiệm, GV bộ môn,...
Ngoài các tiêu chí đánh giá dựa vào hiệu quả công việc, phiếu đánh giá GV có thêm phần điểm cộng (đóng góp xây dựng chương trình nhà trường, đề xuất các biện pháp đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, có HS đạt giải HS giỏi các cấp…) và điểm trừ khi vi phạm quy chế chuyên môn, như ra vào lớp không đúng giờ quy định, vi phạm các quy định về hồ sơ chuyên môn, ra đề, chấm bài kiểm tra sai,… Việc đánh giá được thực hiện mỗi học kì một lần.
Ngoài đánh giá định lượng bằng điểm, các đánh giá định tính cũng được coi trọng. Đó là đánh giá ý thức trách nhiệm và giá trị mỗi hành động, thông qua các buổi họp rút kinh nghiệm sau mỗi hoạt động. Đánh giá định tính dựa trên việc mỗi cá nhân đưa ra các quyết định có trách nhiệm, thiết lập mối quan hệ tích cực, cũng như xử lý các tình huống thách thức một cách có hiệu quả...
Nhà trường không tách rời các tiêu chí đánh giá mỗi GV ra khỏi các yêu cầu về năng lực và phẩm chất cần phải hình thành ở mỗi HS…
Tổ chức đánh giá công khai, công bằng dựa vào các tiêu chí đánh giá đã được thống nhất. Đa dạng các đối tượng đánh giá để có nhiều góc nhìn khác nhau; đa dạng các hình thức đánh giá. Kết quả đánh giá được lưu giữ, đánh giá quá trình phát triển của mỗi cá nhân GV, NV.
Kết quả đánh giá được dùng để khen thưởng, khích lệ kịp thời những GV, NV được đánh giá cao và những GV, NV có nhiều nỗ lực tự học nâng cao trình độ bản thân; để điều chỉnh mức lương; là căn cứ để phân công nhiệm vụ trong những năm học tiếp theo.
BGH nhà trường gặp trực tiếp và trao đổi với một số GV, NV được đánh giá chưa cao về mục tiêu phát triển cá nhân, nguyện vọng, những khó khăn cần trợ giúp,… để giúp họ cải thiện hiệu quả làm việc.
Quy trình tuyển dụng đáp ứng mục tiêu tuyển được giáo viên giỏi
Quy trình tuyển dụng nhân sự mới tại Trường Nguyễn Tất Thành được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Các Tổ chuyên môn đề xuất bổ sung nhân sự. Mô tả công việc, nhiệm vụ của vị trí tuyển dụng.
Bước 2:Thành lập Hội đồng tuyển dụng. Đó là những GV có kinh nghiệm và các chuyên gia của Trường ĐHSP Hà Nội.
Bước 3:Thông báo rộng rãi trên website, bảng tin về nhu cầu tuyển dụng. Mô tả một số đặc điểm cần thiết của ứng viên: Kết quả học ĐH, kinh nghiệm giảng dạy, đặc điểm cá nhân (kỹ năng mềm, khả năng sử dụng tiếng Anh, khả năng lãnh đạo,….). Chủ động tìm kiếm ứng viên giỏi.
Bước 4: Kiểm tra chuyên môn và phỏng vấn: Các GV dự tuyển sẽ phải làm bài kiểm tra về kiến thức chuyên môn và dạy trực tiếp trên lớp. Bài kiểm tra chuyên môn là yêu cầu bắt buộc để đánh giá khả năng chuyên môn của GV.
Các GV được điểm cao nhất sẽ tham gia phỏng vấn bởi các thành viên trong nhà trường (Tổ trưởng chuyên môn, BGH nhà trường). Nội dung phỏng vấn dựa trên những yêu cầu đặc thù của Trường Nguyễn Tất Thành...
Sau khi được tuyển dụng, người lao động sẽ được kí hợp đồng lao động 3 tháng thử việc. Sau đó được kí hợp đồng lao động theo năm. Nếu khẳng định được năng lực nổi trội của bản thân sẽ được đề xuất thi công chức ở Trường ĐHSP Hà Nội.
Tiết mục nhảy tập thể của học sinh Trường Nguyễn Tất Thành |
Thường xuyên bồi dưỡng nghề nghiệp cho giáo viên, nhân viên
Tích cực tham gia các chương trình bồi dưỡng của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội của Phòng GD&ĐT Cầu Giấy. Sau khi dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng, các GV, NV báo cáo BGH về kết quả học tập.
Xây dựng cộng đồng học tập trong nhà trường, đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng GV (tổ chức nghiên cứu bài học trong nội bộ một tổ chuyên môn, giữa các tổ chuyên môn với nhau; khi có điều kiện, mở rộng nghiên cứu bài học tới nhiều trường phổ thông khác...)
Trường cũng tổ chức đồng thời nhiều hoạt động đào tạo tại chỗ. Nội dung tập huấn và trao đổi bắt đầu từ nhu cầu thực tiễn của nhà trường. Công tác tập huấn, bồi dưỡng có giá trị định hướng ban đầu. Điều quan trọng là mỗi GV phải tiếp tục nghiên cứu, rèn luyện bản thân để đạt được hiệu quả thực sự sau bồi dưỡng. BGH phải giám sát được những tiến bộ sau tập huấn và tạo động lực cố gắng của mỗi cá nhân thông qua việc xây dựng cộng đồng học tập trong nhà trường.
Quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của giáo viên, nhân viên
BGH làm việc chuyên nghiệp, tận tâm, không ngại khó khăn, vất vả. Luôn chia sẻ quyền lãnh đạo, lắng nghe, thấu hiểu và sẵn sàng hỗ trợ từng GV, NV hoàn thành nhiệm vụ.
Thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ. Huy động các thế mạnh nổi bật của mỗi GV, NV để phân công nhiệm vụ đúng người, đúng việc. Tạo điều kiện cho GV, NV thực hiện những trọng trách khác nhau. Các công việc có độ khó tăng dần để huy động năng lực sáng tạo và tăng thêm động lực và thử thách đối với GV, NV.
Chăm lo đời sống tinh thần cho GV, NV, tạo sự cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi. Quan tâm tới các hoạt động về thể chất và tinh thần. Các quyền lợi của người lao động đều được đảm bảo như tăng lương, đóng bảo hiểm xã hội...
Nhà trường quan tâm đánh giá và giám sát hiệu quả công việc, giảm gánh nặng hành chính cho đội ngũ GV để GV và CBQL có thời gian được tự học, tự bồi dưỡng, được đầu tư cho chuyên môn.
Tất cả thành viên trong nhà trường cùng có trách nhiệm xây dựng môi trường làm việc tích cực, mọi thành viên được tôn trọng, giúp đỡ, học hỏi và tương trợ lẫn nhau.
Các vấn đề phát sinh được giải quyết một cách hợp lí, hợp tình, linh hoạt, thẳng thắn nhằm tạo ra sự đồng thuận cao trong Hội đồng nhà trường. Không để nảy sinh các mâu thuẫn nội bộ, không làm xuất hiện những tỵ nạnh không đầu không cuối.
Coi trọng sự sáng tạo, chấp nhận những sai lầm của GV, NV. Sự trưởng thành của cán bộ quản lí, GV, NV nhà trường được rút ra từ những việc đã “làm” và “học” được rất nhiều từ những “thất bại”. Trường học là nơi hội tụ và nuôi dưỡng đội ngũ GV, NV sẵn sàng đối diện với những thách thức cùng khả năng giải quyết công việc hiệu quả, tự tin và tràn đầy năng lượng.