(GD&TĐ) - Với thủ khoa khối B Trường ĐHSP Hà Nội Đỗ Thúy Tâm, nghe giảng và hiểu bài ngay ở trên lớp chính là bí quyết thành công. Việc ấn tượng với bài giảng của thầy cô không những giúp nhớ kiến thức lâu hơn mà còn tiết kiệm được rất nhiều thời gian tự học ở nhà.
Thí sinh thảo luận bài sau giờ thi |
Lập kế hoạch khoa học
Tâm chia sẻ: Khi bước vào giai đoạn ôn thi phải tuyệt đối tuân thủ theo một thời gian biểu nghiêm ngặt, tránh tình trạng lãng phí thời giờ và học tập kém hiệu quả.
Bên cạnh đó là kết hợp chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lí. Thời gian tự học ở nhà nên được bắt đầu từ sớm và kết thúc trước 12h đêm nhằm đảm bảo việc ngủ đủ giấc, vì thức khuya sẽ làm ảnh hưởng nhiều tới thời gian học trên lớp ngày hôm sau... đó cũng là một trong những điều làm giảm hiệu quả tiếp thu kiến thức.
Phương pháp làm bài
Môn Toán: Đây là môn thi có cấu trúc đề thi tương đối ổn định qua các năm. Nắm bắt được cấu trúc đề, dạng bài tập của từng chuyên đề, sẽ giúp cho việc sắp xếp bài làm và phân bổ thời gian hợp lí hơn.
Theo kinh nghiệm của Tâm, nên nắm chắc kiến thức và phương pháp giải bài tập của từng loại bài toán. Giải càng nhiều bài thì kĩ năng nắm bắt dạng và làm bài càng tốt. Có thể tham khảo các bài toán cụ thể qua các đề thi của từng năm, từ đó ước lượng được độ khó dễ của đề và khả năng của mình.
Điểm chú ý quan trọng mà các thầy cô vẫn thường nói đó là trình tự làm bài thi. Tuy trình tự này chỉ mang tính tương đối và phụ thuộc vào từng đề thi cụ thể, nhưng những dạng bài quen thuộc, chắc chắn có trong đề thi, vẫn thường được gọi là “bài lấy điểm” như khảo sát hàm số, số phức, các bài toán về tọa độ trong mặt phẳng và không gian... Những dạng bài này nên đọc và làm trước.
Một chú ý nữa khi làm bài thi nói chung là không nên dành quá nhiều thời gian cho một bài nào đó, luôn chú ý tới thời gian sẽ giúp bạn tránh được việc mất điểm đáng tiếc.
“Không ít bạn ngoài việc học trên lớp còn đi học thêm gia sư, các lớp học thêm, các lò luyện thi... Tuy nhiên, các bạn nên dành một lượng thời gian nhất định cho việc tự học, như thế sẽ chủ động trong việc làm bài và tư duy”. Thủ khoa khối B Đỗ Thúy Tâm |
Môn Hóa học: Là môn thi có khối lượng kiến thức rất rộng, trải đều từ lớp 10 tới lớp 12, dạng câu hỏi cũng tương đối đa dạng.
Bước vào quá trình ôn thi, đầu tiên nên tổng hợp lại kiến thức của từng phần, nắm chắc tính chất, các kiểu câu hỏi và dạng Toán. Sau đó giải đề thi, càng nhiều nắm kiến thức càng vững, làm bài nhanh hơn.
Đây là môn thi trắc nghiệm, cấu trúc đề thi thường có 50% lí thuyết và 50% là bài tập tính toán. Khi làm bài thi nên làm nhanh các câu hỏi lí thuyết và phải chắc chắn lấy điểm tối đa ở loại câu hỏi này, đó là lí do vì sao cần nắm chắc tính chất; sau đó sẽ dành ra được nhiều thời gian hơn cho các bài tập tính toán.
Các dạng bài này có bài dễ, là các dạng “kinh điển”, nên luyện cách tính nhanh từ trước. Ngoài ra còn có các bài khó, dài, các dạng mới, các bài này đòi hỏi thời gian nhiều hơn, cần nhận dạng và phân biệt để làm sau cùng.
Môn Sinh học: Là môn thi được cho là dễ học trong thời gian ngắn, dễ lấy điểm. Được điểm cao ở môn này không phải là khó, tuy nhiên, để đạt được điểm tuyệt đối lại không phải là điều đơn giản.
Một lưu ý: Học Sinh là hiểu được bản chất của từng bài học. Không cần phải học vẹt các định nghĩa, việc đó rất tốn thời gian, và đề thi thường có khá nhiều câu hỏi mẹo với các đáp án tương tự nhau, chỉ khi hiểu được vấn đề bạn mới không phải đắn đo giữa các đáp án, vì việc này cũng tốn không ít thời gian.
Bài tập tính toán của môn Sinh học không phải khó. Tuy nhiên, các dạng bài đa dạng và có sự thay đổi giữa các năm. Điều đầu tiên là phải nắm được các dạng cơ bản, khi còn trong quá trình học tập, việc tìm bài và luyện tư duy tự tìm ra cách giải cũng quan trọng, vì việc phân tích đề và áp dụng tính toán là không quá khó khăn.
Hiếu Nguyễn (ghi)