Cơ duyên trở thành cố vấn sức khỏe của Hoàng hậu Nhật Bản
Giáo sư Tiến sĩ y khoa Trang Thục Kỳ là một thầy thuốc Đông y kỳ cựu nổi tiếng bậc nhất Đài Loan. Bà cũng là người đã dành toàn bộ công sức cho việc chăm sóc sức khỏe và phòng chống ung thư trong suốt cuộc đời mình.
Bà được phong là “Người mẹ phòng chống ung thư” hay “Thần y của sức khỏe”. Một người phụ nữ đã gần chạm ngưỡng trăm tuổi, nhưng lưng không còng, eo không đau, thần thái vui vẻ hoạt bát, giọng nói sáng rõ luôn mang đến ấn tượng sâu sắc cho người đối diện.
Mặc dù xuất thân từ Đài Loan nhưng bà dành phần lớn thời gian học tập, nghiên cứu và hành nghề ở Nhật Bản.
Do những thành tựu nổi bật của mình, bà đã vinh dự trở thành cố vấn sức khỏe riêng cho Hoàng hậu Nhật Michiko. Những tài liệu tư vấn sức khỏe của bà hiện vẫn được gia đình nhà vua Nhật áp dụng.
Cả đời dài 96 năm với nhiều công trình khoa học và tài liệu y khoa đã xuất bản, bà đã để lại kho tàng tài sản vô giá.
Ngoài những triết lý nổi tiếng về chữa bệnh và dưỡng sinh, cách bà duy trì các thói quen sinh hoạt cũng có thể khiến người khác ngưỡng mộ. Sau đây là những bí quyết giúp bà sống lạc quan, hầu như rất hiếm khi ốm bệnh.
Phương pháp Thức-Ngủ: 1 tiếng chăm sóc bản thân buổi sáng
Bà thiết lập thói quen đi ngủ lúc 9h tối và thức dậy lúc 5h sáng, duy trì đều đặn việc ngủ 8 tiếng mỗi ngày. Sau khi thức dậy, bà dành thời gian để đi bộ, tập thể dục, tưới nước cho cây và thậm chí còn nói lời chào với cây lá.
Bà cho rằng việc này dù không đặc biệt nhưng nó giúp bà có được một khởi đầu ngày mới tuyệt vời hơn. Khi đi bộ về đến nhà, bà tự mình nói “Tôi đã về đây”.
Theo nghiên cứu của bà, việc nói một mình này thoạt nghe thì nhiều người sẽ bảo “như tâm thần, có vấn đề về thần kinh”, nhưng không phải. Đây là một cách để khởi động tiếng nói, dù bạn nói hay cười thành tiếng hoặc hát đều tốt cho việc khởi động cơ thể sau một đêm dài nghỉ ngơi.
Bà cũng khuyên rằng, nên đổi lịch đi bộ vào buổi tối thành lịch dạo chơi vào buổi sáng.
Khi mặt trời mọc lên là thời điểm không khí trong lành nhất, sự giao hòa giữa trời và đất ở mức đẹp nhất, bạn có thể tận hưởng khoảnh khắc đó một cách triệt để.
Còn vào chiều muộn hoặc đêm khuya, không khí nặng nề sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
GSTS Trang Thục Kỳ đang hướng dẫn cạo gió chữa cảm cúm.
Phương pháp ăn uống: Nạp thức ăn vào, thải khí ra, rút ngắn giấc ngủ trưa
Theo nghiên cứu của bà, một trong những cách dưỡng sinh quan trọng là thải khí trước khi ăn uống.
Nghĩa là trước mỗi bữa ăn sáng, bà thường dành 10 phút nằm nghỉ ngơi và mát-xa các huyệt xung quanh tai để loại bỏ chứng đầy hơi (khí hít thở lưu lại thừa trong bụng).
Trong tiếng Trung, “khí” còn có nghĩa là tức giận, bực bội, vì vậy việc loại bỏ khí trong bụng còn đồng nghĩa với việc loại bỏ sự tức giận, nóng nảy trong tâm trạng. Đây là một trong những cách dưỡng sinh đặc biệt quan trọng.
Bà quan niệm rằng, hãy “nghỉ ngơi trước khi ăn, không ngủ sau khi ăn”. Vì vậy, bà cũng đề nghị bỏ thói quen ngủ trưa quá lâu. Khi bạn ăn quá nhiều, quá mệt mỏi rồi lập tức nằm xuống có thể gây đầy hơi ít nhất 3 giờ.
Việc ăn xong rồi nằm ngủ ngay có thể gây ra bệnh tích khí, đầy hơi, khó tiêu hóa, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của cơ thể.
Trình tự ăn uống: Sáng ăn thịt, trưa ăn cá, tối ăn cháo, nấu nướng cẩn thận
Trong suốt thời gian dài, bà duy trì đều đặn nguyên tắc về chế độ ăn uống là: Sáng ăn thịt, trưa ăn cá, tối ăn nhẹ các món cháo, hấp, canh. Ngày ăn 3 bữa rau.
Thực phẩm mà bà lựa chọn dựa trên tiêu chí đơn giản, sẵn có, nhưng cách chế biến lại cẩn thận, chọn lọc.
Trên bàn ăn luôn có 1 nửa bát cơm, món ăn từ rau khoai lang, một ít cá hoặc một chút xíu thịt kèm theo củ cải.
Lúc còn trẻ, giáo sư Trang ăn mỗi ngày khoảng 150 gam thịt lợn, nhưng khi tuổi cao, bà chỉ ăn khoảng 50 gam thịt/ngày.
Nhiều người không thích ăn thịt vào bữa sáng vì sẽ có cảm giác bị ngấy. Nhưng theo bà, buổi sáng ăn thịt hay protein sẽ giúp bổ sung đủ dưỡng chất và canxi cần thiết.
Phương pháp ngồi: Ngồi thẳng lưng, ngửa mặt nhìn trời, giơ tay bấm huyệt
Để “khí” trong cơ thể được lưu thông trơn tru, Giáo sư Trang khuyên rằng chúng ta phải tạo thói quen ngồi thẳng lưng, ngực mở rộng.
Nếu phải nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính hay điện thoại quá lâu thì bạn nên tạo thói quen “luôn luôn nhìn lên” hay nói vui là “ngửa mặt nhìn trời”.
Hành động này rất quan trọng, vì chúng ta thường xuyên ngồi cúi xuống, cơ thể cong về phía trước quá lâu, khi ngồi thẳng và nhìn lên sẽ khiến cho cơ thể hồi phục trở lại trạng thái cân bằng hơn.
Vuốt hạch bạch huyết cũng là cách cải thiện hệ miễn dịch, phòng bệnh hiệu quả.
Khi ngồi rảnh rỗi, hãy tranh thủ bấm huyệt hay mát-xa đâu đó trên cơ thể, đặc biệt là những vùng bạn nhận thấy là chúng nằm im, ít vận động nhất. Điều này sẽ đánh thức các hạch, giúp chúng thư giãn và hạn chế được sức ép lên các bộ phận cơ thể.
Nếu bạn rảnh có thể tự bấm huyệt, hoặc bạn và người khác cùng bấm huyệt cho nhau cũng có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Bấm huyệt hợp cốc là bí quyết sống khỏe mỗi ngày của giáo sư Trang.
Bấm huyệt hợp cốc là bí quyết sống khỏe mỗi ngày của giáo sư Trang.
Thực đơn dưỡng sinh
- Cá cơm/cá con: Vào mùa hè và mùa thu, bà nấu món ăn này để ăn thường xuyên. Để một ít đậu phụ ở đáy nồi, cho cá cơm lên trên (dùng các loại cá con nhỏ), sau đó cho gừng sợi, rượu gạo, gia vị, nấu chín nhừ.
Cá cơm hoặc cá con nhỏ nấu đậu phụ
Vào mùa xuân và mùa đông thì không cần cho thêm đậu phụ, chỉ nấu cá với các gia vị trên là đủ.
- Rau: Giáo sư Trang lựa chọn các món rau tam sắc cho bữa ăn, ví dụ như rau củ màu trắng giống như củ cải, khoai tây. Rau quả màu đỏ như cà chua, cà rốt. Rau quả màu xanh như các loại rau lá…
- Riêng lá khoai lang được bà xem là “khách quý” trên bàn ăn. Bà nấu bằng cách đun gừng sợi cùng nước sôi lên, khi có hương gừng bay lên thì cho rau vào luộc chín, vớt rau ra ăn ấm nóng.
- Món ăn kèm: Bà thường chọn món dưa chuột rưới nước chanh hoặc món cà chua xào trứng.
Giáo sư Trang Thục Kỳ là tiến sĩ y khoa, một thầy thuốc đông y kỳ cựu nổi tiếng nhất Đài Loan. Bà sinh ngày 26/11/1920 và mất ngày 4/2/2015, để lại rất nhiều di sản quý giá về lĩnh vực y học.