Bí quyết học Lịch Sử hệ thống và dễ dàng hơn

GD&TĐ - Nguyễn Thị Hà Anh - Học sinh lớp 12 chuyên Sử Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) - chia sẻ một số bí quyết cá nhân để học Lịch Sử nhanh hơn, hiểu quả hơn cho kì thi THPT quốc gia sắp tới.

Nguyễn Thị Hà Anh
Nguyễn Thị Hà Anh

Xâu chuỗi các sự kiện với nhau

Trước khi học, hãy đọc một lượt nội dung từ trên xuống dưới, gạch dưới những từ, những ý quan trọng, có thể soạn lại bài và trình bày theo sở thích của bạn sao cho dễ học, dễ nhớ.

Nắm được nội dung bài học một cách toàn diện và khái quát như thế sẽ giúp bạn học bài nhanh thuộc hơn rất nhiều vì trong đầu bạn đã hình dung ra được kết cấu, những kiến thức trọng tâm cần nắm.

Bởi vì môn Lịch sử có rất nhiều sự kiện, nhiều mốc thời gian, vì vậy đã có không ít sĩ tử “rối ren” vì phải phân biệt và nhớ rõ từng sự kiện. Khi học Lịch Sử, trước tiên bạn nên đọc kĩ và ghi chép lại các kiến thức cơ bản như mốc thời gian, diễn biến, kết quả và ý nghĩa của sự kiện, của mốc thời gian đó.

Từ sự ghi chép kiến thức một cách hệ thống theo mô hình sơ đồ tư duy ở kết hợp nghe giảng, chú ý đến những điểm nhấn mạnh nhiều lần của giáo viên, dựa vào sách giáo khoa để phát triển ý lớn đến ý nhỏ. Dựa trên nguyên lý đi từ cây đến cành, đến nhánh; tương ứng với việc xác định chủ đề đến phát triển ý chính rồi ý phụ một cách logic.

Việc làm này cần phải thực hiện thường xuyên sau mỗi bài học, mỗi chương, mỗi giai đoạn.

Từ cách tổng hợp kiến thức bằng hệ thống sơ đồ tư duy, các bạn sẽ thấy bài học trở nên ngắn gọn, dễ hiểu, các bạn nắm được kiến thức cơ bản nhanh chóng, thuộc bài ngay tại lớp, nhớ sâu và chính xác nội dung bài học. Lúc này việc tự học của học sinh sẽ không còn nhàm chán như trước.

Ngoài ra, bạn cũng nên ghi các sự kiện, mốc thời gian vào giấy ghi chú và dán nó lên một góc nào đó, mỗi ngày bạn sẽ lấy đi một tờ và đọc thuộc các ý chính của sự kiện ghi trên giấy, học đi học lại nhiều lần sẽ giúp bạn nhớ dai hơn.

Lựa chọn thời gian học bài

Bất kì môn học nào cũng cần phải lựa chọn thời gian học, nhất là đối với những môn học thuộc. Bạn nên chọn thời gian là buổi sáng, buổi trưa và tối (trước 22 giờ).

Khi nào thấy tâm trạng thoải mái thì học, tuyệt đối không nên học bài khi đang stress, bực tức, học vào thời gian này sẽ làm bạn căng thẳng thêm, hãy thư giãn đi nhé! Ngoài ra, khi học thì bạn nên đọc to hoặc đọc nhẩm, kết hợp với ghi chép trên giấy nháp.

Khảo sát thực tế và xem phim tài liệu

Hãy xem những cuốn phim tài liệu về Chiến tranh ở Việt Nam, về Chiến dịch Điện Biên Phủ, về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…và nhiều cuốn phim tài liệu lịch sử khác. Đó cũng là một cách ghi nhớ lịch sử trực quan, sinh động.

Những thước phim sống động sẽ giúp bạn tiếp thu kiến thức lịch sử một cách nhẹ nhàng hơn, với ấn tượng mạnh hơn mà không hề cảm thấy khô khan như tiếp thu trên trang sách.

Tương tự với “giáo trình” hấp dẫn ấy, bạn có thể học Sử qua tranh ảnh…, nếu có điều kiện bạn hãy tới thăm quan Bảo tàng quân sự Việt Nam để khắc sâu hơn các kiến thức mình đã học trên lớp.

Hệ thống kiến thức trước khi đi ngủ

Bạn hãy dành ít nhất 10 phút trước khi đi ngủ để hệ thống lại khối kiến thức đã thu lượm được trong ngày.

Cố gắng nhớ lại trong đầu những sự kiện, như hôm nay mình học về chiến dịch Biên giới thu đông 1950, chiến dịch ấy bắt đầu ngày 16 tháng 9; mở đầu ta tấn công cứ điểm Đông Khê…

Kết thúc chiến dịch ta tiêu diệt và bắt sống trên 11.500 tên, thu trên 3000 tấn vũ khí, giải phóng thêm 4000km2 đất đai và 35 vạn dân…

Chỉ với ít phút đó bạn có thể khắc sâu kiến thức thêm một lần nữa. Hôm sau, nếu có thời gian, sau khi hệ thống kiến thức của ngày đó, bạn có thể hệ thống kiến thức đã học của ngày hôm kia…

Một trong những cách tốt nhất để nhớ lâu là “văn ôn võ luyện”, học nhiều thì nhớ lâu. Không chỉ học thuộc sự kiện mà nên tìm hiểu về sự kiện lịch sử. Khi hiểu sự kiện lịch sử sẽ nhớ lâu hơn.

Muốn hiểu sự kiện lịch sử, nên đặt sự kiện đó trong các sự kiện lịch sử tương tác với nó. Học như vậy không chỉ nhớ được một mà một vài, thậm chí là nhiều sự kiện lịch sử. Đặc biệt là “dân ta phải yêu Sử ta”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ