Bí quyết giúp trẻ không ngại học môn Văn

GD&TĐ - Nhiều trẻ lười viết nên ngại học môn Văn. Do đó, con càng ngày càng khó khăn hơn để làm một bài văn hoàn chỉnh, có cảm xúc.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Tạo hứng thú

Chị Lê Thị Minh (Hải Dương) chia sẻ, con chị học lớp 9 và rất lo lắng về môn Văn trước mỗi kỳ thi. Càng ngày, con càng lười viết, không biết bày tỏ ngôn ngữ, suy nghĩ như thế nào qua trang giấy. Thậm chí, con ngại viết nên cũng ngại nói. Mỗi lần nói chuyện đều cụt lủn, ngắn gọn mà theo con là “không biết nói như thế nào”. Do vậy, giúp con ham viết cũng chính là để con rèn kỹ năng diễn đạt ngôn từ.

Muốn vậy, cha mẹ nên tích cực “gieo mầm” để con dễ dàng học môn Văn – vốn là môn học giàu cảm xúc, nhân văn và giúp trẻ tích luỹ được nhiều kỹ năng sống phong phú.

Cô Phan Hồ Điệp - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ trên trang cá nhân về cách giúp trẻ yêu thích, không ngại viết văn và để môn học này không trở thành gánh nặng với mỗi học sinh. Theo đó, người lớn hãy lôi kéo sự hứng thú của con thông qua việc cho trẻ được viết về những gì trẻ thích. Ví dụ con mê siêu nhân, vũ trụ, mê động vật, thực vật... Bạn hãy ra những chủ đề đó. Hãy viết về siêu nhân trong trí tưởng tượng của con. Nếu được làm một cái cây, con chọn làm cây gì, hãy miêu tả về “con - cái cây” đó cho mọi người cùng biết.

Trẻ con rất thích tưởng tượng nên hãy tận dụng tối đa điều này để khích lệ trẻ viết: Tưởng tượng và kể chuyện về một con mèo biết nói tiếng người. Tưởng tượng một buổi sáng tỉnh dậy và thấy các con cá đang đi bộ trên đường rồi kể lại...

Ngay từ khi con bắt đầu học viết văn, cha mẹ hoàn toàn có thể hỗ trợ con viết bằng những bước sau:

Bước 1: Cho con lựa chọn chủ đề (bất cứ điều gì con thích, đừng can thiệp hay định hướng).

Bước 2: Dùng các tờ giấy note để ghi lại những thông tin mà con thu thập được về chủ đề đó. Ví dụ, viết về loài hoa ăn thịt thì các thông tin có thể là: Tên/ nơi sống/ điểm đặc biệt/ hình dáng của hoa/ tại sao gọi là hoa ăn thịt...

Bước 3: Hướng dẫn con viết đoạn mở đầu. Điều này dường như rất khó đối với các bạn ngại viết hoặc kĩ năng viết chưa tốt. Cha mẹ hãy hỗ trợ bằng hệ thống câu hỏi: Con muốn biết mọi người biết gì về bài viết của con? Tại sao con nghĩ là mọi người lại thích bài viết này của con… Chỉ cần trả lời những câu hỏi đó thôi là đã thành một đoạn mở bài rồi. Ví dụ, khi con viết bài về con gấu, chỉ cần con nói: Bài văn này sẽ viết về một con vật rất to béo là con gấu. Khi đọc xong bạn sẽ biết con gấu sống ở đâu, ăn gì và có gì đặc biệt…

Bước 4: Viết các phần còn lại: Hãy sử dụng thông tin trong tờ note. Mỗi một thông tin, hãy đặt cho chúng một câu mở đầu và các câu tiếp theo sẽ mở rộng ý cho câu mở đầu đó.

Cô Phan Hồ Điệp. Ảnh: FBNV.

Cô Phan Hồ Điệp. Ảnh: FBNV.

Kết hợp viết văn với các môn học khác

Ngoài ra, cô Phan Hồ Điệp cũng gợi ý, cha mẹ có thể giúp con kết hợp môn Văn với môn học khác như Mỹ thuật khi khuyến khích con vẽ rồi nói lại, viết lại. Hoặc có thể kết hợp Văn với Tự nhiên xã hội. Ví dụ khi con tìm hiểu về sự tuyệt chủng của khủng long rồi tưởng tượng lại những ngày cuối cùng của khủng long và viết lại. Có thể kết hợp Văn với Toán. Ví dụ khi ra đề bài toán về phân số qua chia phần quả táo rồi hướng dẫn con viết đoạn văn về lòng biết ơn, sự nhường nhịn...

“Trong học văn, hãy chú ý đến việc dạy CÁI ĐẸP hơn là dạy đúng, sai”, cô Điệp nhấn mạnh và cho rằng, Văn học không phải là món ăn rồi tất cả mọi người cùng ăn và tất cả đều phải thấy ngon, “khẩu vị” luôn khác nhau. Con có những câu văn ngô nghê một chút, bật cười một chút nhưng là của riêng con thì đừng cố ép con phải viết giống như mẫu.

Trong cuộc sống hàng ngày, muốn con yêu thích việc viết văn, sáng tạo trong mỗi câu chuyện, cha mẹ hãy dạy con quan sát. Hãy hỏi con về lá, về các loại hoa, về đàn kiến rong chơi, về chú chim đậu bên hiên nhà, bụi hoa hồng mới mọc bông đầu tiên, ánh nắng, giọt mưa đậu trên cửa sổ... những câu chuyện đó có ý nghĩa hơn cả việc ngồi làm một bài văn “theo mẫu”.

Muốn vậy, người lớn cần tạo thành thói quen hàng ngày cho trẻ là đọc sách và viết. Điều này sẽ rất có ích cho bé. Việc giúp con tăng cường vốn từ và học tốt môn Văn có thể thực hiện ngay khi con còn nhỏ, thông qua ngay cách trò chuyện của cha mẹ với con. Những cách đó có thể là hỏi con trả lời thay vì chỉ cho con: Tại sao mình cần đi ngủ sớm con nhỉ? Tại sao mình cần rửa tay trước khi ăn?

Đôi khi, giải thích sẽ hiệu quả hơn là đưa ra mệnh lệnh: Nếu con để đồ chơi ở ngoài này, nước mưa rơi vào có thể sẽ làm nó bị hỏng hoặc bị phai màu. Bên cạnh đó, cần khuyến khích sự tự nhìn nhận về một công việc, cảm xúc như: Con nghĩ nên làm gì để khỏi giận dữ/ Con nghĩ thế nào về bức tranh con vừa vẽ...

“Trong mọi việc, hãy nói chuyện với con như với một người lớn. Bạn không cần né tránh những từ mà bạn cho là khó hiểu hay hoa mĩ một chút. Trẻ thích được như thế vì đó là quá trình trẻ tìm hiểu và khám phá. Nhờ đó, trẻ cũng hứng thú hơn khi được viết ra những điều mới mẻ mà chúng vừa được nghe, được học”, cô Phan Hồ Điệp chia sẻ.

Cô Phan Hồ Điệp nhấn mạnh: Trẻ con rất thích “thay đổi thế giới”, hãy cho chúng được thực hiện điều này nhờ việc viết ra: Nếu con làm bộ trưởng/làm phi hành gia/làm người máy... con sẽ làm những gì. Trẻ cũng cực kì thích những điều kì lạ, thú vị, hấp dẫn. Do đó, hãy tìm hiểu và viết lại về cái cây ăn thịt người/động vật sống lâu nhất/loài cây phát sáng mà con mới đọc được hay tưởng tượng ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ