'Bí quyết' giúp Nhật Bản không phải đóng cửa trường học trong dịch Covid-19

GD&TĐ - Trong hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, Nhật Bản vẫn luôn ưu tiên mở cửa trường học an toàn, với nhiều giải pháp tích cực nhằm giảm thiểu rủi ro sức khỏe cho giáo viên và học sinh.

Ngay cả khi ban bố tình trạng khẩn cấp phòng dịch, Nhật Bản hầu như không đóng cửa trường học (hình minh họa).
Ngay cả khi ban bố tình trạng khẩn cấp phòng dịch, Nhật Bản hầu như không đóng cửa trường học (hình minh họa).

Ngay cả khi ban bố tình trạng khẩn cấp phòng dịch, Nhật Bản hầu như không đóng cửa trường học. Tuy nhiên, tỉ lệ học sinh mắc Covid-19 ở nước này rất thấp, đặc biệt là thời điểm trước khi biến thể Omicron xuất hiện ở nước này vào cuối tháng 11/2021.

Chúng ta cùng tìm hiểu vì sao số học sinh ở Nhật lại ít mắc Covid-19. Chính phủ và nhà trường cũng như người dân đã thực hiện phòng chống như thế nào?

Đánh giá chuẩn xác tình hình bệnh dịch và tác động của nó tới trường học

Khi dịch Covid-19 lần đầu tiên bùng phát ở Nhật Bản vào tháng 2/2020, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) đã đề nghị tạm đóng cửa trường học các cấp để phòng ngừa lây lan dịch bệnh. Tuy vậy, chính quyền địa phương và những đơn vị thành lập trường vẫn được tự quyết định có đóng cửa trường học hay không, cũng như cách thức đóng cửa.

Từ tháng 6/2020, khi hầu hết các trường học trên toàn quốc mở cửa trở lại, MEXT đã hạn chế tối đa việc đóng cửa trường học, bởi lo ngại việc này có thể tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh các cấp.

Theo thống kê của MEXT, tỉ lệ lây nhiễm Covid-19 trong trường học khá thấp (chỉ khoảng 5%), trong khi tỉ lệ học sinh bị nhiễm Covid-19 từ gia đình là 57%. Bởi vậy, giới chức giáo dục Nhật Bản cho rằng, chỉ nên đóng cửa trường học trong trường hợp cực kỳ cần thiết.

Nguyên nhân chủ yếu là do giới chức giáo dục nước này lo ngại việc đóng cửa trường học có thể tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh.

Phát biểu với các phóng viên ở thủ đô Tokyo hồi cuối tháng 11/2020, ông Koichi Hagiuda, người khi đó đang giữ chức bộ trưởng MEXT, nhấn mạnh chỉ nên đóng cửa các trường học khi cực kỳ cần thiết sau khi cân nhắc quyền học tập của trẻ em và tác động của việc đóng cửa trường học tới sức khỏe thể chất và tinh thần của các em.

Bên cạnh đó, theo thống kê của MEXT, vào thời điểm đó, 57% số học sinh mắc Covid-19 thông qua con đường lây nhiễm trong gia đình.

Đặc biệt, có tới 70% học sinh ở cấp tiểu học mắc Covid-19 theo con đường này. Tỷ lệ lây nhiễm trong trường học khá thấp, chỉ khoảng 5% vì vậy, thay vì đóng cửa các trường học và trường mẫu giáo, Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo một môi trường học tập an toàn cho các học sinh và thầy cô giáo.

Những biện pháp đảm bảo môi trường học tập an toàn

Kết hợp tổ chức và thực hiện chương trình giảng dạy đảm bảo việc học tập hiệu quả

Liên quan tới việc phòng chống dịch bệnh trong trường học ở Nhật Bản, cho đến nay MEXT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về các biện pháp phòng dịch phù hợp với từng giai đoạn của dịch bệnh.

Ngày 2/2, MEXT đã quyết định rút ngắn thời gian đóng cửa lớp học và trường học có ca dương tính với virus SARS-CoV-2 từ 7 ngày xuống còn 5 ngày.

Vào tháng 9/2020 MEXT đã ban hành cuốn sách với tiêu đề "Giáo dục ở Nhật Bản vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19: Không để ai bị bỏ lại phía sau", trong đó làm rõ các chính sách về tổ chức và thực hiện chương trình giảng dạy nhằm đảm bảo việc học tập hiệu quả cho hơn 12 triệu học sinh ở 35.874 trường học trong cả nước kể từ niên học 2020 (bắt đầu từ tháng 4/2020).

Trong cuốn sách đó, MEXT cam kết phục hồi việc học tập ở trường học bằng cách áp dụng các ngày đi học đặc biệt và/hoặc thời khóa biểu học tập liên tục, sắp xếp lại thời gian biểu, xem xét rút ngắn các kỳ nghỉ dài ngày, cho các trường học mở cửa cả vào ngày thứ bảy…

Khi không thể hoàn thành chương trình giảng dạy theo kế hoạch ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp trên, MEXT cho phép thực hiện các biện pháp đặc biệt như chuyển một số nội dung giảng dạy từ năm nay sang 1 hoặc 2 năm sau đó…

Áp dụng biện pháp linh hoạt và sáng tạo

Bộ Giáo dục MEXT đưa ra các sáng kiến nhằm đảm bảo rằng các học sinh không gặp bất lợi trong các kỳ thi trung học phổ thông và đại học như yêu cầu tất cả các trường đại học đưa ra các biện pháp đặc biệt như đánh giá toàn bộ quá trình học tập của học sinh hay phỏng vấn trực tuyến…

Để giúp các trường học trong cả nước có đủ nhân lực và vật lực cần thiết đảm bảo cho việc giảng dạy một cách hiệu quả, MEXT đã phái cử một số lượng lớn các giáo viên và nhân viên hỗ trợ trường học tới hỗ trợ. MEXT cũng hỗ trợ tài chính cho tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn quốc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhanh chóng, linh hoạt và đảm bảo chất lượng giảng dạy.

Đối với cấp học từ đại học trở lên, bộ MEXT chủ trương khuyến khích các trường tăng cường học tập từ xa. Để hỗ trợ các trường học triển khai hình thức học tập này, MEXT đã phân bổ 95 triệu USD trong ngân sách bổ sung của Chính phủ để giúp các trường đại học thiết lập hệ thống và mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin.

Bộ MEXT cũng đề nghị các trường học cần lưu tâm tới việc đảm bảo cơ hội học tập cho học sinh và cần ưu tiên trước tiên cho biện pháp đóng cửa lớp học có học sinh mắc Covid-19. Đáng chú ý, MEXT nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải linh hoạt trong việc ra quyết định về việc đóng cửa lớp học hay toàn bộ trường học.

Với các biện pháp linh hoạt như vậy, nhiều người tin rằng ngành giáo dục Nhật Bản sẽ tiếp tục đảm bảo được môi trường học tập an toàn cho các học sinh ngay cả khi làn sóng lây nhiễm bùng phát để đảm bảo rằng "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Sự hỗ trợ của phụ huynh giúp con vượt qua dịch Covid-19

Sự hoành hành của Covid-19 mang theo rất nhiều cung bậc cảm xúc như lo lắng, căng thẳng và bất an - và trẻ em ở mọi lứa tuổi đặc biệt cảm nhận rất rõ điều này. Vì thế, các bậc phụ huynh ở Nhật đã áp dụng những biện pháp này để giúp con em mình vượt qua khó khăn hậu đại dịch.

Chủ động đồng hành cùng con

Phụ huynh luôn trò chuyện chủ động cập nhật với con về tình hình dịch bệnh để cho trẻ thấy tầm quan trọng của việc giữ gìn cơ thể khỏe mạnh. Phụ huynh luôn động viên các con để chúng thông báo cho bố mẹ biết khi cảm thấy không khỏe, hoặc khi con cảm thấy lo lắng về vi-rút để cha mẹ có thể giúp đỡ.

Khi trẻ cảm thấy bất an và lo lắng về Covid-19, phụ huynh đã trấn an con rằng các chứng bệnh gây ra bởi Covid-19 nhìn chung không quá nghiêm trọng, đặc biệt là đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Điều quan trọng là nhiều triệu chứng của Covid-19 có thể chữa trị. Đồng thời luôn nhắc con rằng, có nhiều cách hiệu quả để giữ an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh, đồng thời kiểm soát tình hình tốt hơn.

Thiết lập thời gian biểu mới

Hậu Covid-19 các con đến trường, lúc này thời gian biểu của con có sự tham gia của phụ huynh, giúp các con đưa ra một thời gian biểu mới cho một ngày - bao gồm giờ vui chơi, giờ trò chuyện với bạn bè, giờ học tập, giờ tham gia việc nhà… Tùy theo lứa tuổi cha mẹ giúp con lập thời gian biểu phù hợp và giúp con thực hiện. Trẻ cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi có cảm giác chắc chắn, biết trước trong ngày sẽ có những hoạt động gì, biết khi nào học bài và khi nào được chơi. Vì vậy, chúng cảm thấy an toàn hơn.

Đối với trẻ mới lớn, thời gian nghỉ học vì Covid-19 làm cho trẻ dường như dán mắt vào màn hình máy tính hoặc điện thoại hơn. Vì thế, thời gian biểu mới là để cho con một số tự do nhất định nhưng không phải là tự do hoàn toàn. Cha mẹ thẳng thắn với con rằng, bây giờ là thời điểm dành nhiều thời gian cho các hoạt động ngoại khóa chứ không phải truy cập mạng xã hội nhiều như lúc trước.

Con cái luôn dựa vào cha mẹ để có cảm giác an toàn và được bảo vệ. Vì thế, có thể thời gian đầu, phụ huynh cũng gặp không ít khó khăn khi con làm quen với thời gian biểu mới tuy nhiên, sau một thời gian kiên nhẫn, các con đã có thể thích nghi và thực hiện khá tốt bình thường mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ