Các yếu tố ảnh hưởng
Khi nói đến việc học ngoại ngữ, nhiều người đặt câu hỏi: Độ tuổi nào là phù hợp nhất? Liệu, có phải thời thơ ấu là giai đoạn lý tưởng nhất, khi não của con người giống như những miếng bọt biển nhỏ, tiếp nhận thông tin mới với tốc độ nhanh? Hay tốt nhất là khi chúng ta lớn hơn và có thể hiểu các khía cạnh như ngữ pháp và văn hóa?
Chia sẻ về vấn đề này, bà Claire Law, giáo viên, nhà trị liệu tâm lý và là cộng tác viên cấp cao tại tổ chức Four Minute Books (Mỹ) nhận định, không có khoảng thời gian nào là tốt nhất khi học một ngôn ngữ mới: “Mỗi giai đoạn của cuộc đời đều có những điểm mạnh riêng biệt có thể biến việc học ngôn ngữ thành một trải nghiệm vô cùng bổ ích và thúc đẩy trí não khi chúng ta dựa vào các chiến lược phù hợp. Điều quan trọng là phải có chủ đích khai thác kỹ năng và tư duy cụ thể của độ tuổi và giai đoạn hiện tại của mỗi người”.
Mặc dù mỗi độ tuổi đều có ưu và nhược điểm riêng, nhưng tuổi tác không phải là yếu tố duy nhất cần cân nhắc khi nói đến việc học ngoại ngữ. Theo Sanam Hafeez, Tiến sĩ Tâm lý học, nhà tâm lý học thần kinh và giám đốc của Dịch vụ tư vấn tâm lý toàn diện, việc học ngôn ngữ chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: Khả năng nhận thức, phát triển theo từng độ tuổi khác nhau; động lực của người học ngôn ngữ; hiệu quả của các chiến lược học tập khác nhau có thể được sử dụng.
Tiến sĩ Hafeez giải thích rằng, khi mỗi cá nhân trưởng thành, các chức năng nhận thức của họ sẽ phát triển, tác động đến khả năng hiểu sâu hơn những khái niệm ngôn ngữ trừu tượng và quy tắc ngữ pháp. Bà cho biết, động lực cũng là yếu tố then chốt trong quá trình học ngoại ngữ. Bởi, nó ảnh hưởng đến sự tham gia và ý chí kiên trì vượt qua mọi thử thách mà người học gặp phải.
Cuối cùng, cách giảng dạy ngôn ngữ là yếu tố chính và một số chiến lược hiệu quả hơn những chiến lược khác. Tiến sĩ Hafeez cho biết: “Các chiến lược học tập hiệu quả như trải nghiệm nhập vai, nhắc lại và các công cụ học tập tương tác giúp tăng cường khả năng ghi nhớ từ vựng cũng như kỹ năng giao tiếp thực tế”.
Thực tế, có nhiều lợi ích khi học ngôn ngữ thứ hai ở giai đoạn đầu đời. Một lợi ích chính là não của trẻ nhỏ được trang bị để học với tốc độ nhanh. Điều này là do khái niệm về tính dẻo của não. Yếu tố này là về khả năng thích nghi và thay đổi của não. Tiến sĩ Hafeez cho biết: “Trẻ nhỏ, thường dưới 10 tuổi, được hưởng lợi từ tính dẻo của não cao hơn. Điều đó cho phép trẻ tiếp thu ngôn ngữ và thường dễ dàng đạt được trình độ gần như người bản xứ”. Bên cạnh đó, trẻ cũng có bản tính tò mò tự nhiên, giúp các bé dễ dàng tiếp thu ngôn ngữ mới.
Theo chuyên gia này, các nghiên cứu đã chỉ ra một số lợi ích rõ ràng khi trẻ nhỏ học nhiều hơn một ngôn ngữ như: Hiểu biết xã hội mạnh mẽ hơn, nhạy cảm hơn với các phong cách giao tiếp, chẳng hạn như nhận ra các tông giọng khác nhau.
Ngoài ra, trẻ sẽ có ưu điểm về nhận thức, như có thể dễ dàng chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác. Việc học ngoại ngữ cũng giúp trẻ tăng cường một số khía cạnh của trí nhớ, như khả năng khái quát hóa thông tin từ sự kiện hiện tại sang sự kiện sau.
Câu hỏi được nhiều phụ huynh đặt ra là: Cách tốt nhất để dạy trẻ nhỏ ngôn ngữ thứ hai là gì? Tiến sĩ Hafeez đã chia sẻ một số bí quyết để trẻ “chinh phục” ngoại ngữ. Trước hết, trẻ cần đắm mình vào ngôn ngữ. Điều đó có nghĩa là, trẻ em cần được tiếp xúc với ngoại ngữ trong suốt các hoạt động hằng ngày (câu chuyện, bài hát, cuộc trò chuyện). Cha mẹ cũng cần sử dụng các phương tiện hỗ trợ trực quan, đạo cụ, trò chơi và bài tập thực hành để trẻ rèn luyện khả năng ngoại ngữ. Đồng thời, trẻ cần có những trải nghiệm thực tế, như các chuyến đi tham quan tìm hiểu về văn hóa hoặc tương tác với người bản ngữ.

Học ngôn ngữ ở tuổi vị thành niên
Nhiều người nghĩ rằng, thời thơ ấu là “thời gian vàng” để học ngoại ngữ và khi trở thành thiếu niên, cơ hội đó đã khép lại. Tuy nhiên, theo bà Claire Law, đó không phải là cách nhìn nhận đúng đắn. Thực tế, thanh thiếu niên có một số lợi thế về nhận thức giúp việc học ngoại ngữ trở nên dễ dàng hơn và bổ ích ở một số khía cạnh.
“Những kỹ năng tư duy phân tích phát triển sau thời thơ ấu là các công cụ cực kỳ mạnh mẽ để phá vỡ quy tắc ngữ pháp và cấu trúc logic cụ thể có vẻ vô nghĩa khi người học còn nhỏ”, bà Law mô tả. Trong khi đó, Tiến sĩ Hafeez cho biết, có một số lợi ích rõ ràng khi học ngôn ngữ ở tuổi vị thành niên. Cụ thể, người học ở tuổi vị thành niên thường có tính linh hoạt về nhận thức và kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn. Ngoại ngữ sẽ mở ra những cơ hội giáo dục mới, thiết lập cho trẻ vị thành niên một sự nghiệp đa dạng hơn trong tương lai.
Thông thường, ngôn ngữ thứ hai được dạy ở tiểu học, trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông. Tiến sĩ Hafeez đã chia sẻ một số ý tưởng về việc học ngoại ngữ dành cho thanh thiếu niên. Cụ thể, người học có thể tham gia các hoạt động nhập vai như xem phim hoặc nghe nhạc bằng ngoại ngữ. Tham gia chương trình trao đổi ngôn ngữ để tăng khả năng nghe hiểu và trôi chảy. Ngoài ra, trẻ vị thành niên nên luyện nói thường xuyên với bạn bè hoặc người bản xứ để tăng sự tự tin và kỹ năng giao tiếp.
Trong khi đó, việc học một ngôn ngữ mới ở tuổi trưởng thành cũng mang lại những thách thức riêng. Tiến sĩ Hafeez cho biết: “Người lớn thường gặp khó khăn như quản lý thời gian giữa công việc và các cam kết cá nhân, vật lộn với cấu trúc ngữ pháp không quen thuộc và phải vượt qua sự tự ti về việc mắc lỗi”.
Tuy nhiên, việc học ngoại ngữ ở tuổi trưởng thành không phải là không có triển vọng. Các chuyên gia cho biết, một người trưởng thành chắc chắn có thể học một ngoại ngữ mới. Một số nghiên cứu đã phát hiện, não của con người có tính dẻo dai hơn chúng ta nghĩ. Học một ngôn ngữ mới có lợi cho mọi người trong suốt cuộc đời. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, việc học nhiều ngoại ngữ thậm chí còn có tác dụng bảo vệ chống lại sự suy giảm nhận thức khi một người già đi.

Chiến lược học ngôn ngữ mới khi trưởng thành
Bí quyết để học một ngôn ngữ mới khi trưởng thành là phải nhất quán trong quá trình học. Bà Claire Law cho biết, hầu hết người trưởng thành học tốt nhất thông qua các bài học ngắn gọn, đa giác quan. Bà nói thêm: “Thực hành giao tiếp cũng rất quan trọng”. Trong khi đó, Tiến sĩ Hafeez gợi ý một số mẹo dành cho người lớn là: Đặt ra các mục tiêu có thể đạt được; thiết lập các thói quen học tập nhất quán; kết hợp việc luyện tập ngôn ngữ vào cuộc sống hằng ngày; đắm mình vào ngoại ngữ thông qua âm nhạc, phim ảnh hoặc các phương tiện truyền thông khác.
Ngoài ra, mọi người nên cân nhắc một chương trình trao đổi ngôn ngữ, tìm cơ hội để giao lưu với người bản ngữ, sử dụng các thiết bị ghi nhớ và thẻ nhớ. Đồng thời, sử dụng sự trợ giúp của ứng dụng học ngôn ngữ như Duolingo hoặc Babbel.
Các chuyên gia nhấn mạnh, mọi người vẫn có thể thành công chinh phục ngôn ngữ mới dù ở bất kỳ độ tuổi nào. Không chỉ vậy, lợi ích của việc học ngôn ngữ thứ hai vẫn luôn tồn tại cho dù người học mới 6 hay 60 tuổi. Bà Claire Law cho biết: “Việc học ngoại ngữ mở ra những cánh cửa mới về nhận thức và nâng cao hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau, bất kể chúng ta bao nhiêu tuổi”. Bà kết luận, điều quan trọng là tìm ra phương pháp phù hợp với độ tuổi và nhu cầu học tập của từng người.
Bà Diandra Morse, nhân viên xã hội lâm sàng, người sáng lập tổ chức giáo dục Bilingual Playdate tại Mỹ cho biết, khi cha mẹ nói nhiều ngôn ngữ hoặc sống trong cộng đồng song ngữ, người ta thường cho rằng, việc nuôi dạy trẻ song ngữ sẽ là điều hiển nhiên, thậm chí dễ dàng. “Theo kinh nghiệm của tôi, rào cản chính mà những cha mẹ này phải đối mặt khi dạy con nói nhiều hơn một ngôn ngữ là kỳ vọng có sẵn về cách học nên diễn ra như thế nào hoặc con họ sẽ cần những gì để học thêm một ngôn ngữ nữa”.
Tuy nhiên, thực tế, nhiều cha mẹ cho biết, phải vật lộn với việc đưa kế hoạch để dạy trẻ song ngữ. Do đó, phụ huynh cần đầu tư về mặt tinh thần, thời gian, xã hội, cảm xúc, tài chính trong việc giáo dục trẻ song ngữ.