Nhiều câu tình huống đòi hỏi tư duy logic
Đề thi tham khảo theo hình thức trắc nghiệm gồm 40 câu, trong đó mức độ nhận biết, thông hiểu: 20 câu (50%); vận dụng, vận dụng cao 20 câu (50%).
Đề được xếp theo mức độ từ dễ đến khó để học sinh đi theo thứ tự từ thấp đến cao. Đề thi đảm bảo kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, ngoài ra học sinh phải biết vận dụng kiến thức vào các tình huống cụ thể, tăng tính thực tiễn, gắn với phát triển tư duy, năng lực học sinh.
Về nội dung kiến thức: Đề thi gồm kiến thức chương trình 11 và 12; trong đó chương trình lớp 11 gồm 8 câu (20%), chương trình lớp 12 gồm 32 câu (80%). Như vậy kiến thức lớp 12 chiếm đa số.
Đề thi đảm bảo phân hóa học sinh rõ nét, từ câu 81 đến câu 100 là câu dễ dàng nhận ra kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Phần này đáp án gây nhiễu không khó, đảm bảo học sinh đạt được 5 điểm.
Từ câu 101 đến câu 120 là toàn bộ phần tình huống, phần này đòi hỏi tư duy lô gic, học sinh phải biết vận dụng kiến thức vào giải quyết tình huống thực tiễn. Học sinh muốn được điểm cao phải nắm rõ bản chất vấn đề và phải phân tích tình huống từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp.
Đề thi khó hơn và có mức độ phân hóa cao hơn so với năm 2017, vì vậy để đạt điểm từ 8 trở lên đòi hỏi tư duy và nắm chắc kiến thức, phải có kĩ năng vận dụng kiến thức giải quyết tình huống thực tiễn.
Cách ôn tập, làm bài thi
Về ôn tập, trước hết học sinh cần ôn và nắm chắc kiến thức cơ bản. Khi nắm chắc kiến thức cơ bản, các em sẽ giải quyết được các câu hỏi nhận biết thông hiểu một cách dễ dàng; sau đó vận dụng các kiến thức đã học để làm được bài tập tình huống.
Học sinh nên bổ sung kiến thức thực tế nhiều hơn, cần tăng khả năng tư duy khi làm các câu hỏi vận dụng. Đồng thời, cần trang bị tốt các kĩ năng, thường xuyên được làm các dạng đề để có kĩ năng tốt tăng khả năng ứng phó khi giải quyết các câu hỏi tình huống.
Khi làm bài thi, học sinh tuyệt đối không nên chủ quan cho rằng đề dễ, và dễ dàng đạt điểm 5. Học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản làm các câu nhận biết, thông hiểu trước sau đó làm câu vận dụng.
Đối với câu tình huống, trước tiên gạch chân vào cụm từ thể hiện trọng tâm câu hỏi để từ đó hình dung ra kiến thức cần để vận dụng trả lời câu hỏi tình huống đó. Khi xác định được câu hỏi nên gạch chân vào các nhân vật liên quan đến câu hỏi sau đó lựa chọn đáp án phù hợp.
Trước câu hỏi tình huống có những chi tiết gây nhiễu, học sinh cần phân biệt được phần nào là phần gây nhiễu, sau đó tập trung vào trọng tâm câu hỏi. Học sinh cần bình tĩnh suy xét vấn đề để sử dụng kiến thức cho phù hợp, giữ tâm lí thoải mái, không nên bị chi phối bởi những tình huống khó, khi đó sẽ không sáng suốt để đưa ra được đáp án đúng.