Bí mật sinh con vì "trót lỡ"

GD&TĐ - Nhật Bản có hệ thống chăm sóc sức khỏe thai sản hàng đầu thế giới, nhưng không dành sự tận tâm cho phụ nữ mang thai ngoài ý muốn.

Với nhiều bà mẹ đơn thân Nhật Bản, nuôi hay bỏ con là chuyện bắt buộc đưa ra lựa chọn.
Với nhiều bà mẹ đơn thân Nhật Bản, nuôi hay bỏ con là chuyện bắt buộc đưa ra lựa chọn.

Các chị em “trót lỡ” phải lựa chọn sinh và nuôi con trong sự đàm tiếu, hoặc bí mật sinh và bỏ rơi con.

Vụ án đau lòng

Năm 2019, báo chí Nhật Bản đưa tin “một phụ nữ trẻ thừa nhận giết con sau khi đẻ trong phòng vệ sinh của sân bay Haneda, Tokyo”. Cô tên Koyuri Kitai (23 tuổi), đến từ Kobe.

“Bác sĩ nói rằng, tôi không thể phá thai và tôi không biết phải làm thế nào. Nếu nói với cha mẹ, tôi sợ họ sẽ bị sốc. Tôi cũng không dám xin họ giúp mình sinh và nuôi dưỡng đứa con”, Kitai trình bày.

Luật thai sản Nhật Bản quy định, phụ nữ chỉ được phép phá thai nếu thai nhi dưới 22 tuần tuổi và có sự đồng ý của người phối ngẫu, trừ các nạn nhân của bạo lực gia đình.

Kitai chưa kết hôn, lúc phát hiện mang thai thì đã ngoài 22 tuần tuổi. Cô trở dạ trong lúc đang ở sân bay và rơi vào khủng hoảng tâm lý. Sợ người khác nghe thấy tiếng trẻ sơ sinh khóc, cô nhét giấy vệ sinh vào miệng đứa trẻ, khiến đứa bé bị chết ngạt.

Không lâu sau trường hợp của Kitai, tiếp tục có vụ việc đáng tiếc tương tự. Một phụ nữ 29 tuổi bị bắt vì đã sinh và vứt đứa con vừa chào đời vào bồn cầu khách sạn, dây rốn của đứa trẻ vẫn còn nguyên.

Trước 2 vụ việc này, còn một trường hợp sinh con trong quán cà phê truyện tranh. Người mẹ 25 tuổi đã tự tay sát hại đứa trẻ, vì không muốn bị phát hiện.

Pháp luật Nhật Bản quy định, tội giết người bị phạt tối thiểu 5 năm tù giam và tối đa là tù chung thân hoặc tử hình. 

Bác sĩ Takeshi Hasuda (Bệnh viện Jikei) tích cực thuyết phục chính phủ Nhật Bản hợp pháp hóa “sinh đẻ ẩn danh”.
Bác sĩ Takeshi Hasuda (Bệnh viện Jikei) tích cực thuyết phục chính phủ Nhật Bản hợp pháp hóa “sinh đẻ ẩn danh”.

Kỳ thị mẹ đơn thân

Nguyên nhân lớn nhất khiến các bà mẹ trẻ trong các trường hợp trên phạm tội giết con là lo sợ bị phát hiện đã mang thai. Xã hội kỳ thị bà mẹ đơn thân. Các bậc sinh thành vô cùng xấu hổ nếu con gái có thai ngoài hôn nhân, một số người còn gay gắt đến mức từ mặt con.

Các chủ lao động không thuê bà mẹ đơn thân, hoặc có nhận vào làm việc nhưng đối xử bất công. Các chủ bất động sản cho thuê cũng từ chối cung cấp nhà ở cho phụ nữ có con mà không có chồng.

Quy định “phải có sự đồng ý của người phối ngẫu mới được phép phá thai” khiến các chị em độc thân “trót lỡ” không còn lựa chọn nào khác ngoài sinh con. “Ở bệnh viện, các y tá luôn miệng hỏi tôi, cha đứa bé là người như thế nào, làm nghề gì, thu nhập bao nhiêu…”, Hanaco (39 tuổi) nhớ lại. Năm năm trước, chị phát hiện có thai và ngay sau khi báo tin này với người yêu, chị bị anh ta “đá”.

Thu nhập của Hanaco chỉ 2.300 USD/tháng (khoảng 53 triệu đồng), thấp hơn thu nhập bình quân hộ gia đình Nhật Bản 3.600 USD/tháng. Chị lo lắng không thể nuôi nổi con và có suy nghĩ sẽ cho đứa trẻ đi làm con nuôi. “Biết hoàn cảnh của tôi, các y tá liền thay đổi thái độ. Họ nhìn tôi như thể kẻ bất thường”, Hanaco đau khổ.

Trải nghiệm của Hanaco khi sinh con tại bệnh viện là điều mà hầu hết chị em độc thân có thai phải chịu đựng. Một số người quá e ngại nên đã chọn phương án khác, âm thầm sinh con một mình. Thiếu sự chăm sóc y tế, cả bà mẹ lẫn trẻ sơ sinh đều gặp nguy hiểm. 

Kể từ năm 2007, Bệnh viện Jikei tiên phong cho phép thai phụ ẩn danh sinh con.
Kể từ năm 2007, Bệnh viện Jikei tiên phong cho phép thai phụ ẩn danh sinh con.

Nỗ lực “đẻ ẩn danh”

Chứng kiến sự gia tăng của các trường hợp như Kitai, bác sĩ phụ khoa Takeshi Hasuda, Bệnh viện Jikei (tỉnh Kumamoto) không thể ngồi yên. Cũng trong năm 2019, ông cho phép thai phụ đơn thân giấu tên, sinh con trong bệnh viện.

“Cô ấy nói, nếu không thể giấu tên, cô ấy sẽ tự sát cùng đứa trẻ. Để bảo vệ cả hai, chúng tôi chỉ còn cách cho phép cô ấy đẻ ẩn danh”, Hasuda kể lại.

Đối với phụ nữ độc thân mang thai ở Nhật Bản, sinh con ẩn danh là lựa chọn bảo vệ danh tính duy nhất. Từ năm 2007, Bệnh viện Jikei đã tiên phong cho phép thai phụ giấu tên nhập viện, sinh con và rời đi.

Những thai phụ này không phải trả chi phí y tế, chỉ cần chia sẻ thông tin cá nhân với 1 nhân viên và đứa con của họ sẽ được đưa tới cơ sở nhận con nuôi.

Theo quy định của Nhật Bản, bệnh viện có trách nhiệm làm giấy khai sinh, ghi rõ tên tuổi cha mẹ đẻ của bé. Từ giấy tờ này, thông tin của trẻ sơ sinh được thêm vào sổ hộ khẩu, chứng nhận quan hệ gia đình và quốc tịch.

Chính phủ có thể chấp nhận giấy khai sinh thiếu tên cha, nhưng từ chối thiếu tên mẹ. Trong trường hợp thai phụ sinh con rồi bỏ trốn, bệnh viện phải nộp giấy khai sinh trống để các cơ quan chức năng điều tra, tìm kiếm mẹ ruột của bé.

“Với một thai phụ muốn giấu tên sinh con, đây không phải điều cô ấy muốn”, Hasuda cho biết. Năm 2019, ông nộp đơn đề xuất, thuyết phục chính quyền địa phương chấp nhận giấy khai sinh trống, bảo vệ danh tính của người mẹ giấu tên. Về phần đứa trẻ, bệnh viện phụ trách chăm sóc và sắp xếp nơi gửi đi thích hợp.

Tháng 5/2022, chính phủ Nhật Bản cho biết đang soạn thảo các hướng dẫn cần thiết hợp pháp hóa sinh đẻ ẩn danh.

Hasuda vô cùng hạnh phúc, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng, cố gắng đẩy nhanh tiến độ. “Âm thầm sinh con một mình là chuyện cực kỳ nguy hiểm. Đó là lý do, chúng tôi cung cấp dịch vụ này”, ông chia sẻ.

Ít nhất cũng đang có 8 thai phụ liên hệ với Hasuda vì mong muốn sinh con ẩn danh hợp pháp. Tất cả họ đều là nạn nhân của lạm dụng tình dục hoặc bị thiểu năng trí tuệ, không tự tin có thể nuôi dưỡng con cái sau khi sinh.

Theo Vice

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.