Giới khảo cổ trong và ngoài nước đánh giá, mộ thuyền Việt Khê là một phát hiện đặc biệt về nền văn hóa Đông Sơn. Ngôi mộ này là một minh chứng điển hình cho táng thức và táng tục của cư dân Đông Sơn cách ngày nay khoảng 2.500 năm.
Các đồ tùy táng được đánh giá là “vô cùng quý giá”, bởi nó đưa đến hình dung trực quan, sinh động nhất về đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt cổ.
Kỷ lục tùy táng
Mộ thuyền Việt Khê được phát hiện năm 1961 tại thôn Ngọc Khuê, xã Phù Ninh (Thủy Nguyên - Hải Phòng). Với con số 107 hiện vật được tìm thấy, mộ thuyền Việt Khê thời kỳ Đông Sơn lập kỷ lục chứa nhiều đồ tùy táng nhất từ trước đến nay từng được phát hiện tại Việt Nam.
Cuộc khai quật khảo cổ tròn 60 năm về trước, các nhà khoa học đã phát hiện 5 chiếc quan tài hình thuyền. Tất cả quan tài đều được chế tác từ những thân cây nguyên khối khoét rỗng, dài hơn 4m, có nắp đậy.
Trong số 5 thuyền táng, chỉ một chiếc còn các vật chôn theo. Chiếc quan tài duy nhất có chứa hiện vật giờ đây đã trở thành Bảo vật quốc gia - mộ thuyền Việt Khê, được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Mộ nằm theo hướng Đông – Tây và ẩn sâu dưới mặt đất khoảng 1,5m. Một đầu quan tài chứa các hiện vật lớn gồm bình, thạp, đỉnh, trống đồng. Đầu còn lại chứa các công cụ nông nghiệp và vũ khí gồm rìu, đục, dao găm. Những hiện vật này được đặt trong một chiếc hộp gỗ.
Trải qua thời gian, chiếc hộp này đã mục nát khiến các nhà khoa học không xác định được rõ hình thức, kích cỡ của hộp... Hai bên thành quan tài được để các loại giáo mác, mái chèo và một số vật dụng khác.
Chính giữa (mặt trên) quan tài có chuông đồng, khay đồng và một mảnh da. Đáy quan tài có các đồ vật như cói, vải... nhưng những đồ vật này đã mục nát. Trung tâm quan tài là vị trí đặt thi hài người chết.
Theo các chuyên gia khảo cổ, tục chôn cất người chết xưa kia hết sức phong phú. Mộ táng thời Đông Sơn có loại mộ huyệt đất, mộ có quan tài hình thuyền, mộ nồi vò... Người Đông Sơn cho rằng, cái chết chấm dứt cuộc sống ở thế giới bên này, mở ra cuộc sống ở thế giới bên kia.
Sang bên đó, họ vẫn tiếp tục lao động, sinh hoạt và chiến đấu. Vì thế, người Đông Sơn khi chết đều thực hiện táng tục giống nhau. Người chết được chôn cùng đủ ba loại đồ vật: Sinh hoạt, công cụ sản xuất và vũ khí.
Đồ đồng Đông Sơn
Theo chuyên gia từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trong số 107 hiện vật trong mộ thuyền thì chất liệu bằng đồng chiếm tỉ lệ tới trên 90%, bao gồm: Đục đồng, rìu đồng, dao găm đồng, giáo, mác, kiếm, lao đồng, nạo móc đồng...
Đục đồng gồm các loại, đục một, đục bẹt, đục vũm. Rìu gồm 3 loại là rìu hình chữ nhật, hình lưỡi xéo và rìu hình thang. Đặc biệt, trong ngôi mộ này chứa nạo móc đồng, là chiếc nạo đồng đầu tiên được tìm thấy và hình dáng còn khá nguyên vẹn.
Hiện vật trong mộ thuyền Việt Khê được các nhà nghiên cứu chia thành các loại dựa theo tính năng sử dụng như đồ dùng hằng ngày gồm thạp đồng, thố đồng, bình đồng, âu đồng, đỉnh đồng, khay đồng, ấm đồng, muôi gáo hình tẩu... Các loại nhạc khí gồm trống đồng, lục lạc, chuông đồng.
Không chỉ phong phú, các hiện vật trong mộ thuyền Việt Khê còn vô cùng độc đáo, đa dạng. Theo PGS.TS Bùi Văn Liêm, trong các mộ Đông Sơn, chỉ duy nhất mộ Việt Khê có một tiêu bản dũa đồng, với hình dáng gần giống chiếc bàn chải hiện đại, dài 19cm.
“Thân dũa hình chữ nhật góc vê tròn, một mặt phẳng, một mặt có viền một gờ nổi ở mép, trong lòng có nhiều răng nhọn. Những răng dũa không xếp theo một trật tự nhất định. Một số răng đã bị gãy. Số còn lại nhọn. Có thể dũa đã được sử dụng”, vị chuyên gia cho biết.
Cũng theo ông Liêm, trong số các loại hình hiện vật, rìu chiếm số lượng lớn nhất. Công cụ chặt cũng chiếm số nhiều so với nông cụ làm đất như lưỡi cày. Nó cũng nhiều hơn công cụ chế tác đồ gỗ (đục), dụng cụ gặt lúa (nhíp) hoặc dụng cụ gia công đồng (dũa).
Vũ khí bằng đồng chôn theo cũng khá phổ biến. Trong số các mộ Đông Sơn, Việt Khê là một trong 3 ngôi mộ có vũ khí bằng đồng nhiều nhất.
Đặc biệt, các nhà khảo cổ còn phát hiện thạp Việt Khê có kích cỡ lớn. Thố tìm thấy trong mộ cũng được coi là thố thời Đông Sơn có thân và đáy được trang trí đẹp nhất. Thố được trang trí thêm các băng răng cưa, bao bọc bên trong bằng hai vòng tròn đồng tâm liền nhau và năm vòng tròn đồng tâm chung tiếp tuyến.
Ngoài ra, trong các khu mộ thuyền chỉ duy nhất ở Việt Khê có phát hiện trống Đông Sơn. Trống Việt Khê đã bị vỡ chỉ còn lại một phần tang và mặt trống. Lưng và tang chỉ còn lại một mảnh nhưng vẫn có thể nghiên cứu được.
Mặt trống hình tròn, đường kính 23cm, giữa là ngôi sao 8 cánh. Tang trống được trang trí đơn giản, chủ yếu là đường chỉ nổi chạy vòng quanh. Thân chỉ còn một mảng, trang trí một con chim đứng chầu mỏ lên trời.
Bí ẩn đời sống người Việt cổ
Theo tiêu chí bình xét Bảo vật quốc gia thì mộ thuyền Việt Khê đã đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí, như số lượng hiện vật nhiều nhất, độ nguyên vẹn cao nhất, chứa thông tin cách đây hàng nghìn năm nhiều nhất so với các mộ thuyền đã từng phát hiện.
TS Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết: “Mộ thuyền Việt Khê là thời kỳ nền tảng của nhà nước Văn Lang. Những hiện vật phát hiện được trong một thuyền Việt Khê phản ánh đầy đủ đời sống tín ngưỡng của người Việt vào giai đoạn đó. Trong khi những ngôi mộ khác chỉ chứa 5 - 7 hiện vật thì một thuyền Việt Khê chứa tới trên 100 hiện vật, gồm đầy đủ các đồ đồng, sắt, sơn mài. Mộ cũng có kích thước lớn chưa từng có”.
TS Nguyễn Văn Đoàn cho rằng, từ những nghiên cứu có thể hình dung rõ đời sống văn hóa cũng như tín ngưỡng của người Việt cổ. Hằng ngày, người ta đi lại bằng thuyền, khi chết cũng chôn bằng thuyền. Điều này cho thấy không gian văn hóa đi lại bằng thuyền bè.
Người xưa quan niệm về cuộc sống có hai thế giới kể cả khi họ chết. Khi chết, con người thoát khỏi cuộc sống thực và đi đến thế giới khác mà con thuyền là cầu nối dẫn đưa người ta qua lằn ranh giữa hai thế giới đó.
Cả 5 ngôi mộ ở Việt Khê đều đặt theo hướng Đông - Tây, hơi chếch Tây Nam. Tám mộ ở Châu Can đều cùng hướng chếch Đông từ 18 - 45 độ. Điều này cho thấy, người xưa đã có ý thức nghi lễ trong chôn cất người chết.
Cũng về nghi lễ chôn cất, các nhà khảo cổ có thể xác định mộ thuyền là của người giàu, có địa vị trong xã hội. Còn mộ đất, mộ vỏ cây, mộ dát giường là của người nghèo, có địa vị thấp. Và cũng có thể mộ đất, mộ vỏ cây là mộ của những người chết đột ngột, chết trẻ, chết ác.
Từ ngôi mộ thuyền, các nhà nghiên cứu có thể dựng lại bối cảnh cuộc sống hồi đó. Chẳng hạn, kích thước mộ thuyền lớn nhất cho thấy chủ nhân của ngôi mộ là người giàu có. Từ đây có thể suy ra được xã hội của người Việt cổ đã có sự phân hóa giàu – nghèo, đã phân biệt hay manh nha xuất hiện các tầng lớp xã hội.
Một số hiện vật là vũ khí bằng đồng cho thấy, thời kỳ này đã có sự xung đột vũ trang giữa các bộ lạc. Các nhạc khí như trống đồng, lục lạc, chuông đồng... thể hiện sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Việt cổ đã phát triển đến thời thịnh vượng mà đỉnh cao là nghệ thuật đúc trống đồng.
Ngoài ra, các hiện vật khác như đục đồng, rìu đồng... thể hiện trình độ thủ công, chế tác của người xưa đã có tiến bộ mới và trở thành công cụ chính trong hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, sau nhiều năm tập trung giải mã mộ thuyền Việt Khê, còn không ít bí mật chưa có lời giải thỏa đáng. Điều đó chứng minh, văn hóa Đông Sơn cũng như cuộc sống của người Việt cổ rất phong phú, đa dạng và thậm chí là có các yếu tố phức tạp.