Bí mật 'Mèo ngoạm cá' trong hai ngôi đình cổ

GD&TĐ - Hình tượng 'Mèo ngoạm cá' không chỉ đem lại cảm hứng cho danh họa vẽ tranh con giáp, mà còn giúp hậu thế khám phá bí mật nghệ thuật điêu khắc xưa.

Đình cổ Đại Phùng.
Đình cổ Đại Phùng.

Đình Bình Lục (Quảng Ninh) và đình Đại Phùng (Hà Nội) là hai ngôi đình cổ bảo lưu được hình tượng “Mèo ngoạm cá”.

Sự độc đáo của mảng miếng chạm khắc và ý tưởng dân gian truyền tải trên những phù điêu vì kèo đình cổ không chỉ mang thông điệp nhân sinh, mà còn thể hiện những sáng tạo mới lạ của nghệ thuật xưa.

Tác phẩm hoàn hảo

Đình Đại Phùng thuộc xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) là một trong số ít đình tiêu biểu của xứ Đoài, mang dáng dấp kiến trúc nghệ thuật đời hậu Lê. Đặc biệt ở đây có một bức chạm gỗ độc đáo với hình tượng “Mèo ngoạm cá”.

Đình Đại Phùng cũng là di tích bảo lưu được nhiều nét cổ trong suốt quá trình hình thành và phát triển tiếp nối các giá trị di sản. Đặc biệt, là ngôi giếng Chăm do các nghệ nhân người Cham-pa chế tác từ xa xưa. Giếng Đại Phùng hơi khác lạ so với nhiều giếng cổ khác. Giếng này không làm phần chân đế mà được vạt thẳng xuống.

Toàn bộ cổ giếng nằm lộ hoàn toàn trên mặt đất có bề cao 55cm và dày 13,5cm. Giếng hình tròn, đường kính tính đến mép ngoài là 130cm, đường kính trong 83cm.

Bước vào gian giữa của ngôi đình Đại Phùng, ngước nhìn lên cao phía bên trái, sát với mái đình, cổ nhân chạm khắc một con mèo to, miệng ngoạm chặt con cá lớn - bằng một phần ba con mèo.

Hình tượng 'Mèo ngoạm cá' ở đình Đại Phùng.

Hình tượng 'Mèo ngoạm cá' ở đình Đại Phùng.

Theo giới khảo cổ, hình tượng “Mèo ngoạm cá” ở đình Đại Phùng được thể hiện rất lạ. Đôi tai mèo vểnh cao, hai mắt tròn trợn trừng như đang cảnh giới đối phương, sợ tranh mất phần. Thân mèo co rúm lại, chân sau gập xuống như muốn nhảy phốc ra nơi khác, để bảo toàn miếng mồi ngon vừa cắp được.

Từng nét chạm tỉ mỉ, đến các sợi ria mép cũng được chú trọng làm nổi bật tướng vóc và sự dữ dằn khi mèo giữ miếng ăn. Con cá cũng được nghệ nhân gọt tỉa kỹ từng chiếc vảy cũng như các vây.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Minh Nhương, chỉ riêng hình tượng “Mèo ngoạm cá” đã làm nên một bức điêu khắc hoàn hảo. Tác phẩm còn mang giá trị cao hơn, bởi liên quan tới những hình ảnh rất sinh động thứ hai phía dưới. Đó là cảnh xuân hội kỳ thú của cư dân nông nghiệp thời phong kiến.

Trên thân xà ngang là bức cốn có con rồng có miệng cười hở hai hàm răng như răng trâu bò. Cách đó là hai ông ngồi uống rượu mặc áo thụng mềm mại, chân xếp bằng tròn, người lắc lư như say, như tỉnh. Chắc hẳn là tầng lớp thượng lưu trong làng, trong tổng. Phía trái có nàng tiên dáng hình thon thả, cưỡi rồng xuống hạ giới chia vui.

Mèo - thói tham lam của quan lại

Tranh vẽ mèo của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm.

Tranh vẽ mèo của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm.

Lớp thứ ba là cảnh hội làng ở thời điểm thăng hoa: Một cụ già, tay cầm gậy, dáng lom khom, khấp khởi bước ra như nhân vật của một tích chèo cổ. Một ông ngồi uống rượu mặc áo thụng, chân xếp bằng tròn, người say lắc lư. Một cô gái, áo dài tha thướt, miệng nở nụ cười.

Một chàng trai khỏe mạnh, đang đá cầu, khoe đôi chân chắc mập. Cảnh “Vinh quy bái tổ” mừng đón quan tân khoa về làng với quan trạng cưỡi ngựa, quân lính mang cờ lọng tháp tùng, nhạc công chào đón.

Bên cạnh có chú rồng con uốn mình trong sự chở che của bàn tay rồng mẹ. Tiếp đến là cô vũ nữ hai tay kính cẩn rượu (hoặc trà) cho một ông quan. Thật bất ngờ có hai chú mèo con xuất hiện.

Ông quan tai to mặt lớn, ngồi bệ vệ trên ghế bành, hai tay khuỳnh ra, một tay cầm chén rượu, tay kia đặt vào đầu gối chân. Hai đầu chú mèo chui ra từ hai nách áo của ông quan. Mèo tinh nhanh, tai vểnh, miệng nhe răng cười, thật hóm hỉnh.

Hình ảnh ông quan và hai chú mèo ngộ nghĩnh đều ở vị trí cuối, sát với thân cột cái của ngôi đình to lớn nhất vùng. Tại đây còn có vô số các chạm khắc từ các loài linh vật như: Long, ly, quy, phụng, đến các con vật gắn với chiến binh như ngựa chiến, voi chiến, các loài vật gần gũi với người như trâu, mèo, chim, cá, thạch sùng… đều được chạm khắc sinh động trên các đầu dư, xà, bẩy của nội thất ngôi đình.

Toàn cảnh bức chạm hình tam giác, gồm ba tầng liên kết chặt chẽ với nhau, phản ánh sự no đủ của làng quê. Con vật, con người đều có cái ăn, cái mặc và vui đùa. Cõi trần và cõi tiên đều thịnh trị. Mây vờn, gió thổi thuận hòa qua từng thớ gỗ của nghệ nhân dân gian.

Đất nước thái bình, thịnh trị sau nhiều năm binh lửa. Văn hóa dân tộc phục hưng. Làng xã hăng hái xây những ngôi đình lớn, nơi nơi hội mở tưng bừng. Mừng mùa màng bội thu, tôn vinh người đỗ đạt.

Đặc biệt, những cảnh sinh họat đương thời của xã hội tạc vào nội thất của ngôi đình: Cảnh vui xuân nhộn nhịp, cảnh “vinh quy bái” mừng đón quan tân khoa về làng, cảnh đấu vật, hát ca trù, uống rượu thưởng xuân… đã làm cho ngôi đình có một tác phẩm vui vầy độc nhất vô nhị.

Nhà nghiên cứu Minh Nhương nhận định, có thể cổ nhân có ý phản phong, phê phán nhẹ nhàng, ý nhị thói tham lam của tầng lớp quan lại thời phong kiến qua hình tượng “Mèo ngoạm cá”. Đồng thời, cũng là lời mách bảo với hậu sinh rằng, ngôi đình được khởi dựng vào năm Mão.

Các mảng chạm khắc như hòa vào làm một với giải pháp kiến trúc và trở thành bảo tàng sống động về các cung bậc của đời người. Từ hệ thống tư tưởng hay tín ngưỡng thể hiện ước vọng của người dân, các quan niệm về tự nhiên, họat động kinh tế, xã hội, văn hóa đến đời sống thường nhật thanh bình của cư dân thời bấy giờ. Từ những nội dung hết sức nghiêm túc theo quy tắc truyền thống đến các nội dung mang tính trào lộng.

Tính trào lộng trong các mảng điêu khắc trong đình được cho là bắt nguồn từ văn hóa “nói trạng” hay “nói khoác” được nhiều người biết đến của làng Đại Phùng.

Đan Phượng xưa là một vùng đất học có nhiều dòng họ khoa bảng, đỗ đạt cao, và “nói trạng” cũng là một nét văn hóa đặc trưng mang đến niềm vui, bắt nguồn từ cộng đồng làng Đại Phùng.

Cảm hứng cho danh họa

Mèo ngoạm cá ở đình Bình Lục.

Mèo ngoạm cá ở đình Bình Lục.

Cũng là hình tượng “Mèo ngoạm cá”, nhưng ở đình Bình Lục, xã Hồng Phong, (Đông Triều - Quảng Ninh) lại là cảm hứng bắt đầu trong hành trình vẽ tranh con giáp của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.

Theo ghi chép của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, đề tài con giáp của ông xuất phát từ bức chạm gỗ cổ “Mèo ngoạm cá” ở đình Bình Lục vào những năm 1955-1956. Và, ông bắt đầu vẽ con giáp đầu tiên là con mèo. Với ông, tranh con giáp vừa chuyển tải tinh thần cầu mong may mắn, an lành từ mùa xuân mới, vừa thể hiện những nét đẹp đa sắc của con vật linh của năm.

Đình Bình Lục thờ tám vị hoàng đế nhà Trần và thờ An Sinh vương Trần Liễu (bố của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn). Đình được xây dựng vào thời Hậu Lê và được tu sửa hai lần vào thời Nguyễn.

Hình chạm khắc ở đình, ngoài những họa tiết truyền thống như tứ linh, tứ quý, còn có hình cá, chim, mèo, hươu, lợn ăn lá ráy, cua... Đây là những nét dân dã, đời thường mà nghệ nhân dân gian đã thể hiện trong một không gian trang nghiêm, tôn kính, tạo sự gần gũi giữa cuộc sống tâm linh và đời thường. Đáng tiếc, đình đã bị hư hỏng hoàn toàn, chỉ còn lại một số bia đá và chạm khắc bằng gỗ.

Hình tượng “Mèo ngoạm cá” ở đình Bình Lục khá giống với đình Đại Phùng. Mèo đang gồng mình, vận hết nội công, ngoạm chặt con cá lớn. Tuy nhiên, chỉ khác là các mảng miếng chi tiết phối kết bên cạnh có khác chút ít so với đình Đại Phùng.

Câu hỏi đặt ra ở đây, là hình tượng “Mèo ngoạm cá” đã trở thành sự tích dân gian hay hai ngôi đình do một nhóm thợ điêu khắc cùng làm? Giới khảo cổ không thể đưa ra kết luận, tuy nhiên giả thuyết hai ngôi đình do một nhóm thợ thực hiện được phủ định.

Vậy rất có thể “Mèo ngoạm cá” đã từng là hình tượng dân gian, thể hiện ước mong sung túc và đi vào nghệ thuật chạm khắc như một điển hình sinh động. Tuy nhiên vì một lý do nào đó, hình tượng này bị mai một và may mắn còn sót lại trong hai ngôi đình cổ.

Mèo là 1 trong 12 con vật đại diện cho năm - tháng. Người Việt nuôi mèo theo truyền thống bắt chuột và bảo vệ mùa màng. Dù quý hay không thì mèo vẫn là một trong vài loài vật nuôi đã đi cùng con người qua tất cả các chặng đường thăng trầm của cuộc sống. Bởi vậy mà mèo được vẽ ở tranh dân gian Đông Hồ, hay “Mèo ngoạm cá” ở hai ngôi đình cổ là minh chứng sống động về sự gắn bó của con người với loài vật thân thiết này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.