Ngồi đúng tư thế
Trong thời đại hiện nay, trẻ dành thời gian nhiều với máy tính, điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử. Nếu sử dụng máy tính và điện thoại sai tư thế trong thời gian dài thì có thể gây hại nghiêm trọng đến cổ, cột sống và ảnh hưởng tới sức khỏe.
Để giữ vóc dáng đẹp, đôi mắt sáng và lưng không bị gù, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ ngồi thẳng lưng, điều chỉnh màn hình vừa tầm mắt, ngồi cách màn hình 50 - 70cm để giữ cho đôi mắt được khỏe.
Người và máy tính đều cần nghỉ ngơi
Các thiết bị công nghệ cũng cần có thời gian “nghỉ”, nếu dùng quá lâu chúng cũng sẽ bị nóng, nhanh hỏng. Trẻ cũng cần thời gian để nghỉ giải lao khi sử dụng quá lâu. Do đó, cứ 30 - 45 phút thì cha mẹ cần cho con nghỉ. Nếu để con dùng lâu quá sẽ dẫn đến các bệnh về mắt.
Hơn nữa, nếu dùng Internet quá nhiều sẽ dẫn đến nghiện. Có nhiều bạn trẻ quên ăn quên ngủ chỉ để sử dụng công nghệ. Cha mẹ cần để trẻ dành nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè. Hãy để công nghệ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn thay vì để nó làm chủ cuộc sống của chính mình.
Đề phòng chập điện
Các thiết bị điện tử cần được sạc điện để duy trì hoạt động bình thường. Người lớn thường xuyên nhắc nhở về sự nguy hiểm khi sử dụng điện trong một số trường hợp, như không sử dụng thiết bị điện tử khi tay ướt, bất kể điện thoại hay máy tính, không sử dụng điện thoại, máy tính bảng khi đang sạc vì có nguy cơ chập điện và cháy nổ bộ phận pin, không chọc que, tay hay các vật dụng sắc nhọn vào ổ điện.
Đồng thời, khi điện thoại hay máy tính bảng bị nóng thì cần ngưng sử dụng để cho máy được nghỉ ngơi và bảo đảm an toàn cho chính mình.
Không nói chuyện với người lạ trên mạng
Bình thường, trẻ vẫn thường được nhắc nhở không nên tiếp xúc với người lạ mặt hoặc khả nghi khi không có bố mẹ bên cạnh. Khi sử dụng mạng xã hội, trẻ cũng cần được khuyên nhủ như vậy. Do đó, nếu có người lạ bắt chuyện hay nhắn tin, trẻ cần nói với người lớn. T
rẻ không nên vào các trang web lạ hoặc kết bạn với các tài khoản mạng xã hội. Nếu có thể, hãy sử dụng mạng Internet khi có người thân ở gần và mạnh dạn hỏi ngay khi thấy bất thường.
Không tiết lộ thông tin cá nhân
Thông tin cá nhân là một trong những “kho báu” mà trẻ cần biết cách để bảo vệ và chỉ chia sẻ cho gia đình và người tin tưởng. Theo đó, trẻ không cung cấp tên, địa chỉ nhà riêng, số điện thoại của bố mẹ hay người thân trong gia đình cho bất kỳ ai mà con không quen biết.
Ngay cả với các trang web và ứng dụng học tập trực tuyến miễn phí. Đồng thời, cần sử dụng mật khẩu mang tính bảo mật cao cho các tài khoản sử dụng mạng.
Cẩn trọng với những gì đăng trên mạng
Một khi trẻ đã chia sẻ suy nghĩ, hình ảnh, video lên mạng thì những thứ đó đều được lưu trữ, phát tán và khó xóa bỏ hoàn toàn. Bởi ngay cả khi được xóa thì có thể ai đó đã chụp lại nội dung hoặc nó vẫn được lưu trên máy chủ. Do đó, trẻ cần được hướng dẫn các kỹ năng để sử dụng mạng xã hội.
Trẻ cần tự hỏi xem điều chia sẻ có đúng sự thật không? Điều này có tốt đẹp hay không? Có thật sự cần thiết chia sẻ điều này không? Mình có quyền tiết lộ tin hay ảnh này của người khác không?
Đảm bảo sự tôn trọng khi chia sẻ về ai đó
Mỗi người đều có những điều bí mật, góc riêng tư, đó là những điều chỉ họ mới có quyền quyết định nói hay không. Vì vậy, hãy luôn tôn trọng quyền riêng tư của mình và người khác.
Khi bạn muốn chia sẻ điều gì liên quan đến người khác, hãy chắc chắn rằng họ đã đồng ý.
Trang bị kỹ năng xử lý tình huống
Tài khoản của chúng ta có thể bị đánh cắp khi truy cập vào đường link lạ chứa virus hay khi trẻ tham gia các câu đố vui, trò chơi trên mạng… Kẻ xấu có thể mạo danh người thân, người quen của bố mẹ chúng mình, thậm chí là các cơ quan Nhà nước để lừa hoặc cung cấp thông tin không đúng sự thật.
Cũng có khi học sinh nhận được điện thoại báo tin nhận được món quà tri ân, hoặc bị kiện vì vi phạm pháp luật… Những chiêu trò này thường đưa ra với mục đích đánh cắp thông tin cá nhân. Vì vậy, người lớn hãy đặt ra các tình huống và kỹ năng xử lý cho trẻ cảnh giác.
Xin ý kiến trước khi tải các ứng dụng
Ở nhiều trang web có quảng cáo các trò chơi hấp dẫn hoặc lạ mắt, khi nhấn vào phần quảng cáo đó sẽ có những đường link mới hiện ra. Chúng có thể trông hấp dẫn và mời gọi cài đặt một ứng dụng mới. Nhưng rất có thể đó là một đường link hoặc ứng dụng chứa virus máy tính hay chứa nội dung không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi. Vì vậy, trẻ hiểu rằng, chúng cần phải xin ý kiến bố mẹ trước khi tải bất kì ứng dụng nào để chắc chắn về sự an toàn.
Bên cạnh đó, trẻ chỉ được vào những trang web phù hợp lứa tuổi và được người lớn kiểm duyệt.
Chuyên gia cũng khuyên rằng, trẻ cần được dạy những kĩ năng đối phó khi bị bắt nạt trên mạng và không nên vô tình trở thành kẻ bắt nạt.
Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ cho việc học cũng rất hữu ích. Trẻ có thể khám phá và làm chủ được thông tin. Trẻ cũng có thể chơi một số trò chơi trí tuệ khi được cha mẹ đồng ý và có giới hạn về thời gian.
Cẩm nang sử dụng Internet an toàn và hiệu quả của chuyên gia Hồng Anh, Hồng Ánh, Thu Thủy đã giúp trẻ có kỹ năng tốt hơn khi dùng công nghệ. Đây là nhóm chuyên gia đào tạo về Kĩ năng an toàn trên mạng của Trung tâm Sức khỏe Gia đình và Phát triển Cộng đồng – CFC Việt Nam.