Mới đây, bảy học sinh cùng một trường ở tỉnh Vĩnh Long bỏ nhà đi (có em bị lạm dụng tình dục do nghe theo lời rủ rê từ một người lạ vào kết bạn trên facebook) đã dấy lên sự lo ngại, hoang mang cho nhiều người.
Facebook không đơn giản là một trang giải trí khi mang đến quá nhiều hiểm họa, nhất là với các em học sinh.
Quan tâm con trong đời sống thật, các bậc phụ huynh cũng cần nắm rõ “cuộc sống” của con trong thế giới ảo là khuyến cáo của chuyên gia tâm lý Đặng Thị Lan Hương.
Chị Lê Ngọc (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng):
Từ ngày dùng facebook, em tôi lặng lẽ hẳn đi, ngoài giờ học, em chỉ dán mắt vào máy tính lướt facebook. Bị tôi nhắc nhở, em không dùng máy tính nhà để vào facebook nữa mà ra ngoài thường xuyên hơn, có hôm em đi đêm không về.
Không lâu sau, nhà trường thông báo em đã bỏ học, bỏ thi. Ở chung nhà, nên tôi không kết bạn với em trên facebook. Lúc này sực nhớ, tôi vào đọc facebook của em mới giật mình thấy em đăng nhiều tấm hình tình tứ, ngao du đây đó với một thanh niên lạ, nhận là người yêu.
Bị tôi “vạch mặt”, em hờn dỗi bỏ nhà đi biệt, sau đó trở về với tâm trạng buồn chán vì bị người yêu bỏ rơi, nữ trang mẹ sắm cho em cũng không còn nữa.
Chuyên gia tâm lý Đặng Thị Lan Hương:
Sai lầm của bạn là không làm bạn với em trên facebook. Tuy nhiên, theo tôi, điều bạn cần rút kinh nghiệm là cách “nhắc nhở” em. Quan tâm, góp ý như thế nào để người được quan tâm thấy thoải mái, dễ chấp nhận là một nghệ thuật.
Nhắc nhở không đúng cách (lên án, chê trách, vạch tội) sẽ phản tác dụng, đẩy em bạn ra xa. Bây giờ, em gái đang đau khổ, buồn chán; gia đình cần suy ngẫm về tính cách của em bạn, từ đó bàn bạc, lựa chọn cách ứng xử phù hợp, tế nhị nhằm nâng đỡ tinh thần, giúp em vượt qua cú sốc. Hãy để em bạn cảm nhận được hơi ấm, tình yêu của người thân và ngày càng gắn bó với gia đình.
Anh Nguyễn Phú Cường (Q. Bình Thạnh, TP.HCM):
Câu chuyện các em học sinh bị người lạ dụ dỗ khi sử dụng facebook thực sự khiến tôi lo ngại. Tuy nhiên, tôi cho rằng một phần do các em thiếu sự hướng dẫn, quan tâm của người lớn. Con tôi đang học lớp 6, bắt đầu tập sử dụng facebook.
Mỗi lần thấy con chơi, tôi đến gần, vui vẻ cùng tham gia với con. Lấy kinh nghiệm một người biết sử dụng, tôi hướng dẫn con cách kết bạn, tìm người quen… Qua đó, tôi thường đưa ra lời khuyên: nên và không nên thể hiện gì trên facebook; khi ai đó vào kết bạn, trước tiên con phải “vào nhà” người ta xem là ai, nếu là người lạ thì con nên bỏ qua, không kết bạn.
Không phụ huynh nào cấm được con sử dụng facebook hay các trang xã hội, quan trọng là biết cách định hướng cho con. Bên cạnh lợi ích, tôi thường kể con nghe mặt trái của việc sử dụng những trang cộng đồng, như bị dụ dỗ, lừa gạt, đòi hỏi con phải cảnh giác cao.
Chuyên gia tâm lý Đặng Thị Lan Hương:
Cách quan tâm sát sao, hướng dẫn con kỹ lưỡng của anh hoàn toàn đúng đắn, là kinh nghiệm quý cho các phụ huynh. Tuy nhiên, cháu mới lớp 6, lại là con gái nên có phần dễ bảo, mối quan hệ bạn bè chưa rộng và đỡ phức tạp hơn.
Nhưng sự chuyển biến tâm - sinh lý của các cháu từ những năm cuối THCS tới THPT rất nhanh. Bởi thế, anh hãy cố gắng duy trì mối quan hệ cha con thân thiết để cháu luôn tin cậy, coi anh như người bạn lớn trong suốt cuộc đời mình. Nếu có thể, anh đề nghị kết bạn với cháu ngay lúc này - tức nhập cuộc, để luôn sát cánh, động viên chỉ dẫn con kịp thời.
Em Nguyễn Gia Lợi (lớp 10 Trường THPT Trưng Vương, TP.Quy Nhơn):
Sử dụng facebook đã lâu nhưng em không cho gia đình biết địa chỉ facebook của mình. Em không muốn bị cha mẹ theo dõi, xâm phạm, biết em thể hiện gì trên facebook và đọc những comment của bạn bè em; do ngôn ngữ, cách diễn đạt của chúng em trên facebook không phù hợp với suy nghĩ của cha mẹ nên có thể khiến họ khó chịu.
Có lần, ba em thấy em dùng facebook nên đề nghị cho ba sử dụng chung. Em đã nhường facebook của mình cho ba và âm thầm tạo một facebook khác. Giả sử, mai mốt biết em lại có facebook riêng, ba gửi lời kết bạn em cũng sẽ không đồng ý.
Chuyên gia tâm lý Đặng Thị Lan Hương:
Em đã nhường cho ba địa chỉ facebook nhưng lại âm thầm lập trang mới khiến cô liên tưởng giống như việc thấy em cùng các bạn tụ họp, ba vui vẻ đến gần với ý định ngồi chơi, làm bạn với các con. Thế nhưng, em lịch sự nhường chỗ, sau đó các em rủ nhau lặng lẽ rút lui.
Theo cô, ba em sẽ rất buồn nếu biết em nghĩ rằng ông đã “phá bĩnh” cuộc vui này. Thực tế, ông chỉ muốn được làm bạn để quan tâm, theo dõi cuộc sống của em, qua đó có những hướng dẫn, nâng đỡ, cảnh tỉnh kịp thời nếu thấy em gặp rắc rối. Có người bạn lớn đồng hành là một điều may mắn bởi họ sẽ định hướng, chỉ dạy mình bằng kinh nghiệm, hiểu biết của bản thân.
Có thể ba sẽ la rầy em, nhưng “người chê ta mà chê phải là thầy ta” (Tuân Tử). Theo cô, em nên nói với ba suy nghĩ của mình trong sử dụng facebook để có sự trao đổi, thống nhất về tôn trọng quyền riêng tư khi kết bạn với nhau. Còn gì hạnh phúc hơn khi cha mẹ - con cái luôn bên nhau cả ngoài đời lẫn trong thế giới mạng?
Chị Nguyễn Thị Diệu Tiên (Q.11, TP.HCM):
Khi con gái sử dụng facebook, tôi “bắt chước” mở một trang riêng. Quan tâm con trong đời sống thực, tôi cũng muốn nắm bắt tình hình con trong thế giới ảo.
Tôi đọc trang viết từng người bạn của con và sẵn sàng kết bạn với họ để kịp thời suy đoán, phát hiện chuyện không hay. Như có lần con học lớp 10, tôi biết ở trường con có nhóm bạn không tốt, thường hành xử xấu với bạn bè, tôi nhanh chóng đưa lời khuyên cho con và báo với nhà trường để có sự can thiệp.
Con gái không hề khó chịu trước việc tôi kết bạn hay vào comment các bài viết của con, vì trong cuộc sống, tôi đối xử với con như một người bạn, lắng nghe và chia sẻ một cách tôn trọng. Do đó con cũng chỉ coi tôi như người bạn trên facebook. C
ó rất nhiều phụ huynh không biết sử dụng facebook, họ không “theo kịp” con để nắm bắt con kết bạn với ai hay bị ai dụ dỗ, lôi cuốn; tuy nhiên, nếu đồng hành làm bạn với con trong cuộc sống thông qua sự quan tâm, để ý từng hành vi, nét mặt con sẽ rất dễ dàng phát hiện con đang gặp phải vấn đề gì.
Chuyên gia tâm lý Đặng Thị Lan Hương:
Con gái chị thật hạnh phúc có được người mẹ như chị và ngược lại. Từ chị và anh Nguyễn Phú Cường, chúng ta có thể rút ra những bài học cần thiết trong việc giáo dục con cái:
- Cần tạo mối quan hệ cha mẹ - con cái thật gần gũi, thân thiết. Cha mẹ cần là người bạn lớn của con để con có thể tin tưởng, chia sẻ nhau mọi điều.
- Muốn dạy con phải hiểu con, muốn hiểu con thì ngoài hiểu về tâm - sinh lý, cha mẹ còn phải cố gắng không lạc hậu trước những biến đổi của xã hội, những mặt tác động đến giới trẻ, trong đó có việc biết sử dụng máy tính, facebook…nhất là đối với phụ huynh trẻ tuổi (có con mới lớn).