Bi kịch từ tờ vé số độc đắc

GD&TĐ - Trúng giải độc đắc, Giang đem tiền gửi ngân hàng để lấy lãi nhưng nói dối chồng là nhờ chị gái giữ hộ. Anh Phong, chồng Giang cho rằng làm như vậy là thiếu tôn trọng chồng, khiến nảy sinh mâu thuẫn.

Bi kịch từ tờ vé số độc đắc

Trong một lần cãi vã dẫn đến ẩu đả, người vợ đã lỡ tay giết chồng... Niềm vui từ “lộc trời” chưa được hưởng thụ thì bi kịch đã giáng xuống khiến chồng chết, vợ phải lĩnh án tù.

Bi kịch từ “lộc trời”

Sáng 17/4/2015, Tòa án nhân dân tối cao tại TPHCM đưa vụ án Đặng Thị Hồng Giang can tội giết người ra xét xử phúc thẩm. Đây là vụ án được dư luận quan tâm. Theo cáo trạng, Đặng Thị Hồng Giang (SN 1972), thường trú ấp Bà Phổ, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, kết hôn cùng Nguyễn Thanh Phong. Hai người có với nhau hai người con và cùng sống tại phường 5, TP Tân An, tỉnh Long An.

Những năm đầu chung sống, vợ chồng chịu khó làm ăn. Dẫu cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhưng hạnh phúc. Năm 1995, Giang mang thai và hạ sinh một bé trai. Lúc này, vợ chồng Giang lên TP Tân An thuê đất mở tiệm tạp hóa và quán hủ tiếu.

Chăm chỉ làm ăn, sau khi tích cóp được ít vốn, vợ chồng Giang về quê xây nhà. Thời gian này, Giang sinh thêm một con gái. Thế nhưng từ đây, không biết vì lý do gì mà anh Phong bắt đầu thay đổi tính tình, thường xuyên tụ tập bạn bè, nhậu nhẹt.

Năm 2010, tai hoạ ập tới khi đứa con trai lớn của Giang mắc chứng bệnh suy thận. Hàng tháng, hai mẹ con Giang lại dắt díu nhau lên TPHCM để chữa trị. Mỗi lần như vậy, tiền thuốc thang, chi phí ăn uống, đi lại tiêu tốn vài triệu bạc... Gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai người phụ nữ.

Trong khi ấy, chồng chị vẫn mải mê với những cuộc rượu. Khoảng thời gian này, mỗi ngày, Giang lại dành ra ít tiền buôn bán được để mua vé số cầu may. May mắn thay, người phụ nữ đang trong cơn túng bấn đã được thần tài “gõ cửa”. Chị đã trúng giải độc đắc với số tiền gần 2 tỷ đồng.

Giang nhận thấy chồng đã thay đổi tính nết, ngày đêm chỉ lo ăn nhậu, không còn chí thú làm ăn... Vì vậy, khi có trong tay một số tiền lớn, lo sợ chồng sẽ lấy tiêu xài hoang phí hết nên Giang quyết định gửi ngân hàng để lấy lãi trang trải cuộc sống gia đình, chữa bệnh cho con.

Giang nói dối chồng đã đưa tiền cho chị ruột là Đặng Thị Xuân giữ hộ. Biết chuyện, anh Phong tỏ ra rất tức giận vì cho rằng vợ tự ý quyết định tài sản chung trong gia đình và không tôn trọng chồng. Trong khi đó, Giang cho rằng chị tự mua vé số trúng thưởng thì quyền định đoạt số tiền đó thuộc về mình.

Anh Phong không có quyền can dự. Từ đó, giữa hai vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn và ngày càng trầm trọng hơn. Anh Phong thường xuyên đi uống rượu say, về nhà gây gổ với vợ.

Khoảng 19 giờ 30 phút, ngày 24/5/2014, sau khi đi nhậu về, anh Phong tiếp tục gây sự với vợ chuyện tiền trúng số. Tức giận, Giang lấy cây kéo đến gần anh Phong dọa thì bị chồng nắm hai tay, trong lúc giằng co, người phụ nữ này đã đâm nhiều nhát vào ngực chồng.

Lúc này, bà Nguyễn Thị Thuyền và ông Trần Văn Giả là hàng xóm phát hiện chạy đến can ngăn. Anh Phong được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. Sau khi đâm chết chồng, Đặng Thị Hồng Giang đến cơ quan chức năng đầu thú.

Theo luận tội của thẩm phán, Đặng Thị Hồng Giang chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng, cự cãi nhau đã dùng kéo là hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng ngực và bụng nạn nhân, làm cho nạn nhân bị thủng tim, phổi dẫn đến tử vong. Xét thấy hành vi ấy đã đủ yếu tố cấu thành tội giết người (chứ không phải do anh Phong bị ngã ghì tay cầm kéo vô tình làm trúng ngực như bị cáo Giang khai). Tòa đã tuyên phạt bị cáo Đặng Thị Hồng Giang 8 năm tù giam về tội giết người.

Phạm nhân Đặng Thị Hồng Giang cố gắng lao động, cải tạo tốt để sớm trở về với con.
Phạm nhân Đặng Thị Hồng Giang cố gắng lao động, cải tạo tốt để sớm trở về với con.

Nỗi đau người ở lại

Đặng Thị Hồng Giang vào thụ án tại trại giam Long Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Cuộc sống ở trại giam, theo thời gian đã dần quen nhưng nỗi nhớ nhà, nhớ con luôn thường trực, nhất là vào những ngày lễ, tết hay sinh nhật các con. Những bữa cơm nhà được thay thế bằng cơm với bạn tù.

Ở đây, vì chung hoàn cảnh cách ly với xã hội, người thân nên những người phụ nữ dễ chia sẻ, cởi mở với nhau hơn. Nghĩ đến các con, Đặng Thị Hồng Giang không khỏi chạnh lòng không biết chúng có thấy cô đơn, thiệt thòi khi không có bố mẹ ở bên quan tâm, chăm sóc? “Tôi rất ân hận vì một phút nông nổi mà làm gia đình mình tan nát. Vì một phút không kiềm chế được là tôi bỏ rơi các con của mình”, Đặng Thị Hồng Giang nghẹn ngào.

Ngôi nhà của Đặng Thị Hồng Giang ở xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa mấy năm nay cửa khóa im ỉm. Hai con của chị ở với ông bà nội ở căn nhà kế bên. Sau ngày vụ án xảy ra, dẫu rất giận con dâu nhưng nghĩ rằng hai cháu vẫn là máu mủ của mình nên ông bà hết mực cưu mang, chăm sóc mong xoa dịu được nỗi buồn của hai tâm hồn thơ dại. Mỗi khi có ai nhắc đến tờ vé số trúng giải độc đắc năm nào lòng bà Nguyễn Thị Ty, mẹ anh Phong, lại nặng trĩu nỗi buồn.

Từ sau ngày con dâu trúng số, ông bà cũng biết cuộc sống gia đình các con không được “cơm lành, canh ngọt”. Nhiều lần thấy các con cự cãi, ông bà cũng qua lên tiếng khuyên răn các con. Vậy mà ông bà đâu có ngờ, kết cục cuối cùng con trai thì thiệt mạng, con dâu vướng vòng lao lý.

Trong suy nghĩ của bà Ty, tấm vé số trúng giải độc đắc như là nguồn cơn khiến gia đình con cái họ tan vỡ, ly tán. Vì tương lai của các cháu, nỗi đau mất con ông bà đành chôn chặt đáy lòng. Bà Ty bảo, giờ có làm gì thì con của bà cũng không sống lại được nữa.

Bị cáo Đặng Thị Hồng Giang tại phiên tòa phúc thẩm.
Bị cáo Đặng Thị Hồng Giang tại phiên tòa phúc thẩm.

Vì thế mà khi tòa xử phúc thẩm, ông bà đã có đơn xin giảm nhẹ tội cho con dâu, cũng là kẻ thủ ác đã cướp đi sinh mạng đứa con trai của mình. Bà Ty nghĩ rằng, bớt được ngày tháng nào của con dâu trong tù thì các cháu bà sớm gặp lại mẹ. Có sự chăm sóc, quan tâm của người mẹ chắc chắn chúng sẽ hạnh phúc hơn. Vả lại, ông bà cũng đã già, như ngọn đèn cạn dầu trước gió, không biết về với tổ tiên lúc nào...

Mua một tờ vé số để cầu may trúng thưởng là ước mơ của rất nhiều người. Thực tế đã có nhiều người đổi đời từ tấm vé số trúng giải độc đắc. Nhưng tờ vé số trúng giải độc đắc chỉ đem cho Giang niềm vui ngắn ngủi sau đó lại đẩy người phụ nữ ấy vào tấn bi kịch tù tội. Bởi vậy, giống như câu chuyện “Tái ông thất mã”, họa phúc quả thật khó lường.

Trúng giải độc đắc là may mắn, là niềm vui nhưng với Giang lại là họa. Vậy nhưng, suy cho cùng thì tờ vé số trúng giải độc đắc không có lỗi, lỗi là ở con người. Giá như hai vợ chồng Giang biết chia sẻ với nhau nhiều hơn, biết nghĩ cho người còn lại thì gia đình của họ sẽ không có kết cục như ngày hôm nay. 

Cũng là bi kịch từ những tờ vé số trúng giải độc đắc, Huỳnh Văn Thức ở ấp Thuận Thới, xã Thuận An, TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long trúng tới 13 tờ. Lĩnh tiền thưởng về anh Thức mua nhà, xe và ruộng đất. Nhưng với cha mẹ, anh Thức chỉ cho ít tiền sửa lại căn nhà dột nát, ngoài ra không phụ giúp gì thêm. “Sau khi có tiền, nó ăn chơi sa đoạ, nhậu nhẹt. Do không làm mà ăn chơi nên tiền trúng số cũng hết. Hết tiền nó kêu người đến bán nhà, bán đất với giá rẻ bèo để lấy tiền ăn chơi tiếp. Bán đến lúc không còn cục đất chọi chim thì quay trở lại đi làm mướn. Tới tiền nó cho vợ chồng tôi sửa nhà cũng lấy lại để ăn nhậu. Vợ chồng tôi khuyên nó mà không được. Nó ngang ngược lắm, muốn làm gì là làm không ai cản được”, ông Huỳnh Văn Bé, cha của anh Thức kể lại. Nhậu nhẹt ngày một nhiều rồi trở nên nóng nảy, sinh tật... Thức liên tục chửi bới, đánh đập cha mẹ và vợ. Chịu không nổi chồng vũ phu, người vợ quyết định bỏ đi khi đứa con gái nhỏ mới vài tháng tuổi. Bi kịch hậu trúng số độc đắc của gia đình Thức không dừng lại ở đó.
Ngày 24/7/2014, Thức đi nhậu về kéo con gái đang nằm ngủ thức dậy để đánh. Thấy cháu bị đánh nên vợ chồng ông Bé vào can ngăn. Thức không nghe, quay lại chửi bới và cho rằng cha mẹ nuôi gà vịt khiến nhà dơ bẩn. Thức cầm bình trà ném vào mẹ ruột nhưng không trúng. Lúc này, Huỳnh Nhựt Trường (em trai Thức) quá uất ức khi nhiều lần chứng kiến anh trai hành hạ cha mẹ và cháu nên cự cãi. Hai anh em xô xát nhau. Trường cầm cây tô-vít đâm nhiều nhát vào người làm Thức chết trên đường đi cấp cứu. Sau đó, Trường đến công an đầu thú. Trường bị toà án tuyên 10 năm tù.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…