Bi kịch đẻ xong vứt con vì... khốn khó

Chuyển dạ, O. đóng cửa lại tự sinh con một mình, sinh xong, nghĩ đến gia cảnh “thiếu trước, hụt sau” vì đã có 4 đứa con nheo nhóc, O. lấy tấm chăn cuốn đứa con vừa sinh mang ra bụi tre vứt bỏ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết chỉ vị trí cháu bé bị bỏ rơi.
Bà Nguyễn Thị Tuyết chỉ vị trí cháu bé bị bỏ rơi.

Thoát chết kỳ diệu

Nhờ được phát hiện và cứu chữa kịp thời, bé gái sơ sinh bị vứt bỏ ở bụi tre, trên người bám đầy kiến và lúc nhúc dòi bọ từng gây xôn xao dự luận địa phương nay đã khỏe mạnh trở lại.

Đã gần một tháng sau khi phát hiện sự việc, bà Nguyễn Thị Tuyết (56 tuổi, ngụ số nhà 417 đường Hùng Vương, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) người cứu cháu bé vẫn chưa hết trăn trở.

Bà vẫn nhớ như in buổi chiều ngày 2/7, khi bà cùng con gái ra sau nhà hái măng thì nghe tiếng rên yếu ớt phát ra từ bụi tre. Tiến lại gần, mẹ con bà hoảng hốt khi phát hiện một bé gái sơ sinh còn sống trên cơ thể đầy dòi lúc nhúc, kiến bu khắp cơ thể.

Bế vội đứa bé vào trong nhà, bà dùng nước ấm dội để dòi bọ, kiến rớt xuống khỏi cơ thể cháu bé, đồng thời dùng tăm bông khều những con dòi chui vào tai, bộ phận sinh dục rơi ra. Sau khi sơ cứu, bà Tuyết lấy khăn ủ ấm, pha cho bé chút sữa để uống rồi cấp báo sự việc lên công an phường và tức tốc đưa cháu bé đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cứu chữa.

“Chiều trước đó, tôi cùng một hàng xóm có ra khu vực bụi tre lấy măng, cũng có nghe tiếng rên, nhưng lúc đó trời tối và chuẩn bị mưa, tôi sợ nên trở vào nhà. Không ngờ cháu bé đã phải nằm dưới mưa suốt một đêm. Tội nghiệp quá!” – chị Hạnh (con gái bà Tuyết) kể thêm.

bỏ rơi con, sơ sinh, đắc lắc, bệnh viện, con nuôi
Hiện sức khỏe của cháu bé bị bỏ rơi đã hồi phục tốt

Khi được đưa tới bệnh viện, cháu bé trong tình trạng lừ đừ, người có nhiều vết côn trùng cắn, 2 tai nhiều mủ và có dòi chui ra; có nhiều vết trầy xước ở mắt, tai, chân, bụng và phù nề ở bộ phận sinh dục, không bú được.

Các bác sĩ đã tích cực cứu chữa, sau gần 20 giờ giành giật sự sống với thần chết, cháu bé đã dần hồi phục, bú được. Những ngày cháu bé ở bệnh viện, người nhà bà Tuyết luôn túc trực, chăm sóc và bảo vệ cháu bé.

Một ngày sau khi bé gái được cứu sống, một người phụ nữ tên O. (hàng xóm bà Tuyết) đã sang nhà xin lỗi vợ chồng ông bà, khai nhận đứa bé là con mình và mong muốn được xin về nuôi lại.

Nỗi day dứt của “người dưng”!

Ngày 23/7, chúng tôi trở lại bệnh viện thăm cháu bé và được các bác sĩ cho biết, sức khỏe cháu bé tiến triển rất tốt, không còn phải điều trị bằng thuốc, cháu bé có thể xuất viện, tuy nhiên thính giác của cháu bị giảm do bị dòi đục và phải chờ khi bé lớn hơn mới tiến hành kiểm tra kỹ xem có ảnh hưởng hay không, từ đó có hướng điều trị phù hợp.

Hiện tại, bệnh viện vẫn chưa có quyết định bàn giao cháu bé cho ai bởi chưa có quyết định từ cơ quan chức năng.

bỏ rơi con, sơ sinh, đắc lắc, bệnh viện, con nuôi
Gia cảnh nghèo khó của người mẹ vứt con...
  • Tại nhà bà Tuyết, ông Trương Văn Hùng (chồng bà Tuyết) cho biết, Công an TP. Buôn Ma Thuột vừa cho mời ông bà cùng vợ chồng O. lên làm việc về trách nhiệm nhận nuôi cháu bé. Phía công an yêu cầu gia đình bà Tuyết bàn giao cháu bé cho vợ chồng O. bởi họ là bố mẹ ruột của cháu, ông bà đã ký giấy bàn giao lại đứa trẻ.

Cũng theo ông Hùng, tại cơ quan công an, khi được hỏi về việc nhận lại đứa trẻ về nuôi, O. tỏ ý không muốn, chỉ khi anh M. (chồng O.) động viên “con mình sao lại không nhận, thêm con thì thêm chén bát, anh làm vất vả thêm tí chứ có sao đâu”, lúc này O. mới gật đầu đồng ý.

Bà Tuyết tiếp lời: “Khi mới phát hiện đứa trẻ, gia đình tôi bồng cháu bé đi cấp cứu, lúc đi ngang nhà O., O. chạy ra hỏi một câu “chết chưa cô?” và từ ngày cháu bé được cấp cứu tại bệnh viện, vợ chồng O. cũng chỉ mới lên thăm con đúng 1 lần”.

Từ nhà bà Tuyết, đi mấy chục bước chân là sang nhà của vợ chồng O. Trong căn nhà cấp bốn tồi tan, O. mới khoảng 30 tuổi, đang bế đứa con thứ tư mới chừng 1 tuổi, cạnh đó là 3 người con nữa lít nhít, cách nhau cái đầu, đứa nào cũng mặt mày xanh xao, lấm lem. O. ôm con co ro trên ghế, khuôn mặt hốc hác, dáng vẻ rất mệt mỏi và dường như vẫn chưa hồi phục sức khỏe sau kì sinh nở.

Hỏi gì O. cũng im lặng, sau một hồi động viên O. mới run run mở lời: “Hôm đó là ngày 30/6, khoảng 15 giờ tôi thấy đau bụng và biết mình sắp sinh nên đóng cửa lại tự sinh một mình.

Sinh xong, tôi rất hoảng loạn, không nghĩ ngợi được gì nhiều, trong đầu chỉ nghĩ đến cảnh nhà nghèo, đang phải nuôi quá nhiều con, tự dưng tôi thấy sợ nên mới đem

 bé vứt ở bụi tre. Sau khi vứt, đêm về tôi cũng lo lắng đến không ngủ được, nhưng càng nghĩ tôi càng sợ nên không dám nói với ai, giờ tôi hối hận lắm và muốn nhận con về”.

Khi chúng tôi hỏi, sao không bỏ đứa trẻ ở một nơi dễ thấy để ai đó có thể nhặt cháu bé về nuôi mà lại mang vứt ở một nơi vắng vẻ như vậy? O. chỉ cúi mặt im lặng. Nhìn về phía bụi tre nơi vợ vứt con, anh M. cất lời kể, vợ không có nghề nghiệp chỉ ở nhà chăm con, bản thân M. làm thợ xây dựng, công việc bấp bênh, làm tối ngày mỗi tháng cũng chỉ kiếm được từ 2 - 3 triệu đồng, phải nuôi đến 6 miệng ăn nên cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau.

“Vợ mang bầu đứa thứ 5 tôi cũng không biết, cũng không nghe vợ nói gì. Thấy bụng vợ to, tôi cứ nghĩ vợ mới sinh đứa trước nên bụng đang “sổ”. Hôm xảy ra sự việc, tôi đi làm đến tối mịt mới về nên cũng không hay biết chuyện. Giờ vợ chồng tôi hối hận lắm, muốn chuộc lỗi và xin nhận lại con về nuôi” - anh M. chia sẻ.

Theo vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.