Khi kinh tế ngày càng phát triển, thì áp lực cạnh tranh trong xã hội ngày càng gia tăng. Không chỉ người lớn đối mặt với áp lực, mà ngay cả trẻ nhỏ cũng không tránh khỏi. "Không để con thua ngay vạch xuất phát" chính là khẩu hiệu của nhiều bậc cha mẹ ngày nay.
Nhằm tránh tình trạng con thua bạn kém bè, nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con tham gia các lớp học thêm. Điều này khiến thời gian học của trẻ gia tăng, và điều đương nhiên là trẻ sẽ không có thời gian nghỉ ngơi và dành cho sở thích cá nhân.
Một bi kịch đau lòng đã xảy ra với bé gái người Trung Quốc tên Tiểu Linh (8 tuổi). Khi cha mẹ đăng ký cho Tiểu Linh tham gia các lớp học thêm, bé gần như không có thời gian nghỉ ngơi và thường xuyên làm bài tập cho đến nửa đêm.
Một hôm, sau khi tham gia một buổi học thêm, Tiểu Linh cảm thấy mệt mỏi. Bé muốn nghỉ ngơi nhưng sợ cha mẹ quở trách tội lười biếng, do đó bé đã viết vào mảnh giấy: "Mẹ ơi, con mệt quá. Con ngủ một lát mẹ nhé".
Nhìn thấy đèn trong phòng con vẫn sáng, người mẹ đã vào kiểm tra. Hình ảnh con nằm trên bàn ngủ thiếp và mảnh giấy con viết khiến người mẹ cảm thấy đau lòng. Người mẹ lay gọi con dậy để con lên giường nằm ngủ cho thoải mái, nhưng gọi mãi đứa trẻ vẫn không trả lời.
Nhận thức được điều chẳng lành xảy ra với con, người mẹ run rẩy gọi bố đưa con đến bệnh viện.
Kết quả khám nghiệm cho biết, Tiểu Linh do mệt mỏi quá độ nên đã tử vong. Bố mẹ của Tiểu Linh gào khóc thảm thiết trước nỗi đau quá lớn, và tự trách bản thân đã gây áp lực bài vở cho con.
Tiểu Linh là một đứa bé hiểu chuyện, bé chưa bao giờ oán trách cha mẹ vì đã ép bé học quá nhiều. Do công việc bận rộn, cha mẹ của Tiểu Linh cũng ít thời gian sát sao việc học và chăm lo sức khỏe của con. Khi họ phát hiện thì Tiểu Linh đã mãi mãi ra đi vào độ tuổi khi em còn quá nhỏ.
Cha mẹ ép con học quá nhiều, học nhồi nhét sẽ tác động tiêu cực thế nào?
1. Tạo ra tâm lý phản nghịch
Nếu trẻ không muốn làm hoặc không hứng thú với việc đang làm, nhưng vẫn bị cha mẹ miễn cưỡng.
Ngay cả khi trẻ không nói ra, thì sự bất mãn của trẻ sẽ tăng dần theo thời gian. Tâm lý của trẻ sẽ có sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Trẻ sẽ không muốn học, không thích học dẫn đến kết quả học tập sụt giảm, khác xa so với kết quả kỳ vọng của cha mẹ.
2. Thiếu tư duy và sáng tạo
Khi việc học trở nên nhàm chán ,trẻ sẽ học và tiếp thu một cách máy móc. Trẻ sẽ không tìm hiểu sâu vấn đề và thiếu sự linh hoạt áp dụng vào thực tế.
3. Áp lực quá lớn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ
Học hành nhồi nhét và quỹ thời gian chiếm quá nhiều sẽ khiến trẻ không có thời gian nghỉ ngơi. Trẻ sẽ mất dần hứng thú với chuyện học, đồng thời cảm giác mệt mỏi sẽ ảnh hưởng không tốt đến khả năng tập trung và sức khỏe của trẻ.