Người phụ nữ này nhận được tin nhắn viết "talaq" - tiếng Ấn Độ nghĩa là "Tôi ly dị cô" - sau khi kể với chồng chuyện mình bị cưỡng dâm .
Theo luật Hồi giáo Sharia, đàn ông có thể ly dị vợ ngay lập tức bằng cách lặp lại từ "talaq" với vợ 3 lần.
Nhiều học giả Hồi giáo tin rằng, từ này phải được phát ra vào ba dịp riêng biệt, kéo dài trong 3 tháng, và đi kèm với các nỗ lực hòa giải thì mới hoàn thành việc ly dị.
Tuy nhiên, các trường hợp từ này chỉ được nhắc lại 3 lần vào một thời điểm, cũng được "pháp luật công nhận", theo Natana J Deloing-Bas, tác giả một cuốn sách nổi tiếng về đạo ồi.
Ảnh minh họa: Thehindu.com.
Người phụ nữ 25 tuổi kể trên cho biết cô bị một nhóm hàng xóm cưỡng hiếp. Cô mách với chồng vì tưởng anh sẽ bảo vệ mình.
"Tôi đã tưởng anh ấy sẽ ở bên cùng tôi vượt qua cú sốc và nỗi đau này. Nhưng tôi đã sai. Anh ta chọn con đường dễ dàng nhất, như một kẻ hèn nhát và ly dị tôi bằng tin nhắn", người vợ nói. Cô đã bị đuổi khỏi nhà, kết thúc cuộc hôn nhân kéo dài 3 năm với người chồng là công nhân xây dựng tại Dubai.
Cô đã quay trở về nhà bố mẹ đẻ ở Meerut, phía bắc Ấn Độ. Bà mẹ chồng 70 tuổi được cho là đã nhận quyền nuôi cậu cháu trai 4 tuổi.
Một ủy ban chính phủ, được lập ra năm 2013, để đánh giá thực trạng phụ nữ Ấn Độ, đã khuyến nghị chính phủ nên cấm việc nhắn tin 3 lần để được ly hôn.
Một báo cáo của ủy ban này, công bố tháng trước, cho biết, tục lệ này đã "khiến những người vợ cực kỳ dễ tổn thương và bất an về tình trạng hôn nhân của mình".
Các nhóm đấu tranh vì quyền phụ nữ tại Ấn Độ từ lâu cũng đã kêu gọi lệnh cấm việc áp dụng tin nhắn "talaq" 3 lần kiểu này.
Trong một lá thư gần đây gửi tổng thống Ấn Độ, đại diện phong trào phúc lợi cho phụ nữ Hồi giáo Ấn Độ, viết rằng, việc cho phép tồn tại hình thức nhắn tin để ly dị vợ là khước từ quyền chính đáng của người phụ nữ. Họ nhấn mạnh rằng lệnh cấm là cần thiết để đảm bảo sự bình đẳng và nhân phẩm cho phụ nữ Hồi giáo.
Ly hôn vợ bằng cách nhắn tin 3 lần vẫn được công nhận trong luật Ấn Độ khi ở đất nước này, luật dân sự thống nhất áp dụng cho tất cả các công dân. Hơn nữa, mỗi cộng đồng tôn giáo lại có luật riêng về hôn nhân và ly dị, vì thế người Hồi giáo được phép theo luật Sharia.