Bi hài chuyện trông con mùa dịch

Bi hài chuyện trông con mùa dịch

Con nghỉ học nhưng lại không được đi chơi, đi du lịch vì lo ngại dịch bệnh, không ít bậc cha mẹ đau đầu nhức óc khi không biết gửi con cho ai.

Huy động “toàn lực đại gia đình”

Ngay khi nhận được thông báo con sẽ nghỉ học hết tháng 2, nhiều phụ huynh vừa mừng vừa lo. Mừng vì các con được nghỉ học để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, nhưng lại lo vì cuộc sống “lao đao” không có người trông con. Một số phụ huynh nháo nhào đi tìm chỗ trông trẻ “thời vụ”, hoặc gửi về cho ông bà ở quê trông giúp. Thế nhưng không ít đôi vợ chồng phải phân chia nhau xin nghỉ làm ở nhà trông con, thậm chí dắt díu theo đám trẻ đến tận công ty làm việc.

Rối bời vì con nghỉ dài ngày, chị Kiều Anh (quận Bình Tân, TPHCM) than thở: “Lúc đầu trường thông báo nghỉ học 1 tuần, tôi với chồng đã phải luân phiên nhau ngày nghỉ ngày đi làm để trông con. Hết 1 tuần thì nhận được thông báo con nghỉ hết tháng, vợ chồng tôi thật sự rối bời. Nghỉ làm hoài thì sợ sếp la, mất việc, mang con đến chỗ làm cũng chỉ được 1 - 2 buổi chứ ngày nào cũng mang con lên, công ty nào thông cảm cho nổi. Chồng tôi vừa phải gọi điện về quê để huy động mẹ chồng vào trông cháu, không biết bà có đi được không”.

Hoàn cảnh không khác gì chị Kiều Anh, chị Thu Hằng (huyện Bình Chánh) phàn nàn: “Gia đình nội ngoại đều ở Nghệ An, trong thành phố chỉ có vợ chồng tôi và đứa con nhỏ học lớp 2. Tết vừa rồi cả nhà đã tốn hai chục triệu đồng để về quê ăn Tết, mùng 8 đã vội vào thành phố để chuẩn bị cho con đi học. Ai ngờ dịch bệnh, con được nghỉ học, biết vậy tôi cứ để con lại ngoài quê với ông bà thì đỡ biết mấy, giờ gửi con ra cho ông bà thì cũng lại tốn một mớ tiền. Cũng may công việc của chồng tôi không ổn định nên anh đã xin nghỉ luôn để ở nhà trông con, hết đợt dịch này rồi tìm việc khác để làm”.

Con nghỉ nguyên một tháng vì dịch bệnh, thậm chí có thể sẽ được nghỉ dài hơn, sau tuần đầu tiên mang con lên văn phòng, chị Hồng Thảo (quận Bình Thạnh) đã phải cầu cứu ông bà 2 bên để luân phiên vào trông cháu. Chị tâm sự: “Biết là dịch bệnh bắt ông bà phải đi từ quê ra thành phố trông cháu là vất vả, nhưng quả thật tôi không còn cách nào khác. Nếu là nghỉ hè thì còn có chỗ trông trẻ tư nhân để gửi con chứ bệnh dịch như thế này, không có chỗ nào dám nhận trông trẻ, mà mình cũng không dám gửi con cho ai. Nhỡ con lây bệnh thì khổ”.

Vất vả hơn cả là những cha mẹ làm công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Anh Văn Linh đang làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung 1 cho biết, nhận được thông báo của trường là con được nghỉ học, hai vợ chồng anh lo ngay ngáy vì cả hai đều là công nhân của công ty nước ngoài, không thể bỏ việc để trông con. May mắn là biết hoàn cảnh của gia đình anh, cô giáo nhận lời cho con anh và một vài học sinh có hoàn cảnh tương tự đến nhà cô kèm cặp và trông giúp từ sáng đến chiều.

Không được may mắn như anh Linh, chị Thanh (quê Tiền Giang) đang làm việc tại khu chế xuất Tân Thuận đã phải xin nghỉ phép 1 tuần để ở nhà trông con. Hết phép, con vẫn tiếp tục nghỉ học, chị phải cậy nhờ mấy bạn sinh viên cùng dãy nhà trọ trông con giúp. Chị than thở: “Các em sinh viên tốt bụng nhận trông con giúp mình nhưng cũng không thể nhờ các em mãi được. Tôi đang cố tìm xem có ai nhận trông trẻ gần quanh nhà để gửi con không, nếu không chắc tôi phải đưa con về quê”.

Vợ chồng anh Ngọc là công nhân một công ty may mặc ở quận Bình Tân cũng nháo nhác tìm chỗ gửi con. Chị cho biết, ông bà hai bên đã mất sớm nên không còn ai nhờ cậy, may mà nhà hàng xóm có bà ngoại lên trông đứa con nhỏ nên vợ chồng anh gửi nhờ cô con gái. Mỗi sáng chị phải dậy sớm hơn để chuẩn bị phần cơm trưa, sữa bánh cho con khi mang đi gửi. “Mới có một tuần mà tôi thấy cực quá. Con được nghỉ học thì cha mẹ đỡ sợ con mắc bệnh nhưng lại lo gấp đôi vì công nhân như chúng tôi đi làm phải đúng giờ, không được trễ, nghỉ là đói”.

Vừa áp lực trông con tại nhà và cũng vừa áp lực công việc mưu sinh…
 Vừa áp lực trông con tại nhà và cũng vừa áp lực công việc mưu sinh…

“Khó nhất là trông trẻ con”

Cũng lao đao không kém, vợ chồng anh Dương (quê Phú Thọ), công nhân khu công nghiệp Linh Trung đã phải cùng một vài gia đình khác trong xóm trọ luân phiên nhau trông cả đám trẻ. Anh Dương cho biết: “Mấy gia đình trong xóm thống nhất là mỗi nhà chia nhau ra để trông các con. Sáng nay vợ tôi trông các cháu vì làm ca hai, chiều thì đến lượt tôi, mai là nhà bên cạnh, cứ như vậy luân phiên. Nhưng trông cả 5 - 6 đứa trẻ thật sự rất mệt, tụi nhỏ nghịch đủ trò, ăn uống cũng khó, chúng tôi đến quay cuồng với các con, rồi lại lo công việc, lo dịch viêm phổi”.

Rối bời trong mùa dịch virus Corona này, chị Kiều Linh (chung cư Bắc Rạch Chiếc, Q.9) cho biết mấy ngày đầu 2 vợ chồng phải thay phiên nhau xin nghỉ việc để ở nhà trông con, mấy ngày nay có bà nội vào chăm giúp cũng thấy nhẹ được phần nào. Thế nhưng tình huống “dở khóc dở cười” khác lại xảy đến là con đã chán ở nhà và chỉ muốn đến trường.

“Thật sự chẳng biết làm sao, thấy con cứ ru rú ở nhà suốt mình cũng thấy thương. Chỉ mong dịch mau hết, mọi thứ trở lại bình thường chứ giờ con nói không thích ở nhà và chỉ muốn đi học”, chị Linh kể.

Để con ở nhà với bà nội nhưng chị Thuận Hải (quận Gò Vấp) vẫn lo ngay ngáy: “Bà nội lớn tuổi rồi, cách sống, cách nghĩ của bà cũng khác, không hợp với mấy đứa nhỏ. Ngày nào tụi nhỏ cũng gọi điện than thở với mẹ là ở nhà chán, không có gì chơi, đòi đi ra ngoài thì bà không cho, xem tivi, chơi điện thoại một lúc là bà bắt tắt đi nên tụi nhỏ la chán hoài. Tôi cũng sốt ruột lắm, chỉ mong nhanh nhanh hết dịch”.

Theo Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng, các bậc cha mẹ rối bời khi con nghỉ học dài ngày vì khi con đi học, cha mẹ gần như khoán trắng cho nhà trường nên không biết phải xoay xở với con thế nào trong cả kỳ nghỉ bất đắc dĩ quá dài này.

Để việc trông con không trở thành một gánh nặng, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng gợi ý các cha mẹ nên tạo những kênh giải trí nhiều hơn cho con mình, tùy vào sở thích của con. Ví dụ như con thích đọc sách thì khuyến khích bé đọc sách. Để bé không chán thì có thể thay đổi loại sách mỗi ngày, hoặc tìm những trò chơi từ sách. Những bé nào thích mày mò nghiên cứu thì có thể tìm tivi hay máy tính hư, rồi nhờ con mày mò sửa để con có việc để làm mà còn thấy phấn khích. Cuối ngày, cha mẹ cùng ngồi đánh giá với con xem con đã làm được những gì để bé thấy công sức của mình bỏ ra có ý nghĩa, không bị nhàm chán. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.