Trước đó, hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản có quyết định đình chỉ dạyđối với ông Đạt - giáo viên dạy Văn, và chuyển ông sang làm công tác thư viện từ tháng 1-2019 với lý do "sai phạm trong hoạt động chuyên môn".
Một trong các sai phạm này được cho là có liên quan đến việc học sinh của thầy Đạt diễn cảnh "nhạy cảm" trong tác phẩm "Bỉ vỏ" của Nguyên Hồng và "Xuân tóc đỏ" của Vũ Trọng Phụng.
"Việc học sinh sân khấu hóa tác phẩm văn học, bản thân tôi cũng rất bất ngờ ở chi tiết "nhạy cảm". Trước đó, học sinh lên kịch bản sân khấu hóa hai tác phẩm trên nhưng xin giấu giáo viên và để hấp dẫn người xem.
Khi các em diễn cảnh "nhạy cảm" trong tác phẩm, tôi giật mình chạy ngay ra phía sau sân khấu xem thế nào thì thấy hai em học sinh ngồi hai ghế khác nhau. Các em đã tắt đèn chiếu, động tác thể hiện qua cái bóng trên sân khấu chứ các em không đụng chạm nhau", ông Đạt kể lại.
Liên quan đến cảnh diễn trên, em Bùi Thị Lệ Trang, học sinh lớp 11B4, cho biết: "Kịch bản này lớp em xây dựng trên nội dung tác phẩm, không cho thầy biết. Em thấy cảnh không phản cảm vì bạn em diễn tượng trưng chỉ 5 giây, đoạn nhân vật Tám Bính bị cưỡng hiếp thì bạn nam xô bạn nữ ngã xuống và chiếu bóng cho người xem".
Theo ông Đạt, ông không chấp nhận mức kỷ luật của trường nên đã làm bản tường trình và đơn kiến nghị nhưng trường vẫn giữ nguyên quyết định.
"Tôi đã gửi đơn kiện đến tòa án cách đây 10 ngày, kiện vì trường ra quyết định đình chỉ không đúng quy định và yêu cầu trường bồi thường thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần suốt thời gian qua, cụ thể là 80 triệu đồng", ông Đạt thông tin.
Quyết định đình chỉ công tác 1 năm đối với ông Phạm Quốc Đạt của Trường THPT Võ Trường Toản - Ảnh: T.T.
Trong khi đó, Trường THPT Võ Trường Toản bác thông tin đình chỉ thầy Đạt vì để học sinh đóng cảnh "nhạy cảm". "Đó chỉ là một trong những lý do để nhà trường ra quyết định kỷ luật chứ không phải là lý do chính, lý do duy nhất", ông Lương Văn Định - hiệu trưởng nhà trường, khẳng định.
"Trong thời gian giảng dạy, thầy Đạt có những lời lẽ bôi nhọ, nói xấu giáo viên. Kết hợp nhiều nguyên nhân sai phạm, thông qua hội đồng kỷ luật nhà trường, qua việc lấy ý kiến hội đồng sư phạm giáo viên, trường mới đi đến quyết định này", ông Định nói thêm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Bùi Thị Diễm Thu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết sự việc liên quan thầy Đạt, nhà trường có báo cáo về Phòng tổ chức cán bộ và Phòng trung học của sở cũng đã nắm.
"Tôi có đọc nội dung trường báo cáo, theo đó thầy Đạt có nhiều vi phạm chứ không riêng câu chuyện cho học sinh sân khấu hóa văn học. Những vi phạm của thầy như: lời nói thiếu chuẩn mực, có đơn phản ánh của phụ huynh, đi trễ đến 16 lần, không có kế hoạch giảng dạy phần ngoại khóa sân khấu hóa, không báo tổ trưởng bộ môn…
Riêng về clip học sinh diễn cảnh "nhạy cảm" tôi chưa xem nên chưa đánh giá được, nhưng xét về ý tưởng loại hình sân khấu hóa là tôi ủng hộ và khuyến khích, đó cũng như tiết ngoại khóa cho học sinh trải nghiệm, giống như đi xem phim, thăm bảo tàng", bà Thu nói.