"Luật pháp quốc tế ngăn cấm việc tiếp nhận một phần hoặc tất cả lãnh thổ của một quốc gia khác bằng ép buộc hoặc vũ lực", CNN dẫn thông báo của nhóm G8 liên quan tới việc loại bỏ Nga. "Làm như vậy là vi phạm các nguyên tắc mà hệ thống quốc tế được xây dựng theo đó. Chúng tôi lên án cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp tại Crimea vì nó vi phạm hiến pháp Ukraine".
Thông báo cũng "lên án mạnh mẽ cố gắng bất hợp pháp của Nga trong việc sáp nhập Crimea, vì nó đi ngược lại luật pháp quốc tế và các nghĩa vụ quốc tế cụ thể".
Việc tước tư cách thành viên G8 của Nga là đòn đáp trả trực tiếp mới nhất từ các nước phương Tây, sau khi Moscow tiếp nhận bán đảo Crimea ở miền nam của Ukraine.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua cho rằng việc bị loại khỏi G8 không phải là chuyện to tát.
"G8 là một tổ chức không chính thức và không phát hành bất cứ thẻ thành viên nào, cũng như theo định nghĩa của nó thì G8 không thể loại bỏ bất cứ ai", ông Lavrov nói trong một cuộc họp báo. "Tất cả các vấn đề tài chính và kinh tế được quyết định tại G20, còn G8 có mục đích tồn tại như một diễn đàn giữa các nước phương Tây hàng đầu với Nga".
Ngoại trưởng Lavrov cho biết thêm rằng, Nga không bị ràng buộc với G8 và không cảm thấy buồn nếu nhóm này không thể tụ hội. "Có lẽ, trong một hoặc hai năm, chúng ta sẽ thử xem liệu có thể sống mà không có nó không", Lavrov nói.
"Nếu các đối tác phương Tây của chúng ta tin rằng hình mẫu này đã mệt mỏi với chính nó, thế thì hãy cứ như vậy. Chúng ta sẽ không theo đuổi nó", RT dẫn lời ông Lavrov nhấn mạnh,
Bên cạnh việc loại Nga khỏi G8, nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới (nay lại là G7) hôm qua cũng hủy hội nghị thượng đỉnh dự kiến do Nga đăng cai.
Sau cuộc họp khẩn được Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi, G7 tuyên bố sẽ tổ chức một hội nghị ở Brussels, Bỉ, mà không có Nga, thay vì thượng đỉnh G8 lẽ ra sẽ diễn ra tại Sochi.
Năm 1999, Nga gia nhập nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Italy, Pháp, Canada và Anh, để G7 đổi thành G8.