Bị cáo Đinh Ngọc Hệ phủ nhận tên Út ‘trọc’

GD&TĐ - Ngày 14/12, TAND TPHCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm trong việc tổ chức bán đấu giá quyền thu phí tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Bị cáo Đinh La Thăng (phải) và các đồng phạm tại tòa.
Bị cáo Đinh La Thăng (phải) và các đồng phạm tại tòa.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm liên quan việc tổ chức bán đấu giá quyền thu phí tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương xảy ra tại Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (thuộc Bộ GTVT), Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan

Bị cáo buộc chịu trách nhiệm chính về những sai phạm của cán bộ tại Bộ GTVT trong việc tổ chức bán đấu giá quyền thu phí tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, bị cáo Đinh La Thăng, Đinh Ngọc Hệ (tức Út ‘trọc’) và 18 đồng phạm ra hầu tòa.

Tham dự phiên tòa có hơn 30 luật sư bào chữa cho các bị cáo cùng người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có mặt tại phòng xử án. Đại diện Viện KSND công bố bản cáo trạng và phần phụ lục của vụ án dài gần 100 trang, buộc tội bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm. 

Bị cáo Đinh La Thăng (giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT từ tháng 8/2011 đến tháng 2/2016) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cùng hầu tòa với tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" như bị cáo Đinh La Thăng còn có 6 bị cáo từng là lãnh đạo Bộ GTVT gồm: Nguyễn Hồng Trường (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT giai đoạn tháng 4/2007-8/2017), Nguyễn Chí Thành (nguyên Phó vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ GTVT), Lê Trung Cường (chuyên viên Vụ Tài chính); Dương Tuấn Minh, Dương Thị Trâm Anh (nguyên Tổng giám đốc và Giám đốc Tổng công ty Cửu Long), Nguyễn Thu Trang (nguyên Phó trưởng phòng Đầu tư và quản lý đấu thầu, Tổng Công ty Cửu Long).

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út ‘trọc’).
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út ‘trọc’).

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út ‘trọc’, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn-Bộ Quốc phòng) bị truy tố về hai tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi"; 12 bị cáo còn lại bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."

Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh Ngọc Hệ đề nghị HĐXX triệu tập giám định viên nhằm làm rõ thiệt hại trong vụ án. Ngoài ra, luật sư đề nghị tòa án triệu tập thêm nhiều người liên quan đến phần tài sản đang trong diện kê biên của bị cáo Hệ. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa cho rằng hồ sơ vụ án có đầy đủ những nội dung luật sư đề cập. Trong quá trình xét xử, HĐXX sẽ triệu tập những cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến vụ án nếu thấy cần thiết.

Trước đó, một số cá nhân, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không đến dự tòa. Tuy nhiên, đại diện VKSND TPHCM nhận thấy việc những người này vắng mặt không ảnh hưởng đến quá trình xét xử.

Sau khi đọc quyết định đưa vụ án bị cáo Đinh La Thăng giao quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương trái luật gây thất thoát hơn 725 tỷ đồng ra xét xử sơ thẩm, chủ tọa phiên tòa tiến hành thẩm tra lý lịch 20 bị cáo. 

Ở phần thủ tục khai báo, bị cáo Đinh Ngọc Hệ khai ngoài tên Hệ không còn tên gọi nào khác. Khi vị chủ tọa đề cập trong các bản án hình sự có ghi nhận bị cáo có tên gọi Út ‘trọc’, ông Hệ phủ nhận. Bị cáo Hệ khẳng định lại mình chỉ có một tên gọi, các tên khác trong các bản án đã xét xử là không đúng.

Phiên tòa dự kiến kéo dài tới 25/12.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.