Bảo vật quốc gia sần sùi như một bắp súplơ
“Ruby” xuất phát từ tiếng La tinh “rubens”, ý nghĩa là “tủy xương đỏ”. Với màu đỏ máu tựa như ma thuật, ruby khiến vạn người say mê. Người chơi ruby coi nó như một loại bùa chú có tác dụng cảnh báo trước hiểm họa và tai ương, mang đến sức khỏe tốt và sự bình an trong tâm hồn. Trong thế giới quyến rũ của đá quý, ruby được tôn là "ông hoàng", là ngọc thống trị không có đối thủ. Ruby có độ cứng chỉ đứng sau kim cương. Vì vậy, những viên ruby có kích thước lớn và màu đẹp được bán đấu giá cao hơn cả những viên kim cương có kích thước tương tự. |
Ruby ở Việt Nam được đánh giá có chất lượng cao bậc nhất thế giới. Theo KS. Nguyễn Xuân An, nguyên Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam, ruby ở vùng Yên Bái, Nghệ An được coi là tuyệt vời. Huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái từ lâu đã nổi tiếng bởi có nhiều mỏ ruby sao. Trong đó, Tân Hương là một mỏ đá có trữ lượng lớn nhất. Tại đây, những khối ruby được đánh giá là đẹp và đắt nhất Việt Nam đã được tìm thấy.
Vào tháng 4/1997, trong khi tuyển quặng, công nhân mỏ Tân Hương thấy trong đám đá thải không lọt qua sàng một cục đá lớn, nặng 2,7kg. Trông nó sần sùi như 1 bắp súplơ, có nhiều tạp chất bám xung quanh. Khi mang về xử lý bằng cách rửa sạch và bóc tạp chất bám xung quanh thì thấy trên mặt viên ruby có 1 vết nứt sẵn, tách ra được 1 viên ruby đực. Phần còn lại của viên ruby nặng 2.160 gram tương đương 10.800 cara.
KS. Nguyễn Xuân An kể trên báo Bưu điện Việt Nam: "Khi ấy, tôi giữ chức Phó tổng giám đốc và trực tiếp nhận nhiệm vụ xử lý viên ruby. Ban đầu trông nó sần sùi như một bắp súplơ, có nhiều tạp chất bám xung quanh. Khi mang về xử lý bằng cách rửa sạch và bóc tạp chất bám xung quanh thì thấy trên mặt viên rubi có 1 vết nứt sẵn, tách ra được 1 viên ruby đực nặng 290 cara".
Mỏ Tân Hương, Yên Bái, nơi tìm thấy viên ruby bảo vật quốc gia. |
Ngay khi vừa được khai thác, khối ngọc đã làm sửng sốt giới khoa học lúc bấy giờ bởi trọng lượng lớn chưa từng có. Lập tức, khối ruby này đã được Công ty đá quý và vàng Yên Bái gửi về Tổng công ty đá quý và vàng Việt Nam.
Vì viên đá này được đánh giá là lớn nhất Việt Nam nên Nhà nước đã quyết định giữ làm Bảo vật quốc gia tại văn bản số 5346/VPCP ngày 22 tháng 11 năm 1999 của Văn phòng Chính phủ. Khối ruby này đã yên vị trong Kho bạc Nhà nước. Nó được gọi với cái tên là “Ngôi sao Việt Nam”. Đã nhiều năm trôi qua, bao chuyện quanh số phận viên hồng ngọc quốc bảo này dần lắng xuống. Tuy nhiên, chuyện định giá nó dường như chưa có hồi kết. Những nhân vật chính liên quan đều cho rằng giá trị chính xác của hòn đá ngọc này vẫn là một bí ẩn.
Đá ruby "mẹ" và khối ruby con bị nứt. |
Giá trị viên ruby vẫn là một bí ẩn
KS. An cho hay, việc định giá viên ruby "con" cũng vô cùng khó khăn đối với các nhà khoa học trong nước. Một đoàn chuyên gia từ Myanmar đã được mời sang để đánh giá giá trị của viên đá quý. Đoàn chuyên gia sau một hồi luận bàn đã cho rằng, mức giá tối thiểu cho viên hồng ngọc "con" là 250.000 USD. "Sau cuộc đấu giá ở Myanmar năm 1997, viên đá đã được bán cho một thương gia với giá 290.000 USD", TS. An kể trên báo Bưu điện Việt Nam.
Sau đó, Tổng Công ty Đá quý & Vàng Việt Nam (VIGEGO) đã mời một số đoàn chuyên gia đá quý sang Việt Nam xem viên ruby “to”, khối đá mẹ của viên ruby “con” kia, để giúp VIGEGO định giá.
Viên ruby bảo vật quốc gia nặng 2.160 gram |
Nhưng viên ruby "mẹ" lại không thể đánh giá được giá trị do lớp tạp chất bao xung quanh. Nếu muốn biết giá trị thực sự buộc lòng phải bóc tách lớp vỏ bên ngoài. Song một số nhà khoa học được mời để tham vấn thì cho rằng nếu bóc tách sẽ dễ làm hỏng cấu trúc sẽ phá vỡ viên đá, làm mất đi hình dạng tự nhiên ban đầu, mất đi ý nghĩa khoa học và có thể làm tổn thất giá trị kinh tế của viên đá.
Theo báo Tiền phong, kết thúc cuộc họp ngày 22/9/1999 có sự tham dự của ba chuyên gia (KS. Nguyễn Xuân An; GS.TS Phan Trường Thị, Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và ông Dương Bá Dũng, Giám đốc Phòng Kiểm định XNK Đá quý, VIGEMLAB), Hội đồng Giám định của Bộ Tài chính nhận định: “Viên đá ruby quý, hiếm có trên thế giới và là hiện vật đá quý lớn nhất được khai thác tại Việt Nam từ trước đến nay, cần được giữ lại làm bảo vật quốc gia”. Hội đồng nhất trí với ý kiến “không bóc tách tiếp để lấy riêng phần ngọc có chất lượng cao ở bên trong”.
Riêng về phần định giá, trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 27/9/1999, Hội đồng Giám định thấy chưa đủ căn cứ để ước tính giá trị của viên đá. Tuy nhiên, theo công văn do Chủ tịch HĐQT VIGEGO Hoàng Thế Ngữ ký gửi Hội đồng Giám định của Bộ Tài chính vào ngày 20/9/1999, ước tính giá trị của viên đá này vào khoảng 8,35-10,98 triệu USD, một giá tiền khổng lồ với 1 viên ruby.