Một bằng chứng then chốt gần đây, ám chỉ sinh vật truyền thuyết này có thể là một loại gấu chưa từng được biết đến, hiện vừa chính thức bị bác bỏ.
Các nhà sinh vật học đã tiến hành phân tích ADN để kiểm chứng các tuyên bố rằng, những mẫu lông nghi của Yeti dường như thuộc về một loài gấu chưa từng được khoa học biết đến. Họ phát hiện, ADN trong các mẫu lông đã bị suy biến đến mức không thể quy chúng cho bất kỳ loại gấu cụ thể nào.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu kết luận, từ màu sắc và hình dạng của các mẫu lông, chúng nhiều khả năng thuộc về những con gấu nâu phổ biến ở Himalaya, thay vì một loài gấu chưa từng được biết đến nào đó. Điều này đồng nghĩa, nhân dạng sinh vật kỳ lạ xuất hiện trong các vụ chạm trán Yeti hiện vẫn còn là một bí ẩn.
Theo báo cáo nghiên cứu mới nhất trên tạp chí ZooKeys, năm 2014, giáo sư Bryan Sykes, một nhà di truyền học thuộc Đại học Oxford (Anh) khám phá ra rằng, ADN trích lấy từ 2 mẫu lông "Yeti" trên dãy núi Himalaya trùng khớp 100% với một mẫu hóa thạch gấu vùng cực 40.000 năm tuổi, nhưng không khớp với các loài gấu vùng cực thời hiện đại.
Tuy nhiên, các phân tích sau đó của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch) chỉ ra rằng, mẫu lông không thuộc về một con gấu vùng cực. Dẫu vậy, giáo sư Sykes và các cộng sự nhất quyết, những mẫu lông đó chắc chắn có nguồn gốc từ một loài gấu chưa từng được biết đến, đang sinh trưởng ở Himalaya.
Trong nghiên cứu mới nhất, tiến sĩ Eliécer Gutiérrez, nhà sinh vật học tiến hóa thuộc Viện Smithsonian và tiến sĩ Ronald Pine thuộc Đại học Kansas (Mỹ) một lần nữa đã phủ nhận tuyên bố của giáo sư Sykes. Ông nói: "Dữ liệu phân tử mà nhóm của giáo sư Sykes thu thập được và đem đi phân tích không đủ thông tin để quy chúng cho một loài gấu chưa được nhận diện nào đó đang tồn tại trên dãy Himalaya.
Chúng tôi kết luận rằng, không có lí do gì để tin 2 mẫu lông thuộc về sinh vật không phải là gấu nâu. Điều khiến chúng tôi thấy kỳ quặc là một "thợ săn lão luyện", người rất quen thuộc với gấu nâu, lại có thể nhầm con vật mình bắn với loại gì đó không phải là gấu và đặc biệt là nhầm với "Yeti"".
Trong nghiên cứu của mình, tiến sĩ Gutiérrez và tiến sĩ Pine cũng tìm hiểu về cách các trình tự gen có thể hé lộ quan hệ giữa 8 loài gấu đương đại như thế nào. Họ phát hiện, trình tự gen của một loài gấu đen châu Á ở Nhật ám chỉ chúng không có họ hàng gần gũi với các thành viên khác thuộc loài này trong châu lục.