Bí ẩn quanh cái chết của Muammar Gaddafi

Bí ẩn quanh cái chết của Muammar Gaddafi

(GD&TĐ) - Ngày 20/10 năm nay là vừa tròn 1 năm nhà lãnh đạo Lybia Muammar Gaddafi từ giã cõi đời. Cái chết của đại tá cực kỳ đau đớn: Gaddafi bị tra tấn và sau đó bị tử hình. Lúc đầu người ta tuyên bố Muammar Gaddafi chết do bắn nhau nhưng sau đó, đoạn băng video lan truyền khắp thế giới đã phản bác điều này.

Câu chuyện với nhiều bí ẩn

Những ngày này, Tổ chức Nhân quyền quốc tế Human Rights Watch (HRW) đã đưa ra những bằng chứng khẳng định Muammar Gaddafi không bị thương trong lúc bắn nhau và chết theo như tuyên bố chính thức mà chết bởi những đòn tra tấn dã man của quân nổi dậy. Sau đó, nhà lãnh đạo Lybia đã bị tử hình cùng với con trai của ông- Mutassim và 66 người khác.

Tất cả các tù binh đều bị tra tấn dã man trước khi hành hình. Tổ chức Nhân quyền quốc tế đã đưa ra bản báo cáo dài 50 trang với nhan đề "Cái chết của nhà độc tài: Trả thù đẫm máu ở Sirte", trong đó nhấn mạnh rằng chính quyền Lybia không giữ lời hứa điều tra về cái chết của Gaddafi và trừng phạt tất cả những người tham gia vụ tàn sát man rợ này. HRW cáo buộc Chính phủ Lybia bao che, chứa chấp những kẻ tội phạm chiến tranh.

Cùng với cái chết của đại sứ Mỹ Christopher Stevens tại Benghazi, báo cáo của HRW gây tổn hại tới uy tín của Chính phủ Lybia trong mắt phương Tây.

Cảnh Muammar Gaddafi bị hành hạ dã man
Cảnh Muammar Gaddafi bị hành hạ dã man

Xung quanh cái chết của nhà lãnh đạo Lybia, lúc đầu, phiến quân tuyên bố rằng Gaddafi chạy chốn trong ống cống và bị bắt tại đó, sau lại tuyên bố rằng Gaddafi định chạy trốn khỏi Sirte với 50 xe hộ tống, nhưng bị máy bay NATO ném bom phải dừng lại và bị bắt. Các tù nhân được phân loại, Gaddafi và con trai Mutassim bị dẫn giải về Misrata rồi bị bắn chết.

HRW đã phỏng vấn một loạt nhân chứng, đặc biệt những người theo Gaddafi hiện đang còn sống sót và đã nghiên cứu rất nhiều băng video được các phiến quân quay bằng điện thoại di động rồi tung lên mạng. Giám đốc về những vấn đề khẩn cấp của HRW Peter Bouckaert tin rằng, tất cả những gì diễn ra quanh cái chết của Gaddafi được coi là tội phạm chiến tranh và chính quyền Lybia phải có trách nhiệm điều tra cũng như kết án tội phạm. Gaddafi khi đó bị thương, máu chảy nhiều.

Thay vì phải hỗ trợ y tế cho ông ấy, quân nổi dậy lại đánh đập nhà lãnh đạo Lybia hết sức tàn nhẫn. Họ kéo lê ông trên đường như kéo đồ vật. Nhóm hộ tống Gaddafi bị bắn tại khách sạn "Machar", xác của họ nằm gần nhau. Ngày 22/10/2011, các nhân viên của HRW đã tìm thấy 53 xác chết ở đó, đa số họ nắm chặt tay nhau. HRW đã cung cấp cả danh tính người chỉ huy quân nổi dậy cho chính quyền mới ở Lybia nhưng tất cả đều rơi vào im lặng.

Ai sẽ chịu trách nhiệm cho cái chết của Muammar Gaddafi?

Trước hết phải nói đến trách nhiệm của Chính phủ Lybia. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Chính phủ Lybia khó có thể truy tố thủ lĩnh phiến quân ra lệnh sát hại Gaddafi. Nguyên nhân hết sức đơn giản: Đã một năm trôi qua kể từ ngày nhà lãnh đạo Lybia thiệt mạng, chính phủ nước này không kiểm soát nổi đất nước. Mọi nỗ lực truy bắt các thủ lĩnh địa phương đều dẫn tới đổ máu. Các nhóm phiến quân vẫn thả sức tung hoành trên lãnh thổ Lybia và vụ giết chết đại sứ Mỹ ở Benghazi cách đây chưa lâu là một minh chứng.

Trách nhiệm đạo đức trong vụ giết hại Muammar Gaddafi còn thuộc về các nhà lãnh đạo phương Tây mà không ai khác ngoài Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Tổng thống Pháp Nikolai Sarkozy.

Phương Tây muốn xây dựng nền dân chủ ở Lybia kiểu gì đây, khi chính họ đã phát động cuộc chiến bất hợp pháp ở nước này, vi phạm nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ. Ấy là chưa kể nếu thiếu một nhà lãnh đạo có “bàn tay sắt”, Lybia khó có thể bình yên.

Vừa tròn một năm ngày lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Lybia vẫn chưa im tiếng súng, những cuộc nổi loạn, đánh bom khủng bố vẫn liên tiếp nổ ra. Kỷ niệm 1 năm ngày Muammar Gaddafi bị sát hại, sau “cách mạng hoa nhài”, nước Mỹ đã rút ra được nhiều bài học, trong đó bài học lớn nhất là truyền bá dân chủ. Nói như cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thì khó có thể ngay lập tức thiết lập chế độ dân chủ ở các nước Hồi giáo.

Anh Phương (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ