Các nhà khoa học đã tìm ra rằng, các hóa chất đặc trưng trong não bộ đã "điều khiển" tình yêu của mỗi cặp đôi sống mãi...
Ai trong chúng ta khi yêu cũng muốn nắm tay người yêu đi đến cái đích cuối cùng - đó là kết hôn và cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể cùng nhau tới được "phía cuối con đường tình yêu" đó mà khá nhiều trường hợp đã bỏ dở giữa chừng.
Liệu rằng trên Trái đất có liều thuốc nào có thể giúp hàn gắn hay khiến cho họ yêu nhau tới "đầu bạc răng long". Thật bất ngờ, các nhà khoa học đã tìm ra một hóa chất như thế trong cơ thể con người... Cùng đi tìm lời giải cho nhân tố đó qua bài viết dưới đây.
Những giai đoạn thăng trầm trong tình yêu...
Theo một báo cáo tại Mỹ, từ năm 1970 đến 2010, số lượng phụ nữ kết hôn giảm từ 76,5 triệu xuống còn 34,9 triệu người. Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm này là do quan niệm của người dân về chuyện lập gia đình đã thay đổi. Họ quyết định sống chung trước rồi mới kết hôn, chứ không vội vàng đi đến quyết định cho một gắn kết lâu dài.
Mặc dù đã cân nhắc kỹ nhưng đến khi kết hôn rồi, cũng chưa có gì đảm bảo rằng, những cuộc hôn nhân này sẽ kéo dài mãi mãi. Lý do mà nhiều người đưa ra là cuộc sống tiền hôn nhân và sau kết hôn rất khác nhau.
Do đó, những câu chuyện tình yêu lãng mạn kiểu như “yêu đến khi chết” sẽ không thể kéo dài mãi. Theo nhà nhân chủng học Helen Fisher, những cặp đôi trẻ thường có mối quan hệ kéo dài từ 4 - 5 năm.
Khoảng thời gian này, họ đang đắm chìm và nhâm nhi vị ngọt của tình yêu. Giai đoạn "tuần trăng mật" sẽ đưa mối quan hệ đạt tới sự thăng hoa nhưng nó sẽ lâm vào "thoái trào" khi họ có con.
Ông cho rằng, giai đoạn “suy thoái” chính là thời điểm khắc nghiệt nhất trong hôn nhân. Nó quyết định rất nhiều đến việc cuộc sống gia đình còn có thể kéo dài hay không. Rất nhiều cặp đôi đã không chịu nổi áp lực của "cơm áo gạo tiền", của những sự xung đột và phải đưa nhau ra tòa li dị.
Nhưng tất nhiên cũng có những cặp đôi sống hạnh phúc đến khi đầu bạc răng long. Và điều bất ngờ ở đây là các nhà khoa học đã tìm ra nhân tố giúp việc hôn nhân có thể kéo dài hoàn toàn.
Tình yêu lâu bền đến từ não bộ
Một số nghiên cứu gần đây đã tập trung tìm hiểu mối quan hệ giữa hệ thần kinh và ảnh hưởng của chúng đến tình yêu lâu bền. Qua đó, các chuyên gia phát hiện nhân tố giúp tình yêu lâu bền xuất phát từ trong não bộ.
Năm 2008, nhà nghiên cứu người Thụy Điển - Hasse Walum xác định, những biến thể gene từ “gene chân thành” của đàn ông ảnh hưởng đến sự bền vững trong các mối quan hệ. Tuy vậy, không hẳn những người mang biến thể gene này đều có xu hướng “phản bội” lại bạn đời, nhưng nó khiến cho sự tương tác trong tình yêu giảm hẳn đi, như số lần hôn nhau, bên cạnh nhau...
Các nhà khoa học chỉ ra, khi yêu, não bộ sẽ kích thích khiến chúng ta muốn bên nhau nhiều hơn và mong muốn tạo ra một sợi dây gắn kết. Dựa vào điều này, nhà tâm lý học Martie Haselton thuộc ĐH California (Los Angeles) đã kết luận trong nghiên cứu của mình: tình yêu là “công cụ đảm bảo” và được củng cố nhờ sự chọn lọc tự nhiên. Nói cách khác, não bộ là nhân tố khiến tình yêu trở nên rất tuyệt diệu.
Não bộ con người có một hệ thống được gọi là limbic system ("hệ não rìa") - một khu vực đặc biệt quan trọng có chức năng kiểm soát xúc cảm, bản năng. Hệ thống limbic này hoạt động sẽ ảnh hưởng đến cách thức chúng ta phản ứng với thế giới xung quanh, ví dụ như mừng rỡ khi nhận được quà, hoặc nhăn nhó nếu giẫm phải đinh…
Tiến hành chụp cộng hưởng từ khu vực này cho những cặp đôi “mới yêu” và cặp vợ chồng đã gắn bó với nhau trên 20 năm. Kết quả cho thấy, não bộ của họ có những phản ứng tương đồng đến kì lạ.
Khi được xem ảnh bạn đời của mình, ảnh cộng hưởng từ hai vùng não bộ VTA (Ventral tegmental area - nằm ở chỏm não) và caudate nucleus (vùng nhân đuôi) của đối tượng nghiên cứu trở nên bị kích thích và sáng lên. Hai vùng này góp phần thúc đẩy ta đưa ra quyết định khi hứng thú, muốn theo đuổi một “phần thưởng”. “Phần thưởng” ở đây là được ở bên cạnh người mình yêu thương.
"Phần thưởng" này giúp đầu óc họ thư thái hơn bằng cách tăng cường dopamine - hoạt chất truyền dẫn thần kinh tạo cảm giác hưng phấn trong cơ thể. Ngoài ra, những khu vực này cũng chứa các thụ thể thần kinh cung cấp oxytocin và vasopressin - hóa chất thần kinh giúp củng cố sự gắn kết, chung thủy.
Khu vực không phát sáng là những nơi gắn liền với sự lo lắng và sợ hãi như vùng amygdala - hay còn gọi là hạch hạnh nhân. Đây là nơi xử lý những yếu tố gây cảm xúc ở người.
Một số khảo sát đánh giá tâm lý cho thấy, sự ám ảnh về "giai đoạn suy thoái" với những cặp đôi bền lâu là không tồn tại. Thay vào đó, những trải nghiệm tuyệt vời từ giai đoạn “mới yêu” đã giúp họ bình tĩnh và đón nhận nó một cách dễ dàng. Ngoài ra, sự trợ giúp của những chất hóa học trong não bộ cũng góp phần khiến cuộc hôn nhân bền vững hơn - đó là dopamine, oxytocin và vasopressin.
Oxytocin là hormone được tiết ra ở vùng dưới đồi, dự trữ ở thùy sau của tuyến yên. Chất "keo hóa học" này có tác dụng duy trì sự bền vững cuộc sống hôn nhân và tình cảm bằng cách khiến đàn ông luôn lảng tránh đối tượng là phụ nữ hấp dẫn.
Cùng với đó, dopamine được coi là "hóa chất" hạnh phúc, tiết ra từ một trong các vùng nguyên sơ nhất của não, ở đỉnh thân não. Trong não bộ, chất dopamine rất hiếm, nó là chất dẫn truyền thần kinh của khoảng 0,3% số neuron trong não, giúp chúng ta trải nghiệm sự vui thú, khát khao, tình trạng "phởn phơ", ham muốn và khoái lạc.
Chất vasopressin được biết đến như một hóa chất chung thủy. Tuy nhiên, chất hóa học "một vợ một chồng" này không xuất hiện ở người và nó chỉ tồn tại ở 3% số loài động vật có vú mà thôi.
Dù vậy, với các nhà khoa học, chính việc phát hiện ra những hóa chất trong não bộ sẽ giúp họ mở ra hướng nghiên cứu mới nhằm cải thiện chất lượng đời sống hôn nhân trong xã hội.
Theo PLXH