Một trong những bí ẩn ở bảo tàng là bộ xương khổng lồ, hiện diện từ năm 1877, cho đến nay vẫn chưa ai biết rõ danh tính.
Bộ sưu tập ám ảnh
Là một bộ phận của trường y khoa lâu đời nhất ở Mỹ - Cao đẳng Y học Philadelphia, Bảo tàng Mutter mở cửa lần đầu tiên vào năm 1849, sở hữu nhiều mẫu vật, mô hình, các thiết bị y tế cổ xưa không ai ngờ đến và một bộ sưu tập lớn các quyển sách mang tên “Thư viện Y học Lịch sử”.
Phần lớn trong hơn 20.000 mẫu vật trưng bày ở đây đầy vẻ ghê rợn và gây ám ảnh, nhưng lại hấp dẫn, lôi cuốn người xem vì sự bí ẩn của chúng.
Bảo tàng tự hào có hơn 3.000 mẫu vật xương, bao gồm khung xương và hộp sọ, 1.500 mẫu vật gần như thuộc mọi bộ phận của cơ thể và các loại u nang hoặc khối u hết sức kỳ quặc.
Thu hút nhiều khách tham quan là nơi trưng bày các lát cắt não của Albert Einstein; gan và thân mình bằng thạch cao của cặp song sinh dính liền người Thái Lan nổi tiếng, Chang và Eng Bunker; một khối u ác tính được cắt ra khỏi vòm miệng của Tổng thống Grover Cleveland; một mẫu mô lồng ngực của John Wilkes Booth, kẻ ám sát Tổng thống Abraham Lincoln; một đoạn não của Charles J. Guiteau, kẻ ám sát Tổng thống James A. Garfield; và xác của “Quý bà xà phòng”, với lớp chất béo phủ khắp cơ thể, khiến bà trông như được làm bằng xà phòng.
Ngoài ra, còn có một đại tràng khổng lồ của một người nặng 18 kg, vị trí rộng nhất có đường kính 76cm, sản phẩm từ bệnh Hirschsprung; một bức tường được trang trí bằng 40 nhãn cầu bị bệnh và bị chấn thương; một bức tường khác với những hộp sọ dị dạng, biến dạng, hay còn gọi là “Bộ sưu tập sọ Hyrtl”; bào thai người hai đầu ở các giai đoạn phát triển khác nhau; và một bộ sưu tập sách được đóng bìa bằng da người…
Bộ xương bí ẩn
Một trong những bí ẩn lớn nhất ở bảo tàng có lẽ thuộc về các bộ xương. Ngoài những khung xương của người lùn, quái vật dị dạng, còn có một mẫu vật với tên gọi là “Người khổng lồ Mỹ”, được đặt có dụng ý giữa bộ xương người với kích thước bình thường và bộ xương của một người lùn.
Đây là bộ xương cao nhất, 2,28m, thuộc về một cá nhân được trưng bày ở Bắc Mỹ. Nếu cột sống không có độ cong bất thường thì chiều cao thực tế của người này sẽ còn hơn thế nữa. Đó thực sự là một mẫu vật ấn tượng, nhưng câu chuyện về sự xuất hiện và danh tính thực sự của bộ xương vẫn còn trong màn bí ẩn.
Vào năm 1877, một Giáo sư tên là AE Foot tiếp cận bảo tàng và cho biết có bộ xương người khổng lồ đang được rao bán ở Kentucky. Thông tin này đã thu hút sự quan tâm của GS Joseph Leidy, người muốn mua nó cho bảo tàng.
Thật kỳ lạ, Foot đặt điều kiện, để việc mua bán suôn sẻ, bên mua không được đặt câu hỏi về nguồn gốc bộ xương hoặc vì sao nó được đem ra bán.
Những điều này nghe có vẻ mờ ám, nhưng Leidy muốn có nó, cần nó, phải có nó, vì vậy ông đồng ý và xúc tiến thương vụ này. Thế là “Người khổng lồ Mỹ” đã đến Bảo tàng Mutter khiến mọi người trầm trồ và kinh ngạc cho đến nay.
Đi tìm sự thật
Một giả thuyết cho rằng, đây là hài cốt của một người đàn ông tên James Toller ở Huntington, Anh. Còn được gọi là “Người khổng lồ Enyesbury”, Toller cao 2,47m và chết ở tuổi 23.
Người ta đồn rằng, anh được chôn cất dưới một nhà thờ và khi nhà thờ được tu sửa vào những năm 1870, một người nào đó đã đánh cắp xác và mang sang Mỹ bán.
Vào thời điểm đó, trộm mộ là một nghề béo bở, xác chết được đào lên thường đem bán cho các cơ sở y tế mà không bị hỏi han gì. Vấn đề là Toller cao hơn nhiều so với “Người khổng lồ Mỹ” nên giả thuyết này khó đứng vững.
Theo một giả thuyết khác, bộ xương khổng lồ là của một thanh niên tên là John M. Baker ở hạt Caldwell, Kentucky, chết năm 1861 khi mới 20 tuổi. Anh là người cùng bang nơi bộ xương được rao bán, chiều cao cũng ước tính khoảng 2,28m nên được cho là chủ nhân của bộ xương gây tranh cãi trên.
Có người còn cho đó là một tù nhân có vóc dáng to lớn bất thường ở hạt East Bethany-Genesee, bang New York, được gọi đơn giản là “Roy”. Nếu anh ta chết trong khi bị giam giữ thì có thể là đối tượng mà bọn bất chính muốn kiếm tiền từ khung xương khổng lồ của anh.
Vấn đề là, không ai chắc chắn Roy thực sự cao bao nhiêu, và có ý kiến cho rằng, anh ta có thể chết sau khi bộ xương “Người khổng lồ Mỹ” đã trở thành sở hữu của viện bảo tàng.
“Người khổng lồ Mỹ” cũng có thể là một người quá khổ chưa được biết đến, nhưng với những người có kích thước như thế này thường nổi tiếng và khó có thể sống ẩn danh hoàn toàn.
Việc kiểm tra chéo những người khổng lồ đã chết trong một khoảng thời gian xác định là một vấn đề không khó, nhưng đã hơn một thế kỷ, vẫn không ai biết “Người khổng lồ Mỹ” của Bảo tàng Mutter là ai. Bí ẩn vẫn còn là bí ẩn.