Nhật báo nổi tiếng Die Welt của Đức dẫn lời một quan chức giấu tên trong lực lượng không quân Đức mới đây tiết lộ, toàn bộ tên lửa Taurus - vũ khí hành trình tầm xa có độ chính xác cao - sẽ được kiểm tra, nâng cấp, chuyển từ giai đoạn bảo quản sang trạng thái giao chiến tích cực.
Dựa trên dữ liệu có sẵn, quân đội Đức (Bundeswehr) hiện sở hữu khoảng 600 loại vũ khí có độ chính xác cao, mặc dù số lượng chính xác vẫn được cho là “tuyệt mật”.
Một nửa trong số chúng đã sẵn sàng chiến đấu
Giấy chứng nhận đã được cấp cách đây 5 năm đối với một nửa số vũ khí này, do đó chúng đã được chuẩn bị đầy đủ cho chiến đấu.
Nửa còn lại chưa trải qua bất kỳ cập nhật nào gần đây, khiến chúng cần được kiểm tra và nâng cao sơ bộ.
Được biết, các kỹ thuật viên quân sự đang tiến hành kiểm tra toàn diện tất cả các tên lửa và phân loại chúng. Loại đầu tiên bao gồm các tên lửa cần phải làm lại đáng kể, trong khi loại thứ hai bao gồm những tên lửa chỉ cần bảo trì.
Sau khi quá trình này hoàn tất, Berlin có thể xem xét khả năng chuyển tên lửa trực tiếp tới Kiev hoặc gián tiếp qua London, sau đó sẽ chuyển chúng cho quân đội Ukraine. Tuy nhiên, kịch bản này có vẻ hơi xa vời khi Thủ tướng Đức trước đó đã từ chối giao tên lửa Taurus cho Ukraine.
Tên lửa Taurus KEPD 350
Taurus KEPD 350 là tên lửa hành trình không đối đất do liên doanh giữa MBDA Deutschland của Đức và Saab Dynamics của Thụy Điển hợp tác phát triển.
Chúng được thiết kế để sử dụng trong các cuộc tấn công cực kỳ chính xác, nhằm vào các mục tiêu được phòng thủ tốt và mục tiêu ngầm dưới lòng đất như boongke chỉ huy, đơn vị radar và lực lượng dã chiến.
Các đặc điểm nổi bật của Taurus KEPD 350 bao gồm khả năng tàng hình, khả năng sống sót cao và độ chính xác.
Để chống gây nhiễu, tên lửa được trang bị các biện pháp đối phó điện tử tiên tiến. Ngoài ra, nó còn tự hào có tầm tấn công ấn tượng lên tới 500 km, cho phép máy bay phóng nó trong khi vẫn thoải mái ở ngoài bán kính phòng không của đối phương.
Tên lửa Taurus có sức công phá cao sử dụng hệ thống đầu đạn hai giai đoạn. Ban đầu, giai đoạn xuyên thấu được triển khai để chọc thủng các cấu trúc cứng cáp, sau đó quả bom sẽ phát nổ bên trong. Đầu đạn được trang bị khoảng 481 kg thuốc nổ.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, các nước phương Tây đã cung cấp cho Kiev các loại hệ thống vũ khí khác nhau, bao gồm tên lửa phòng không, hệ thống phóng rocket đa nòng, xe tăng, pháo tự hành và súng phòng không.
Từ lâu, Ukraine đã yêu cầu các đồng minh phương Tây viện trợ cho nước này các loại tên lửa tấn công tầm xa có thể đánh vào vùng hậu cần của Nga, nằm cách xa chiến tuyến.
Mặc dù Pháp và Anh đã cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev, song đến nay Đức vẫn chưa đưa ra quyết định tương tự.