Bệnh nhân suýt chết vì vỡ động mạch nhưng “cố thủ” ở nhà

Nam bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, vùng dưới rốn có túi phình lớn đập theo nhịp mạch. Tiến hành mổ cấp cứu, bác sĩ phát hiện, động mạch chậu của bệnh nhân bị vỡ tạo thành ổ nhiễm trùng chứa đầy máu mủ.

Bệnh nhân suýt chết vì vỡ động mạch nhưng “cố thủ” ở nhà

Ngày 26/4, BS. Lê Thanh Phong, Trưởng đơn vị Phẫu thuật Mạch máu bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, tại đây vừa thực hiện cuộc phẫu thuật khẩn cấp, cứu sống bệnh nhân bị vỡ động mạch chậu trong tình trạng rất nguy nan.

Ông Vĩnh được các bác sĩ cứu sống khi sinh mạng đã tựa ngàn cân treo sợi tóc
Ông Vĩnh được các bác sĩ cứu sống khi sinh mạng đã tựa "ngàn cân treo sợi tóc"

Tối 18/4, ông Phí Quang Vĩnh (55 tuổi, ngụ tại Bình Phước) được chuyển tới khoa cấp cứu của bệnh viện trong tình trạng da niêm nhợt nhạt, đau bụng dữ dội. Qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân xuất hiện một túi phình lớn bất thường đập theo nhịp mạch ở vùng bụng dưới rốn.

Khai thác bệnh sử ghi nhận, trước đó 2 tuần ông Vĩnh đi xe gắn máy gặp tai nạn bị gãy xương đòn phải. Ông đã được phẫu thuật kết hợp xương đòn tại một bệnh viện trên địa bàn TPHCM. Sau mổ, tình trạng sức khỏe ổn định nên bệnh nhân được xuất viện về nhà. Tuy nhiên 5 ngày sau, ông Vĩnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau vùng bụng dưới, sốt cao. 

Nhưng vì không muốn đến bệnh viện, ông đã nhờ người thân mua thuốc, tự điều trị tại nhà. Đến khi khối phình ở vùng dưới rốn xuất hiện và ngày càng lớn hơn gây đau bụng dữ dội, ông Vĩnh mới đồng ý đến bệnh viện.

Sau hội chẩn, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị vỡ phình động mạch chậu do nhiễm trùng nên chỉ định mổ khẩn cấp. Trong quá trình phẫu thuật, ê kíp phát hiện vùng bụng dưới của bệnh nhân có một khối lớn chứa máu và mủ thối. Động mạch chậu bị vỡ, không còn thành mạch.

 Máu chảy ra từ động mạch vỡ được các mô xung quanh và các quai ruột bao bọc thành một khối, xen lẫn với dịch mủ và các mô viêm hoại tử. Các động mạch lớn khác quanh vùng nhiễm trùng cũng trong tình trạng viêm dày, xơ cứng, dính chặt vào mô xung quanh.

Sau 5 giờ phẫu thuật, cầm máu thành công, làm sạch ổ nhiễm trùng, bác sĩ đã lấy một đoạn từ động mạch chậu trong, tạo mạch máu mới thay thế đoạn động mạch đã bị hoại tử của người bệnh.

Hơn 1 tuần sau cuộc mổ, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đang dần bình phục.

Bệnh nhân đang được chăm sóc hậu phẫu tại bệnh viện Đại học Y Dược
Bệnh nhân đang được chăm sóc hậu phẫu tại bệnh viện Đại học Y Dược

Phân tích của BS Lê Thanh Phong cho thấy, bệnh nhân bị vỡ túi phình động mạch là do vi khuẩn tấn công, vi khuẩn tiết ra men phá hủy thành mạch, gây xuất huyết ồ ạt. Với những bệnh nhân chỉ bị vỡ túi phình động mạch, nguy cơ mất máu tử vong đã lên tới 90% nhưng bệnh nhân bị vi khuẩn tấn công gây nhiễm trùng, hoại tử nguy cơ tử vong còn lớn hơn.

Theo Y văn, có 2 giả thuyết về phình mạch máu do nhiễm trùng. Thứ nhất, vi khuẩn từ các ổ nhiễm trùng khác trong cơ thể, đi vào máu hay qua các mô lân cận để đến túi phình động mạch có sẵn, tiết ra men làm phân hủy thành động mạch và gây vỡ mạch. 

Thứ hai, vi khuẩn bám vào thành mạch bình thường, tiết ra men làm cho thành mạch trở nên yếu đi, phình to ra, đến một mức độ nào đó sẽ bị vỡ khiến bệnh nhân tử vong.

Thông thường, đối với các trường hợp vỡ phình động mạch chủ bụng - chậu, bác sĩ thường cầm máu và thay thế đoạn động mạch bị vỡ bằng một ống ghép mạch máu nhân tạo có kích thước tương xứng hoặc đặt stent che kín chỗ vỡ từ bên trong lòng động mạch. 

Tuy nhiên, đối với phình do nhiễm khuẩn, các phương pháp này không phù hợp vì nguy cơ nhiễm trùng ống ghép cao, có thể gây tử vong cho bệnh nhân sau mổ. Do đó, bác sĩ phải sử dụng mạch máu tự thân phù hợp, ghép mạch để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.

Phình động mạch nói chung, đặc biệt là phình động mạch chủ bụng - chậu không do nhiễm trùng là bệnh hay gặp ở người lớn tuổi, nhưng phình động mạch do vi khuẩn tấn công rất ít gặp. 

Bệnh phình động mạch chủ bụng - chậu thường được phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng khi bệnh nhân khám sức khỏe định kỳ hoặc khám tầm soát bệnh. Trường hợp khối phình đã lớn, bệnh nhân có thể sờ thấy và cảm nhận được nhịp mạch của cơ thể. Người bệnh gặp tình trạng trên nên đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời.

Theo dantri

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.