Theo số liệu từ Bộ Y tế, tại Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong về bệnh tật. Đáng lo ngại, những căn bệnh này ngày càng phổ biến ở người trẻ tuổi.
Những con số “biết nói”
Chia sẻ tại buổi tổng kết “Hành trình thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” và chương trình Careme 2024, cùng tọa đàm về “Gánh nặng bệnh mạn tính và tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh”, được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức ngày 13/11, anh Nguyễn Hữu Tú - Phó ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, xu hướng trẻ hóa của các bệnh mạn tính đang trở thành mối lo ngại lớn cho sức khỏe cộng đồng.
Trước đây, các bệnh như đột quỵ, cao huyết áp, đái tháo đường và suy thận thường xuất hiện chủ yếu ở người cao tuổi. Tuy nhiên, những bệnh này ngày càng phổ biến ở người trẻ tuổi. Cụ thể, về đột quỵ, theo thống kê của Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, có đến 10% người bị đột quỵ thuộc độ tuổi 18 - 35. Tỷ lệ người trẻ dưới 35 tuổi mắc cao huyết áp đang gia tăng, chiếm khoảng 5 - 12%.
Bệnh đái tháo đường type 2 thường gặp ở người từ 45 - 65 tuổi, nhưng hiện nay, nhiều trường hợp dưới 20 tuổi đã được chẩn đoán mắc bệnh này. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị suy thận, trong đó có nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi.
Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hơn 350 nghìn ca tử vong do bệnh không lây nhiễm, dẫn đầu là bệnh tim mạch chiếm khoảng 70 nghìn ca, ung thư 66 nghìn ca và đái tháo đường 13 nghìn ca. Đáng chú ý, khoảng 41,5% số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm xảy ra trước tuổi 70, điều này dẫn đến những tổn thất lớn cho nền kinh tế của xã hội.
Theo các chuyên gia y tế, những yếu tố nguy cơ chính góp phần gia tăng bệnh không lây nhiễm bao gồm: Hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn uống không lành mạnh và thiếu hoạt động thể chất. Ước tính, mỗi năm chi phí liên quan đến hút thuốc lá tại Việt Nam là 1,08 tỷ USD, bao gồm chi phí chăm sóc sức khỏe và mất năng suất lao động.
Theo số liệu của Bộ Y tế, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13 - 15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể. Năm 2022 tỷ lệ là 3,5%, đến năm 2023 đã tăng lên 8,0%.
Tại Việt Nam, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy: Chỉ tính riêng năm 2023, đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Các bệnh nhân khi nhập viện có các triệu chứng như dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.
Nghiên cứu mới của Trường Đại học Y tế công cộng được hỗ trợ bởi Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và Tổ chức Y tế Cộng đồng toàn cầu Vital Strategies (nghiên cứu trong giai đoạn tháng 10 - 12/2023, trên 3.801 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại 11 tỉnh, thành ở Việt Nam) mới công bố cho thấy, có 96,2% và 37,8% học sinh nhận thức được sự tồn tại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Trong đó 14% đã từng sử dụng thử thuốc lá điện tử và 7% hiện đang sử dụng trong 30 ngày qua. Tỷ lệ này đối với thuốc lá nung nóng là 1,8% đã từng sử dụng và 1,0% hiện đang sử dụng.
“Mức độ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong giới trẻ Việt Nam đang ở mức cao, đặc biệt khi so sánh với các chỉ số về sử dụng thuốc lá truyền thống”, anh Nguyễn Hữu Tú khẳng định.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ đồ uống có đường quá nhiều cũng là một trong những thói quen không tốt gây ảnh hưởng tới sức khoẻ. Theo Bộ Y tế, từ năm 2002 đến 2018, lượng tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã tăng từ 6,6 lít/người/năm lên 50,7 lít/người/năm, tức tăng gấp 7 lần trong 15 năm. Ngoài ra, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á về tiêu thụ trà sữa, với quy mô thị trường đạt khoảng 362 triệu USD.
Đề xuất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Từ thực trạng trên, tại buổi tọa đàm, đại diện ngành y tế, các bệnh viện và cơ sở y tế đã đưa ra đề nghị Quốc hội kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi việc sử dụng trở nên phổ biến hơn. Đề xuất bao gồm cấm sử dụng, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Đồng thời, ngành y tế đề xuất áp thuế 40% với các mặt hàng đồ uống có hàm lượng đường cao. Nếu áp dụng mức thuế trên, thu ngân sách là khoảng 17.400 tỷ đồng. “Mức 10% chỉ làm tăng 5% giá bán lẻ, chưa đủ để tác động làm thay đổi hành vi tiêu dung. Ví dụ sản phẩm nước giải khát đang có giá 10.000 đồng/1 chai, giá bán là 10.500 đồng/1 chai sau khi áp thuế 10%”, bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chia sẻ.
Nếu áp dụng mức thuế trên, thu ngân sách là khoảng 17,4 nghìn tỷ đồng. Giải pháp này sẽ góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng, tăng thu cho ngân sách, giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe với các bệnh có liên quan, giảm tổn thất năng suất lao động về dài hạn.
Để giảm thiểu gánh nặng về bệnh không lây nhiễm, Việt Nam đã triển khai nhiều chiến lược như tăng cường hệ thống y tế, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý và điều trị bệnh tại tuyến cơ sở, cũng như nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ và phát hiện sớm vẫn là thách thức lớn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan y tế, cộng đồng và cá nhân.