Tôi hốt hoảng: "Chết! Thế ông đi khám tổng thể chưa? Mệt mỏi cũng là biểu hiện tiềm ẩn của bệnh ung thư nhưng thường bị bỏ qua. Sự mệt mỏi do ung thư rất vô cớ và thường khác với sự mệt mỏi do làm việc vất vả. Mệt mỏi do ung thư rất bải oải và người bệnh không cảm thấy đỡ dù đã nghỉ ngơi. Đây có thể là dấu hiệu của một vài loại ung thư bao gồm: ung thư máu, ung thư ruột kết, ung thư dạ dày...".
Nghe tôi "bắt bệnh", Quyết xua tay: "Thôi thôi ông ơi, bệnh của tôi không nhẹ thế đâu". Tôi kinh ngạc: "Ung thư mà ông bảo là bệnh nhẹ á? Tôi đến chịu ông". "Tôi nghĩ bệnh của tôi còn nặng hơn". Nghe Quyết kết luận, tôi không chịu nổi, đứng bật dậy: "Tôi hỏi thật, ông đi khám chưa?". Quyết lí nhí: "Tôi... chưa, vì thật ra bệnh của tôi chả biết nên đi khám ở đâu. Tôi không bị sốt nhưng khó tiêu và khó nuốt thức ăn lắm".
Tôi phỏng đoán: "Đây có thể là dấu hiệu của ung thư đường tiêu hóa, mà dễ gặp nhất là ung thư thực quản. Triệu chứng khó tiêu diễn ra một thời gian dài không khắc phục được cũng có thể là dấu hiệu ung thư vòm họng hoặc dạ dày". Quyết lắc đầu: "Đã bảo bệnh tôi không nhẹ như thế đâu mà. Ngoài khó tiêu và khó nuốt thức ăn, tôi còn bị đầy hơi nữa cơ".
Tôi lắc đầu: "Thôi xong rồi, đầy hơi là hiện tượng xảy ra khi bị khó tiêu, giữ nước... Tôi khuyên chân thành, ông nên đi khám, đó có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng. Đây là loại ung thư rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm". Quyết nổi khùng: "Ông hâm à? Sao lại ung thư buồng trứng? Tôi là đàn ông cơ mà".
Tôi gãi đầu: "Ờ nhờ, tôi quên, khổ lắm. Tóm lại là ông nên khám tổng thể đi, tôi chỉ đoán mò theo những gì tôi tìm hiểu trên mạng thôi mà. Tôi bảo này, tôi có ông chú siêu lắm, chú tôi về hưu và mở phòng khám riêng, mỗi ngày khách đến xếp hàng dài chờ khám nên chú tôi rất bận. Nhưng nếu ông muốn, tôi sẽ nói chuyện với chú để chú tạo điều kiện cho ông được khám sớm chứ xếp hàng chờ thì không biết bao giờ mới đến lượt".
Biểu cảm của Quyết có vẻ bớt căng thẳng: "Chú của ông siêu đến cỡ nào?". Tôi vênh mặt tự hào: "Ối giời! Danh xưng bác sĩ không xứng với chú tôi tí nào, phải gọi chú là thần y mới đúng. Chú tôi chữa bệnh thành thần, có người bị trọng bệnh ở giai đoạn cuối, thế mà chú vẫn chữa khỏi, giờ khỏe mạnh bình thường".
Nghe tôi khẳng định chắc nịch, mắt Quyết lúc này hấp háy hy vọng: "Có thật bệnh gì chú ông cũng xử lý được không?". "Đã bảo chú tôi là thần y cơ mà, chú không chỉ đoán bệnh rất chuẩn mà còn kê ngay ra được đơn thuốc để chữa trị dứt điểm".
Quyết đồng ý đến chỗ chú tôi khám, tôi sốt sắng gọi cho chú: "A lô, chú đấy ạ?". Đầu dây bên kia: "Không, là cô đây, chú đang bận khám cho bệnh nhân, đông lắm cháu ạ. Có gì cháu cứ nói, cô sẽ nhắn lại". Tôi trình bày sự việc cho cô, nhờ cô chú linh động cho bạn tôi đến khám mà không cần xếp hàng. Cô đồng ý rồi cúp máy. Tôi lại gọi cho Quyết thông báo tình hình để bạn yên tâm.
Hôm sau tôi thắc thỏm chờ cuộc gọi của Quyết, chỉ mong bạn thông báo tin lành. Nhưng chờ mãi không thấy Quyết gọi, tôi sốt ruột định bấm số của bạn thì thấy chú tôi gọi đến. Tôi vội vàng nghe: "Chú ạ? Có chuyện gì thế chú? Hôm nay bạn cháu đến khám chưa ạ? Cậu ấy không làm sao chứ?".
Giọng chú tôi vô cùng bức xúc: "Mày biết mỗi ngày chú bận khám cho bao nhiêu bệnh nhân không?". Tôi rối rít: "Dạ, cháu biết chứ ạ?". "Thế sao mày còn bảo thằng bạn rỗi hơi đến làm phiền chú? Sáng sớm tự dưng nó đến hỏi chú có thuốc nào uống vào để kiếm được nhiều tiền không? Chú bó tay với bạn của mày rồi đấy!".