Bệnh dịch mùa lễ hội: Cẩn thận không thừa

GD&TĐ - Dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, thời tiết vào mùa đông - xuân nên nhiệt độ liên tục thay đổi, tạo môi trường thuận lợi khiến cho các loại vi khuẩn, virus phát triển mạnh. Các bệnh truyền nhiễm có cơ hội lây lan, thế nên mỗi người dân phải chủ động có biện pháp phòng, tránh dịch để bảo vệ sức khỏe của mình.

Các bệnh truyền nhiễm có cơ hội lây lan trong mùa lễ hội
Các bệnh truyền nhiễm có cơ hội lây lan trong mùa lễ hội

Chủng cúm độc lực cao vẫn rình rập

 Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tháng cuối năm 2018, tình hình dịch bệnh trên thế giới có những diễn biến phức tạp. Dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi MERS-CoV (hội chứng viêm đường hô hấp) tiếp tục ghi nhận tại khu vực Trung Đông. Bệnh sởi cũng xảy ra tại nhiều quốc gia khu vực châu Âu - nơi có một số nước đã công bố loại trừ bệnh này. Còn tại Việt Nam, một số bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn có số ca mắc cao hoặc gia tăng cục bộ tại các địa phương.

Chia sẻ những lo ngại về nguy cơ dịch cúm gia cầm xuất hiện trong mùa đông - xuân năm nay, ông Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng) cho biết: Các chủng virus cúm gia cầm độc lực cao đang lưu hành ở một số quốc gia trong khu vực hiện nay, chủ yếu là cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, cúm A/H7N9, cúm A/H10N8, cúm A/H5N6.

Các chủng virus cúm này đều có thể xâm nhập, lây nhiễm trên các đàn gia cầm ở nước ta và gây bệnh cho người, nhất là trong dịp Tết và mùa lễ hội. Nếu chúng ta không kiểm soát tốt được dịch bệnh trên gia cầm sẽ làm tăng nguy cơ gây bệnh sang người. Những người mắc bệnh này có biểu hiện ho sốt, mệt mỏi, đau họng, đau người. Bệnh thường có diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong. Nguy hiểm hơn là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh cho người.

Cảnh báo về điều này, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu chỉ rõ: “Khi nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, đặc biệt sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn sẽ làm cho cơ thể con người tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm. Những người sức khỏe yếu, trẻ em hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh. Với những người mắc bệnh mạn tính thì đây cũng là thời gian để bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng nhất là với người già và trẻ nhỏ. Hơn nữa, sự gia tăng việc sử dụng thực thẩm, giao lưu đi lại của người dân trong dịp Tết và mùa lễ hội sắp tới cũng làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp, đường tiêu hóa.

Để phòng tránh bệnh cúm gia cầm độc lực cao, người dân không ăn tiết canh, không ăn gia cầm và sản phẩm từ gia cầm đã không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín; Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết không rõ nguồn gốc… Đặc biệt khi có các biểu hiện sốt, ho, đau ngực, khó thở và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm thì phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Sẽ mắc sởi nếu không tiêm chủng

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, năm 2018 cả nước có 9.741 trường hợp phát ban nghi sởi, trong đó có 1.963 trường hợp dương tính với bệnh sởi, số ca mắc sởi năm 2018 cao hơn 20 lần so với năm 2017. Điều đáng lo ngại, trong số các ca mắc sởi năm 2018 có tới hơn 50% là do không tiêm vắc xin phòng bệnh, 40% ca mắc không nhớ đã tiêm và tiêm đầy đủ chưa (chỉ có 10% được tiêm đầy đủ). Các ca mắc bệnh chủ yếu tập trung ở miền Bắc và miền Nam, và đa số các ca mắc tăng nhanh vào cuối mùa thu. Bệnh sởi gắp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, thường gặp nhiều nhất là ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Ngoài bệnh sởi và bệnh cúm gia cầm độc lực cao, Cục Y tế dự phòng cũng cảnh báo nguy cơ về các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm không đạt vệ sinh. Thời điểm Tết, thói quen sinh hoạt, ăn uống của nhiều người dân thường bị đảo lộn. Việc ăn uống quá thừa, hoặc quá thiếu đều khiến cho bộ máy tiêu hóa bị ảnh hưởng. Thậm chí, một số người sử dụng phải các thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh nên dễ dẫn đến mắc các bệnh về đường tiêu hóa.

“Sởi là bệnh lành tính, khi mắc sởi, triệu chứng không nặng nhưng bệnh dễ bị biến chứng do sức đề kháng kém và dễ mắc kèm các bệnh khác như viêm phổi, viêm đường hô hấp… Vì vậy, cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch để tạo miễn dịch từ tiêm chủng.

Đặc biệt đối với vắc xin phòng bệnh sởi, nếu tiêm đúng, đủ mũi, sẽ có khả năng miễn dịch với bệnh sởi suốt đời, tỷ lệ đảm bảo miễn dịch của vắc xin phòng bệnh sởi khoảng trên 90% (tỉ lệ miễn dịch lớn nhất hiện nay). Lịch tiêm chủng vắc xin sởi ở trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng bao gồm: Tiêm mũi 1 khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 (mũi sởi - rubella) khi trẻ 18 tháng tuổi. Mong muốn của chúng tôi là những ai chưa tiêm sởi cần phải tiêm ngay. Đặc biệt các bà mẹ chuẩn bị sinh thì phải tiêm sởi và rubella để phòng hai bệnh này. Tuy nhiên vừa qua vẫn có những trường hợp cả mẹ và con cùng mắc sởi”, ông Trần Đắc Phu cho biết.

Dịch sởi tăng hơn nhiều lần so với năm 2017, tuy nhiên số lượng các ca sởi không quá nhiều. Song điều đáng chú ý là không chỉ trẻ em mà người lớn cũng mắc. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do bệnh sởi thường gia tăng theo chu kỳ từ 4 đến 5 năm một lần. Nếu thực hiện tiêm chủng đạt từ 90% đến 95% thì mỗi năm vẫn còn từ 5 đến 10% không tiêm chủng. Điều này cũng ảnh hưởng tới vấn đề bùng phát dịch. Những đối tượng mắc sởi phần lớn là do chưa tiêm chủng. Đặc trưng của bệnh sởi là rất dễ lây, nhưng ai đã tiêm chủng hoặc đã mắc sởi một lần thì không bị lây nữa. Khi một người đã nhiễm sởi thì 100% là có các triệu chứng của bệnh lý và như vậy rất dễ bùng phát thành dịch thậm chí có thể bùng phát rất mạnh.

Để phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội 2019, Bộ Y tế đã ra những khuyến cáo: Người dân cần phải tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: Sởi, rubella, ho gà…); Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh hô hấp, sởi, rubella… Hạn chế đến những chỗ đông người; Ăn uống đủ chất, bảo đảm dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng; Bảo đảm vệ sinh môi trường, gia đình, giữ ấm nhà cửa; Khi có các dấu hiệu nghi bị truyền nhiễm cần thông báo ngay cho các cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử lý kịp thời.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ