Bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan ở những quốc gia nào?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết tại Hội nghị tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ.

Bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan ở những quốc gia nào?

Tại Hội nghị tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ tổ chức ngày 1/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, thời gian gần đây, bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan ra 79 quốc gia và làm lây nhiễm cho hơn 22.400 người, tử vong 5 ca.

Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố đậu mùa khỉ trong tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng toàn cầu và kêu gọi các quốc gia khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.

Hiện, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp ca bệnh xâm nhập. Tuy nhiên, một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã ghi nhận ca nhiễm nên nguy cơ bệnh lây lan vào Việt Nam chỉ trong ngày một ngày hai, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo tập huấn. Ảnh: SYT.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo tập huấn. Ảnh: SYT.

Thứ trưởng đề nghị các cơ sở y tế chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác phòng chống dịch, bao gồm phát hiện sớm dựa trên lâm sàng, tìm nguồn cung cấp xét nghiệm chẩn đoán để chủ động phát hiện sớm ca bệnh xâm nhập, cách ly và điều trị kịp thời; tiếp tục tổ chức tập huấn đến các cơ sở khám, chữa bệnh, từ bệnh viện các tuyến và trạm y tế cấp xã để sớm phát hiện ca bệnh.

Đồng thời, truyền thông để người dân biết các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, kịp thời đến cơ sở khám, chữa bệnh để thăm khám, cách ly, điều trị.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần triển khai việc sàng lọc, phát hiện sớm ca bệnh để cách ly, điều trị. Có phương án chuẩn bị cơ sở thu dung, cách ly, điều trị trong trường hợp dịch bùng phát.

"Trước diễn biến dịch trên thế giới, chúng ta không hoang mang nhưng cũng không chủ quan trước dịch đậu mùa khỉ. Vì vậy, tôi đề nghị các đơn vị tiếp tục chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với dịch", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế tạm thời phân tuyến y tế xã, phường, quận, huyện phát hiện các trường hợp nghi ngờ trong cộng đồng và ca bệnh khi đến khám; quản lý ca bệnh không triệu chứng, ca bệnh nhẹ; cách ly tạm thời, hội chẩn với bệnh viện tuyến trên để điều trị tại chỗ và chuyển bệnh viện tuyến trên khi có dấu hiệu nặng; phối hợp với cơ quan y tế dự phòng, truyền thông và bệnh viện tuyến trên trong công tác giám sát, truyền thông và điều trị.

Đối với cơ sở y tế tuyến tỉnh, Trung ương, tăng cường cảnh giác phát hiện các trường hợp nghi ngờ đến khám tại bệnh viện; điều trị hoặc phối hợp với các cơ sở y tế tuyến dưới trong việc điều trị những ca đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam; tổ chức tập huấn cho các cơ sở khám chữa bệnh; kiểm tra, hướng dẫn và hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới công tác điều trị; nghiên cứu lâm sàng các ca bệnh đậu mùa khỉ khi xâm nhập.

Bộ Y tế cũng hướng dẫn các dấu hiệu để chuyển viện cho bệnh nhân kịp thời. Cụ thể, các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cần theo dõi, xem xét chuyển tuyến điều trị như: Giảm thị lực, giảm ý thức, hôn mê, co giật, suy hô hấp, chảy máu, giảm số lượng nước tiểu, các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?