Bến quê – Nơi “neo đậu” vẻ đẹp đích thực

Bến quê – Nơi “neo đậu” vẻ đẹp đích thực

Bất chợt nhận ra...

Câu chuyện kể về nhân vật Nhĩ, một người đã đi cùng trời cuối đất để tìm cái đẹp ở những nơi vốn dĩ xa lạ. Cuối đời, do bệnh tật, phải buộc chặt cơ thể với giường bệnh, trở về căn nhà của mình, Nhĩ khi ấy mới nhận ra những vẻ đẹp đời thường mà cả đời anh có lẽ chưa nhận ra được. Phút giây Nhĩ nhận ra vẻ đẹp của khung cảnh thiên nhiên, đặc biệt là bãi bồi ven sông cũng là khoảnh khắc chuyển mùa của thiên nhiên. 

Khi đón từng thìa thức ăn, vừa ăn, vừa nghĩ, Nhĩ đã nhận thức được sự thay đổi của thiên nhiên xung quanh không gian ngôi nhà của mình: “Ngoài cửa sổ bấy giờ những bông hoa bằng lăng đã thưa thớt... hoa đã vãn trên cành...”. Và xa xa hơn, trong cái nhìn của Nhĩ như dõi sang phía bên kia của dòng sông Hồng, anh như cảm nhận được không gian nơi bãi bồi đang rộng ra, lộ rõ từng chi tiết, từng gam màu và hút vào tâm hồn anh như lần đầu trông thấy: “...Và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen lẫn màu xanh non - những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ”.

Không gian bãi bồi sông Hồng được Nhĩ quan sát khá kỹ lưỡng, anh nhận thấy cái đẹp đang phô ra trước nhà anh, trước mắt anh, những hình ảnh, màu sắc tươi mới hòa vào tia nắng đang loang trên mặt sông. Trong giây phút ấy, cảm xúc của Nhĩ vừa hướng ngoại nhưng lại vừa hướng nội, anh hướng cái nhìn ra bãi bồi để cảm nhận ở đó bức tranh thiên nhiên đang ngồn ngộn sức sống, Nhĩ hướng vào lòng mình để suy ngẫm chất chứa sự dằn vặt: “Suốt đời Nhĩ từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên Trái đất, đây là một chân trời gần gũi, mà lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến - cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình”. 

Một nghịch lý xuất hiện trong suy nghĩ của Nhĩ rằng, phía trước cửa sổ nhà anh, một bức tranh tuyệt đẹp, một khung cảnh thơ mộng mà cả đời anh không nhận ra. Hôm nay, bức tranh ấy vừa lạ, vừa gần gũi đã tác động đến nhận thức của anh, khiến anh nhận ra vẻ đẹp đích thực, không phải tìm kiếm đâu xa, khiến anh có khao khát được một lần bước sang bãi bồi ấy. 

Càng ngắm nhìn bãi bồi qua cửa sổ, Nhĩ càng cảm thấy ngạc nhiên trước vẻ đẹp của nó: “Trong khi lại nghiêng mặt ra ngoài cửa sổ, anh ngạc nhiên nhận thấy những cánh hoa bằng lăng càng thẫm màu hơn - một màu tím thẫm như bóng tối...”. Tâm hồn Nhĩ càng dậy lên niềm khao khát được đến “cái miền đất mơ ước” ấy khi nhìn thấy cánh buồm trên mặt sông, gần sát cửa sổ nơi anh ngồi: “Con đò ngang mỗi ngày chỉ qua lại một chuyến giữa hai bờ ở một khúc sông Hồng...”.

Điểm tựa gia đình

Trở lại với không gian thực tại, khi mọi thứ trở nên quá khó khăn đối với anh, di chuyển, đau nhức cơ thể, Nhĩ gặp bọn trẻ trong xóm, những đứa trẻ líu ríu giúp anh “đi nốt nửa vòng Trái đất”, chúng giúp anh “đặt một bàn tay lên bậu cửa sổ, kê cao thêm dưới mông anh bằng cả một chiếc chăn...”. Trong khoảnh khắc ấy, anh bỗng “nhận thấy hoàn cảnh của mình thật đáng buồn cười, y như một chú bé mới đẻ đang toét miệng cười với tất cả, tận hưởng sự thích thú được chúng chăm sóc và chơi với”. Nhĩ đã có được niềm vui nhỏ bé từ bọn trẻ trong xóm, anh thấy lòng mình trẻ lại, thấy “càng yêu lũ trẻ trong ngôi nhà mình”. Niềm vui ấy đâu phải tìm kiếm ở một nơi xa lắc nào đó mà nó đã có được ngay trong ngôi nhà của anh, từ những đứa trẻ hàng xóm.

Trong những ngày nằm trên giường bệnh, Nhĩ đã nhận ra hình ảnh người vợ hiền. Liên bấy lâu nay âm thầm chăm sóc anh, không hề kêu ca một câu khi anh bôn ba khắp nơi, khắp chốn. Hình ảnh một cô gái “mặc áo nâu và chít khăn mỏ quạ” vẫn in đậm trong tâm hồn anh ngày đầu cưới Liên về từ một làng bên kia sông. 

Trong Nhĩ lúc này đã có sự suy ngẫm, so sánh để đi đến nhận thức một điểm tương đồng giữa bãi bồi và hình ảnh người vợ: “Tuy vậy, cũng như cảnh bãi bồi đang nằm phơi mình bên kia, tâm hồn Liên vẫn giữ nguyên vẹn những nét tảo tần và chịu đựng hi sinh từ bao đời xưa, và cũng chính nhờ có điều đó mà sau nhiều ngày tháng bôn tẩu, tìm kiếm... Khi Liên “đưa những ngón tay gầy guộc âu yếm”, nhìn Liên mặc tấm áo vá, Nhĩ đã cất lên những lời phân trần đầy ân hận: “Suốt đời anh chỉ làm em khổ tâm... mà em vẫn nín thinh”. Nhĩ đã tìm thấy được nơi nương tựa là gia đình trong những ngày này. Có lẽ đây là sự nhận thức quan trọng nhất của Nhĩ.

 Nếu khi nhận thấy bãi bồi bên kia sông là bức tranh thiên nhiên thân thuộc thì hình ảnh Liên, người vợ tảo tần, chịu thương chịu khó đã khơi dòng cảm xúc cho sự trở về của con người anh. Những bôn tẩu, những khao khát kiếm tìm, những hành trình đâu bằng sự trở về chốn tựa nương vững chắc, chan chứa tình yêu thương, đó là gia đình của anh. Giờ đây, gia đình chính là điểm tựa, là nguồn nâng đỡ anh chống chọi với bệnh tật, giúp anh tìm về những vẻ đẹp đời thường, bình dị mà thiêng liêng, cao quý.

Do không thể đi đò sang bãi bồi để thỏa lòng mong ước, Nhĩ đã nhờ thằng con trai sang đó. Đôi mắt anh dõi theo đứa con đầu đội mũ cói, mặc chiếc sơ mi màu trứng sáo, dõi theo những bước đi “đến hàng cây bằng lăng bên kia đường”. Anh đâu lường được, trên đường đi, do mải chơi, thằng bé “sà vào một đám người chơi phá cờ thế trên hè phố”, đã lỡ chuyến đò trong ngày. Nhĩ nhận thức được cuộc đời con người khó tránh khỏi “những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình...”. 

Trong tâm can Nhĩ có sự tự nhận thức xen lẫn những ân hận đau đớn về những điều mà anh vừa khám phá: “...Và cái điều riêng anh khám phá thấy giống như một niềm mê say pha lẫn với nỗi ân hận đau đớn...”. Hình ảnh bãi bồi, “con đò đã sang quá nửa sông” trở nên ám ảnh tâm hồn Nhĩ, anh đã đặt chân lên bãi bồi bằng sự tưởng tượng. Nhĩ đã có một cuộc trở về, tìm về những vẻ đẹp đích thực, mà có lẽ cả đời anh đi khắp các miền đất xa lạ cũng không tìm thấy được.

Thông qua câu chuyện, nhà văn Nguyễn Minh Châu gửi đến độc giả thông điệp về cuộc sống, con người dù có đi đến chân trời góc bể, có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một nơi để trở về đó là gia đình. Đó là nơi nương tựa ấm áp nhất của cuộc đời mỗi con người. Vẻ đẹp đích thực, bình dị, thân thuộc có ngay trong chính cuộc sống của mỗi con người, hiện hữu ngay trước mắt chúng ta chứ không phải mải miết kiếm tìm ở đâu xa. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.