Bé trai bị tổn thương não sau khi khỏi Covid-19

GD&TĐ - Dù được điều trị ổn định sau mắc Covid-19 có kèm sốc nhiễm trùng, tổn thương gan nặng, nhưng sau đó bé trai 13 tuổi lại xuất hiện hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C), có tổn thương não.

Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết bệnh viện vừa cứu sống trường hợp em T.G.H. (13 tuổi, nam, ở Trà Vinh) mắc Covid-19 cấp tính, sau đó xuất hiện hội chứng viêm đa hệ thống (hội chứng MIS-C), tổn thương não.

Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhi đã mắc bệnh 6 ngày, trong đó, từ ngày 1 đến ngày 4, trẻ sốt nhẹ, ho, đau họng và chuyển sang sốt cao, mệt mỏi, ăn uống kém vào ngày thứ 5, 6. Gia đình đưa em nhập bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc, lừ đừ, mạch 170 lần/phút, huyết áp thấp, vã mồ hôi, thở 50 lần/phút, bụng mềm, xét nghiệm nhanh dương tính với Covid-19.

Các bác sĩ bệnh viện địa phương chẩn đoán bệnh nhi bị sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng, sốc tim, theo dõi viêm cơ tim, mắc Covid-19 cấp tính ngày thứ 6. Tiền căn chưa ghi nhận trẻ mắc bệnh lý gì trước đó.

Dù được cho thở oxy, truyền dịch chống sốc, thuốc vận mạch nhưng tình trạng sức khỏe của em H. chuyển biến nặng nên được chuyển Bệnh viện Nhi đồng thành phố.

Hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) não của bé T.G.H. (13 tuổi) cho thấy tổn thương chất trắng vùng tiểu não hai bên, gây hiện tượng rối loạn phối hợp vận động, loạng choạng... Ảnh: BV.

Hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) não của bé T.G.H. (13 tuổi) cho thấy tổn thương chất trắng vùng tiểu não hai bên, gây hiện tượng rối loạn phối hợp vận động, loạng choạng... Ảnh: BV.

Tại đây, bệnh nhi vẫn lừ đừ, mạch rõ 120 lần/phút, huyết áp 100/60 mmHg, thở co kéo cơ liên sườn 36 lần/phút, phổi thô, bụng mềm. Qua xét nghiệm máu nhận thấy em có tình trạng toan chuyển hóa máu nặng, phản ứng viêm tăng, men gan tăng, xét nghiệm RT-PCR dương tính với Covid-19 ngày thứ 6.

Bệnh nhi được chẩn đoán sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng, tổn thương gan và được điều trị hỗ trợ hô hấp, kháng viêm, kháng virus, kháng sinh, kháng đông, điều chỉnh điện giải.

Sau gần hai tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, xét nghiệm âm tính Covid-19. Tuy nhiên đến tuần thứ 3 thì bệnh nhi sốt lại, đỏ mắt, đỏ da, có biểu hiện rối loạn phối hợp vận động, loạng choạng, thất điều (không theo mệnh lệnh), nhức đầu, xét nghiệm phản ứng viêm trong máu tăng cao trở lại.

Bệnh nhi được chọc dò dịch não tủy xét nghiệm bình thường và chụp MRI não, ghi nhận tổn thương đồi thị hai bên và tổn thương chất trắng của tiểu não. Các bác sĩ chẩn đoán em bị hội chứng viêm đa hệ thống (hội chứng MIS-C), tổn thương não, được điều trị kháng viêm liều cao, kháng đông để phòng ngừa tắc mạch.

Kết quả sau một tuần điều trị, bệnh nhi hết sốt, hết đỏ da, tỉnh táo, ăn uống khá. Xét nghiệm phản ứng viêm về bình thường, được xuất viện điều trị tiếp đủ liệu trình kháng viêm và tái khám theo hẹn.

BSCK II Nguyễn Minh Tiến cho hay đây là trường hợp hiếm gặp ở trẻ mắc Covid-19 có tổn thương gan nặng và sau đó lại xuất hiện hội chứng viêm đa hệ thống có biểu hiện tổn thương thần kinh. Do đó phụ huynh cần lưu ý đưa trẻ tiêm vaccine phòng Covid-19 theo chương trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.