(GD&TĐ) - Theo Báo cáo tổng kết mới đây của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tính trung bình mỗi ngày tại Việt Nam có gần 100 vụ TNGT và làm chết 27 người. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2013, số người chết do TNGT là 4.913 người, không có chiều hướng giảm.
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội thi tuyên truyền lưu động về an toàn giao thông năm 2013 do Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia phối hợp tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cũng phải thốt lên: “Tai nạn giao thông đang trở thành hiểm họa”.
Câu hỏi đặt ra, vì sao trong thời gian qua, cơ quan chức năng quản lý giao thông đã nỗ lực tìm mọi biện pháp như lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình, lắp đặt camera ở những điểm nút giao thông, tăng cường kiểm tra, xử lý sai phạm…nhưng cuối cùng thì bài toán hạn chế tai nạn giao thông vẫn bế tắc hoàn bế tắc.
Các hội nghị, hội thảo về an toàn giao thông lại được mở ra, vẫn những nguyên nhân, nào là số lượng phương tiện lưu thông đường bộ nhiều, hạ tầng, thiết bị giao thông không đảm bảo an toàn, văn hóa tham gia giao thông kém, người tham gia giao thông thiếu hiểu biết về luật…
Anh Nguyễn Quỳnh, cư trú trên đường Nguyễn Trọng Tuyển quận Phú Nhuận, một tài xế có kinh nghiệm chạy xe đường dài gần 30 năm đã nêu một ý kiến đáng suy ngẫm: Mặc dù rất thuộc luật, nhưng trong quá trình chạy xe, có những rủi ro từ những áp lực khách quan đưa đến. Anh dẫn chứng:
Chặng đường một chiều từ Ngã Ba Vũng Tàu đi Hố Nai (Đồng Nai) nằm ngoài khu dân cư tương đối rộng rãi, thoáng đãng nhưng lại có biển báo hiệu chạy xe cấm vượt quá tốc độ 40km/h. Tốc độ này thấp hơn mức độ mà luật định cho phép chạy xe trong khu dân cư (60km/h) nên trong thực tế, hiếm lái xe nào có thể chấp hành được.
Không ít lái xe còn phàn nàn về việc ở một số tuyến đường, việc lắp đặt biển báo cấm, báo tốc độ chỉ có một chiều, khi trên đường lưu thông đông xe các loại thì bị che khuất tầm nhìn không thấy được nên rất dễ bị xử phạt.
Lương của một lái xe tính trung bình chỉ từ khoảng 3 - 5 triệu đồng/tháng. Một khi họ bị phạt với mức có thể lên tới đôi, ba triệu đồng thì còn tâm trạng đâu để mà đủ bình tĩnh xử trí những tình huống bất trắc xảy ra?
Như vậy, áp lực đối với người lái xe cũng là một trong những hiểm họa của tai nạn giao thông. Một thực trạng khá phổ biến hiện nay là đa số chủ xe khi thuê người lái thường tính tới lợi nhuận nhiều hơn là an toàn, khoán trắng cho lái xe, nên lái xe phải chịu mọi áp lực khi tham gia giao thông.
Rất ít người tuân thủ quy định không được chạy liên tục trong 4 tiếng và không được chạy xe quá 10 tiếng trong ngày, chỉ vì muốn nhanh về tới bến theo yêu cầu của chủ xe.
Có lái xe đã thốt lên rằng, giá như những người làm luật ai cũng có kinh nghiệm chạy xe đường trường, thì có lẽ luật sẽ sát với thực tế hơn, giảm bớt áp lực cho lái xe, cũng là góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Xin được chuyển tâm sự trên đây tới cơ quan chức năng.
Hồng Thúy