Bé gái rơi từ tầng 12A: Chuyên gia vạch lỗ hổng từ các ‘tử huyệt’ chung cư

Theo chuyên gia Lê Văn Thịnh chung cư cao tầng không đảm bảo quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn về đảm bảo an toàn chất lượng xây dựng cơ quan quản lý nhà nước phải kiên quyết không nghiệm thu.

Chung cư số 60B, đường Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nơi xảy ra vụ việc
Chung cư số 60B, đường Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nơi xảy ra vụ việc

Nguy hiểm rình tập từ các “tử huyệt” chung cư

Chiều tối 28/2, một bé gái khoảng 2 tuổi trèo qua lan can rồi treo lơ lửng ở ban công căn hộ tầng 12A (tầng 13 – PV) tại chung cư số 60B, đường Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) và rơi xuống dưới. Rất may, lúc này anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, huyện Đông Anh, Hà Nội) kịp đỡ được khi cháu bé tuột tay rơi xuống nên bé chỉ bị thương, không nguy hiểm đến tính mạng.

Chứng kiến cảnh này qua clip của một cư dân tòa chung cư bên cạnh ghi lại nhiều người không khỏi hoảng sợ đến thót tim. Thực tế đã có không ít vụ việc trẻ rơi từ ban công, cửa sổ, lô gia nhà chung cư xuống gây tử vong.

Tháng 5/2017, một bé trai 5 tuổi ở nhà cùng mẹ trong một căn hộ trên tầng 17 một chung cư ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội đã leo lên ghế rồi trèo qua cửa sổ lan can, rơi xuống đất tử vong tại chỗ.

Tháng 7/2018, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tiếp nhận bé gái 4 tuổi rơi từ tầng 7 của chung cư xuống đất trong tình trạng đa chấn thương. Bé gái ở nhà cùng mẹ ra ban công chơi và trèo qua lan can rơi xuống đất.

Tháng 3/2019, sự việc xảy ra ở tòa nhà Rice City, khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội, một bé trai 4 tuổi đang chơi đùa ngoài khu vực ban công tầng 3, thì bất ngờ rơi xuống đất, bất tỉnh. Tuy đã được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, nhưng do vết thương quá nặng, cháu bé đã tử vong trước khi nhập viện.

Trao đổi với PV về vấn đề này, chuyên gia Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, thực tế đã có nhiều vụ việc đau lòng, đã có rất nhiều lời cảnh báo nhưng nhiều gia đình có con nhỏ vẫn chủ quan. Theo ông Thịnh ban công, lô gia và cửa sổ căn hộ chính là các “tử huyệt” của nhà chung cư cần được đặc biệt lưu ý.

Bé gái rơi từ tầng 12A: Chuyên gia vạch lỗ hổng từ các ‘tử huyệt’ chung cư
Hình ảnh bé gái 3 tuổi treo lơ lửng ở ban công (Ảnh lớn); Cận cảnh thiết kế ban công chung cư nơi xảy ra vụ việc (Ảnh nhỏ)

“Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam số 05:2008 “Nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khoẻ” do Bộ Xây dựng ban hành, lô gia của các công trình nhà ở, cơ quan, trường học… từ 9 tầng trở lên phải đảm bảo độ cao tối thiểu là 1,4m. Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng, lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm, lan can phải có cấu tạo khó trèo; khoảng cách thông thủy giữa các thanh đứng không được lớn hơn 0,1m... Tuy nhiên, hiện nay không ít khu nhà ở chung cư không đảm bảo chấp hành đúng quy định trên” – ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cũng chỉ ra rằng, ngay trong khu vực lô gia cũng cần chú ý khi nhiều gia đình kê máy giặt quá gần lan can ban công trẻ nhỏ có thể bám theo cửa ngang máy giặt trèo qua ban công cũng rất nguy hiểm.

Không chỉ ở khu vực lô gia, cửa sổ tại nhiều chung cư cũng thiết kế thiếu an toàn. Theo đó, cửa sổ được thiết kế thành 2 ô ở dưới là cửa kính chết ở trên là cửa đóng mở chữ A hoặc cửa trượt đẩy ra sát mặt ngoài của tường cho nên có bậu cửa sổ khoảng cách từ dưới đất lên bậu cửa sổ trẻ con có thể trèo lên được. Đặc biệt nhiều gia đình kê sát giường vào cửa sổ trẻ nhỏ có thể trèo từ giường lên bậu cửa sổ càng dễ dàng hơn và chui qua cửa chữ A rơi ra ngoài.

Bé gái rơi từ tầng 12A: Chuyên gia vạch lỗ hổng từ các ‘tử huyệt’ chung cư
Lô gia chung cư từ 9 tầng trở lên phải cao tối thiểu là 1,4m. Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng, lan can phải không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm, khoảng cách thông thủy giữa các thanh đứng không được lớn hơn 0,1m...

“Tôi cũng phải nói thêm rằng, nếu như chủ đầu tư đã không có tâm làm công trình chưa đảm bảo an toàn thì chính bản thân người dân phải bảo vệ an toàn cho mọi thành viên trong gia đình. Việc lắp đặt lưới an toàn tại ban công, lan can căn hộ không phải là việc gì quá tốn kém, hay khó khăn” – ông Thịnh nhấn mạnh.

Không thể quản lý kiểu “mắt nhắm, mắt mở”

Chuyên gia Lê Văn Thịnh cho rằng, về mặt quy định đã có quy chuẩn, tiêu chuẩn được ban hành tuy nhiên thực tế thực hiện vẫn còn nhiều bất cập và phải truy rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng khâu thực hiện. Đối với chung cư số 60B, đường Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nơi xảy ra vụ việc cần kiểm tra, làm rõ các thông số kỹ thuật tại ban công, lô gia...đã đúng quy chuẩn tiêu chuẩn quy định? Từ đó làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan liên quan.

“Đánh giá vấn đề an toàn tại công trình chung cư cao tầng trách nhiệm đầu tiên là nhà thầu thiết kế không nắm được quy chuẩn, thiết kế không đảm bảo an toàn quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định. Tiếp đến là trách nhiệm từ cơ quan thẩm định thiết kế. Đã là cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến an toàn tính mạng thì phải kiểm soát được những vấn đề an toàn như vậy mới sinh ra thẩm định thiết kế của nhà nước. Thẩm định mà không phát hiện được thì đừng thẩm định nữa” – ông Thịnh thẳng thắn nêu vấn đề.

Bé gái rơi từ tầng 12A: Chuyên gia vạch lỗ hổng từ các ‘tử huyệt’ chung cư
Không chỉ ở khu vực lô gia, cửa sổ tại nhiều chung cư cũng thiết kế thiếu an toàn nhiều gia đình kê sát giường vào cửa sổ trẻ nhỏ có thể trèo từ giường lên bậu cửa sổ càng dễ dàng hơn và chui qua

Cũng theo ông Thịnh, nhà thầu thi công cũng phải chịu trách nhiệm. Nếu nhận thấy điều gì không đúng quy định quy chuẩn, thiếu an toàn thì phải đề nghị chủ đầu tư gọi nhà thầu thiết kế đến để điều chỉnh. Và nhà thầu giám sát thi công xây dựng cũng có vai trò và trách nhiệm. Tư vấn giám sát là cánh tay nối dài của chủ đầu tư thì phải phát hiện được những gì sai sót của thiết kế, của thi công mà yêu cầu chủ đầu tư phải điều chỉnh thế mới cần tư vấn giám sát. Nhưng vị chuyên gia cho rằng bây giờ tư vấn giám sát cũng có nhiều hạn chế về kinh nghiệm, thiếu kiến thức.

“Trách nhiệm cuối cùng là cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng hoặc Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố kiểm tra công tác nghiệm thu công trình. Nhìn vào quy trình trên có thể thấy, khâu đầu là cơ quan quản lý nhà nước về mặt thẩm định thiết kế và khâu cuối cùng then chốt là kiểm tra công tác nghiệm thu công trình cũng là cơ quan nhà nước thực hiện" - ông Thịnh đánh giá.

Từ đó ông Thịnh cho rằng điều mấu chốt là cơ quan quản lý nhà nước. Nếu không đảm bảo quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn thì phải kiên quyết không nghiệm thu, không cho công trình đưa vào sử dụng.

"Không thể quản lý theo kiểu mắt nhắm mắt mở cho qua bởi đây là liên quan đến vấn đề an toàn sinh mạng con người. Tôi cũng phải nhắc lại rằng chính người dân cũng cần tự bảo vệ gia đình mình. Việc sử dụng ban công, lô gia, đặc biệt ở những gia đình có con nhỏ, cần được mỗi cá nhân, gia đình quan tâm hơn nữa không kê bàn, giường gần cửa sổ, chú ý đặt để đồ vật, máy giặt tại khu vực ban công, lô gia. Ban công, lô gia... cần làm lưới an toàn để tránh những tai nạn đáng tiếc” – ông Thịnh nói.

Theo vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Barca vẫn chưa thể đăng ký Dani Olmo và Pau Víctor.

Barcelona được La Liga báo tin vui

GD&TĐ - Barcelona được La Liga 'bật đèn xanh' để hoạt động tài chính bình thường, qua đó có cơ hội đăng ký Dani Olmo và Pau Víctor.