Bắt thêm 1 đối tượng trong vụ làm giả hàng chục 'sổ đỏ' tại Bình Định

GD&TĐ - Cơ quan công an tỉnh Bình Định đã khởi tố, bắt giam thêm một đối tượng trong vụ làm giả hàng chục “sổ đỏ” để lừa đảo.

Đối tượng Trần Đình Thành làm việc tại cơ quan công an.
Đối tượng Trần Đình Thành làm việc tại cơ quan công an.

Chủ “công xưởng” chuyên sản xuất “sổ đỏ” giả

Ngày 17/9, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Bình Định cho biết đơn vị này đã khởi tố, bắt giam Trần Đình Thành (SN 1997, quê quán tại huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình mở rộng điều tra vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức do Trần Thị Kim Hoa (SN 1975, trú ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) cầm đầu.

Cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Bình Định đã thu thập đầy đủ chứng cứ và xác định Trần Đình Thành là một “mắt xích” có liên quan đến đường dây phạm tội này.

Theo đó, từ lời khai của các đối tượng trong nhóm lừa đảo của Trần Thị Kim Hoa, cơ quan chức năng đã phát hiện tài khoản Facebook mang tên “Chiều tím” thường xuyên đăng tải trên mạng xã hội các thông tin về việc nhận làm loại giấy tờ giả .

Người có nhu cầu sẽ liên hệ với chủ tài khoản nêu trên để làm các loại giấy tờ sẽ nhận thông tin và thỏa thuận giá cả. Sau đó, đối tượng yêu cầu phải đặt cọc trước một khoản tiền và hẹn ngày cung cấp sổ. Đến thời điểm hẹn, đối tượng tiến hành giao sổ qua đường bưu điện và yêu cầu trả nốt số tiền còn lại như thỏa thuận trước đó.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng đã xác định chủ các tài khoản nêu trên là Trần Đình Thành (hiện đang sống tại thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng). Sau khi xác định được đối tượng, nơi ở, cơ quan công an đã xây dựng kế hoạch truy bắt.

Tại thời điểm bắt đối tượng, cơ quan công an thu giữ tại nơi ở của Thành hơn 1.300 tài liệu giả các loại gồm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) Giấy phép lái xe, CCCD, tem chống giả, các văn bằng chứng chỉ. Tổ công tác cũng thu giữ nhiều công cụ để in ấn các loại giấy tờ giả như máy in, máy ép plastic, con dấu, máy in nổi…

Máy móc phục vụ việc sản xuất “sổ đỏ” giả của đối tượng Trần Đình Thành.
Máy móc phục vụ việc sản xuất “sổ đỏ” giả của đối tượng Trần Đình Thành.

Theo cơ quan chức năng, Thành là đối tượng làm giả giấy tờ chuyên nghiệp với quy mô lớn, các loại giấy tờ giả mà đối tượng này làm được nhìn mắt thường khó nhận biết. Đối tượng trang bị phương tiện, máy móc, hiện đại, có thể làm giả bất cứ loại giấy tờ nào.

Tại cơ quan công an, Trần Đình Thành khai nhận từ năm 2019 cho đến ngày bị bắt, đối tượng này đã làm nhiều loại giấy tờ khi có yêu cầu trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, từ năm 2020, Trần Đình Thành nhận làm giả “sổ đỏ” cho Lê Thị Kim Nhung (SN 1984) 16 “sổ đỏ” và Đặng Ngọc Trường (SN 1982, trú xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ) 2 “sổ đỏ” với số tiền 7 triệu đồng/sổ.

Nhung và Trường là 2 vợ chồng cũng là đồng phạm trong đường dây lừa đảo do Trần Thị Kim Hoa cầm đầu. Hai đối tượng này trước đó đã bị Công an tỉnh Bình Định khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Nhờ người đóng giả cán bộ tỉnh để “bẫy” người dân

Liên quan đến vụ án này, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Bình Định cũng đã bắt, khởi tố bị can Trần Thị Kim Hoa về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức theo quy định tại Điều 341 BLHS. Khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 vợ chồng gồm: Lê Thị Kim Nhung và Đặng Ngọc Trường cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức theo quy định tại Điều 341 BLHS.

Theo đó, cuối tháng 11/2021, qua nắm tình hình, cơ quan công an phát hiện một số hộ dân có đất lấn chiếm trái phép tại thôn Tân Phú (xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) đang bị UBND tỉnh Bình Định có quyết định cưỡng chế lại có “số đỏ”. Điều đáng nói là hầu hết “sổ đỏ” này đều là giả nhưng người dân một mực cho rằng đó là “sổ đỏ” do Nhà nước cấp. Quá trình vào cuộc điều tra, cơ quan công an đã làm rõ đường dây làm “sổ đỏ” giả để lừa đảo. Theo đó, đối tượng cầm đầu đường dây này là Trần Thị Kim Hoa. Đối tượng Hoa chuyên làm nghề bói toán ở địa phương.

Đối tượng Trần Thị Kim Hoa.
Đối tượng Trần Thị Kim Hoa.

Theo điều tra, khoảng đầu năm 2019, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tin tưởng của một số người dân thông qua việc bói toán, Trần Thị Kim Hoa biết được một số người đang có đất lấn chiếm tại thôn Tân Phú (xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) nhưng muốn được đền bù nên đối tượng này đã nảy ý định làm giả “sổ đỏ” để lấy tiền. Trần Thị Kim Hoa tự xưng mình quen biết với rất nhiều người làm “sổ đỏ” ở Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Định, có thể giúp mọi người làm “sổ đỏ” giá cả phải chăng, vì vậy rất nhiều người dân nhờ Hoa làm sổ.

Qua việc bói toán, một số người mê tín đã tin lời nói của Hoa nên việc lừa đảo của đối tượng này càng thuận lợi hơn. Hoa biết Đặng Ngọc Trường (người hay đến xem bói) và biết Trường không có việc làm ổn định, cần tiền nên Hoa nhờ Trường tìm cách làm giả “sổ đỏ” để đưa cho những người dân. Đặng Ngọc Trường đồng ý và sau đó lên mạng tìm hiểu và đặt vấn đề với một người trên mạng làm sổ đỏ với giá 7 triệu đồng/sổ.

Hoa yêu cầu những người làm “sổ đỏ” nộp Chứng minh thư Nhân dân, Sổ hộ khẩu và nộp mỗi người từ 20 đến 40 triệu đồng. Ngoài ra, Trần Thị Kim Hoa còn nhờ Lương Văn Phong (50 tuổi, trú ở xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn) cũng là người đến xem bói toán, giả là cán bộ tỉnh Bình Định gọi điện cho các bị hại tự xưng mình là cán bộ đất đai, mọi việc cứ liên hệ với Hoa việc giấy tờ sẽ được giải quyết hết. Để người dân tin, Hoa còn cho người đến tận thửa đất của người dân để giả làm cán bộ, đo đạc…

Đối tượng Lê Thị Kim Nhung và Đặng Ngọc Trường.
Đối tượng Lê Thị Kim Nhung và Đặng Ngọc Trường.

Sau khi nắm tình hình, Cơ quan An ninh điều tra được Giám đốc Công an tỉnh Bình Định giao nhiệm vụ sớm điều tra, làm rõ hành vi của đường dây lừa đảo này. Các điều tra viên đã tổ chức thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ, xác định các đối tượng trong đường dây lừa đảo sớm xử lý đối tượng, ổn định tình hình.

Theo kết quả điều tra của Công an tỉnh Bình Định, khoảng từ năm 2019 đến năm 2021, đối tượng Trần Thị Kim Hoa cùng đồng bọn đã dùng thủ đoạn gian dối trên để làm giả gần 17 sổ đỏ để chiếm đoạt số tiền hơn 600 triệu đồng của các bị hại.

Tại cơ quan công an, Hoa khai nhận do cần tiền để chi tiêu cá nhân nên đã cấu kết với các đối tượng thực hiện hành vi làm giả sổ đỏ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan chức năng xác định, Trần Thị Kim Hoa chiếm đoạt 496 triệu đồng, Lê Thị Kim Nhung 172 triệu đồng, Đặng Ngọc Trường 129 triệu đồng và Lương Văn Phong 35 triệu đồng.

Hành vi coi thường pháp luật cần xử lý nghiêm

Liên quan đến vụ án này, trao đổi với PV báo Giáo dục và Thời đại Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường đánh giá hành vi của các đối tượng là rất táo tợn, liều lĩnh, coi thường pháp luật, xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính nhà nước, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Bởi vậy, việc cơ quan điều tra phát hiện, mở rộng điều tra để triệt phá đường dây, nhóm đối tượng này là cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và để răn đe, phòng ngừa chung.

Theo quy định của pháp luật thì mỗi cơ quan, tổ chức lại có những thẩm quyền, chức trách, nhiệm vụ khác nhau. Với mỗi cơ quan có tư cách pháp nhân thì lại có con dấu riêng để xác định trách nhiệm, thẩm quyền của mình trong các văn bản do cơ quan đó phát hành.

Hành vi làm giả tài liệu, giả con dấu của cơ quan tổ chức sẽ ảnh hưởng đến trật tự quản lý hành chính, làm khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong việc quản lý hành chính, quản lý tài liệu, con dấu và có thể làm mất uy tín của các cơ quan tổ chức.

Đặc biệt là các giấy tờ liên quan đến bằng cấp chứng chỉ, các giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các loại giấy tờ quan trọng, gắn với quyền nhân thân và gắn với quyền tài sản của mỗi công dân, mỗi cá nhân, tổ chức.

Hành vi làm giả các giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức liên quan đến bằng cấp, chứng chỉ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như trong vụ án này là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính và là nguy cơ để phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật khác như mạo danh, gian dối làm giảm sút chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra bất bình đẳng trong xã hội và đặc biệt là sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bởi vậy, việc triệt phá những đường dây làm giả tài liệu, giả con dấu của cơ quan tổ chức là rất cần thiết để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo việc quản lý hành chính nhà nước được thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ, giữ gìn uy tín của các cơ quan, tổ chức và ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật khác có thể xảy ra

Theo Luật sư Cường, tội làm giả tài liệu, giả con dấu của cơ quan tổ chức hoặc sử dụng tài liệu con dấu giả có thể phải đối mặt với hình phạt tới 7 năm tù. “Theo thông tin từ phía cơ quan điều tra thì đối tượng Thành thực hiện hành vi làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức một cách công khai trên mạng xã hội, với thủ đoạn tinh vi, thực hiện hành vi phạm tội một thời gian rất dài, với rất nhiều tài liệu con dấu giả đã được thu giữ và cũng nhiều tài liệu đã được tiêu thụ, sử dụng.

Bởi vậy đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 3 năm đến 7 năm theo quy định tại khoản 3, Điều 341 bộ luật hình sự. Ngoài ra đối tượng này sẽ bị thu hồi toàn bộ số tiền cho thu lợi bất chính và còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng”, Luật sư Cường cho biết.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Cường tư vấn thêm, ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ những người đã mua giấy tờ tay liệu giả của đối tượng này để mở rộng điều tra, xử lý về hành vi Sử dụng tài liệu con dấu giả của cơ quan tổ chức.

Với những cán bộ, công chức, viên chức mà sử dụng tài liệu giả, con dấu giả của cơ quan tổ chức thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 341 Bộ luật hình sự nêu trên và bị kỷ luật ở mức cao nhất là buộc thôi việc.

Đối với đối tượng sử dụng “sổ đỏ” giả để gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ bị xử lý hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 bộ luật hình sự với mức chế tài có thể đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ đối tượng đã làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức có biết mục đích sử dụng giấy tờ này không. Trong trường hợp biết mục đích là để thực hiện hành vi lừa đảo nhưng vẫn làm giả để bán lấy tiền thì đối tượng này cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội Lừa đảo với vai trò đồng phạm giúp sức.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ ngoài đối tượng Thành thì còn có đối tượng nào giúp sức, hỗ trợ đối tượng này cũng thực hiện hành vi phạm tội hay không để mở rộng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thông qua vụ án này cơ quan điều tra sẽ tổng hợp phương thức thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội để cảnh báo cho xã hội, yêu cầu các cơ quan tổ chức thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

“Hiện nay nếu tra cứu trên internet và trên mạng xã hội về làm giấy tờ giả thì có rất nhiều đối tượng đã đăng tải công khai thông tin liên hệ để làm các loại giấy tờ giả. Bởi vậy cơ quan chức năng ở các địa phương cần có phương án kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các nhóm đối tượng như vậy để ngăn chặn nguồn cung giấy tờ tài liệu giả trong xã hội.

Đồng thời cần nâng cao trách nhiệm của các đơn vị quản lý dịch vụ viễn thông. Các đơn vị viễn thông, internet cần phải nâng cao trách nhiệm trong việc cảnh báo những hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật, đồng thời cần phải quản lý các tài khoản thường xuyên thực hiện các hành vi lừa đảo, làm giấy tờ tài liệu giả hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác thì mới giảm thiểu được những vụ việc tương tự như vụ việc trên”, Luật sư Cường chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ