Để hiểu rõ hơn vấn đề này, có lẽ cần phải hiểu cho đúng về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các quy định liên quan đến việc bổ nhiệm và xếp lương GV.
Thứ nhất, theo quy định của Luật Viên chức, việc tuyển dụng, sử dụng GV hiện nay thực hiện theo nguyên tắc: Làm việc ở vị trí nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí đó. Người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó.
Chính vì vậy, thực hiện Luật Viên chức, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng và ban hành các văn bản quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV các cấp.
Ở mỗi cấp học, GV được xếp vào 3 hạng. Cấp học mầm non, tiểu học được xếp bao gồm hạng IV, hạng III, hạng II theo thứ tự từ thấp lên cao. Trong đó, để được bổ nhiệm vào các hạng nêu trên, GV phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng (trong đó trình độ đào tạo chỉ là một trong số các điều kiện, tiêu chuẩn). Để thăng từ hạng thấp lên hạng cao hơn, GV phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng cao, trong đó có tiêu chuẩn về thời gian giữ hạng thấp hơn ( 3 năm hoặc 6 năm tùy hạng và tùy cấp).
Về lí, khi tuyển dụng mới, cơ sở giáo dục có thể tuyển GV vào các hạng cao hơn hoặc cao nhất. Nhưng vì có sự ràng buộc về thời gian giữ hạng, nên đa phần việc tuyển dụng vào hạng cao hơn hoặc cao nhất chỉ có thể áp dụng đối với những người đã có thời gian công tác ở các cơ sở giáo dục khác.
Trong khi đó, đối với sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp và tham gia tuyển dụng lần đầu thì chỉ có thể dự tuyển vào hạng thấp nhất.
Đối với những người tham gia tuyển dụng có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thì có quy định ưu tiên về xếp lương vào luôn bậc 2 (thạc sĩ) hoặc bậc 3 (tiến sĩ), nhưng chỉ là ưu tiên về xếp bậc lương, chứ không phải là xếp ngay vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn hoặc cao nhất.
Đối với cấp học mầm non, tiểu học, do trình độ chuẩn quy định là trung cấp, nên những người có trình độ CĐ, ĐH đều là cao hơn chuẩn. Nhưng theo quy định hiện nay không có sự ưu tiên về xếp bậc lương khi tuyển dụng lần đầu giống như đối với những người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nêu trên. Chính phủ không giao thẩm quyền cho Bộ GD&ĐT về việc này nên Bộ GD&ĐT cũng không thể có hướng dẫn riêng.
Thứ hai, trình độ chuẩn của GV mầm non, tiểu học đã được quy định trong Luật Giáo dục, không phải đến khi ban hành các văn bản quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV mới có.
Bộ GD&ĐT đã đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với GV mầm non, tiểu học. Nhưng để thực hiện được việc này, Bộ GD&ĐT đã phải tính toán đến lộ trình thực hiện cụ thể, chi tiết vì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đội ngũ GV hiện có.
Có ý kiến cho rằng, do quy định không có sự ưu tiên về xếp bậc lương khi tuyển dụng lần đầu với những người có tình độ CĐ, ĐH khi tuyển dụng làm GV mầm non, tiểu học khiến những năm gần đây các trường đào tạo GV mầm non, tiểu học khó tuyển sinh, dẫn đến việc thiếu GV trầm trọng ở 2 cấp học này.
Trên thực tế, việc thiếu GV ở cấp học mầm non, tiểu học trong những năm qua do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tăng dân số cơ học của nhiều địa phương, khu vực có sự phát triển nóng về kinh tế, những nơi có nhiều khu công nghiệp. Còn bản chất các yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là để chuẩn hóa đội ngũ, không thể khẳng định đó là nguyên nhân gây ra thiếu GV trầm trọng ở các cấp học mầm non, tiểu học.