Bất cập trong giải quyết chế độ cho giáo viên vùng sâu

Bất cập trong giải quyết chế độ cho giáo viên vùng sâu

Hơn 10 năm nay, thầy Trần Đức Thành, trường tiểu học Lê Văn Tám, huyện Ia Pa, Gia Lai bám trường, bám lớp tại các thôn, làng xa xôi của xã Pơ Tó. Không thể kể hết những vất vả, nhọc nhằn của thầy khi mang trên mình sứ mệnh mang con chữ đến với các em học sinh DTTS để các em không phải chịu thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa.

Thế nhưng, hơn mười năm lăn lộn với nghề, là chừng ấy thời gian thầy phải vất vả lo toan cho cuộc sống. Sau nhiều năm vất vả, khi có quyết định về nguồn kinh phí hỗ trợ từ chế độ phụ cấp thu hút đối với giáo viên công tác ở các xã khó khăn với mức hỗ trợ bằng 70% lương theo ngạch, bậc đang được hưởng, thầy cũng khấp khởi mừng thầm vì những giáo viên như thầy có điều kiện tiếp tục cống hiến nhiệt huyết và tài năng cho nghề giáo vốn cao quý nhưng lắm nhọc nhằn này…Thế nhưng, kể từ khi nghị định 61/2006/NĐ-CP (viết tắt Nghị Định 61) của Chính phủ quy định về chế độ này được ban hành vào ngày 20/6/2006 thì đến nay sau hơn 3 năm triển khai, nhiều giáo viên ở trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Pờ Tó, huyện La Pa vẫn chưa được nhận bất cứ khoản tiền nào từ chế độ này.

Cần có chính sách kịp thời cho giáo viên vùng sâu
Mong rằng những nhà quản lý có cách nào đó để động viên, giúp đỡ kịp về phụ cấp thu hút cho giáo viên, đặc biệt là những người đã cắm bản tại làng...”

Cô Mã Thị Duyên-Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám, Pờ Tó, IaPa, Gia Lai cho biết: “ Hiện tại trường còn 9 giáo viên ở địa phương nhưng chưa được hưởng theo Nghị định 61. Nói chung là công việc vẫn phải làm thôi nhưng chế độ chưa được công bằng nên cũng có ý kiến trong các cuộc họp, Vừa rồi bên Công đoàn cũng đã làm đơn đề nghị Phòng và được trả lời là sẽ có nhưng giờ kinh phí chưa có. Mong rằng những nhà quản lý có cách nào đó để động viên, giúp đỡ kịp thời trong vấn đề phụ cấp thu hút cho giáo viên, đặc biệt là những người đã cắm bản tại làng...”

Hiện nay, theo chúng tôi được biết, toàn huyện Ia Pa, Gia Lai có 253 cán bộ giáo viên trong diện được hưởng chế độ phụ cấp thu hút từ nghị định 61. Thế nhưng đến nay chỉ mới 32 người trong số đó được giải quyết chế độ. Hơn 220 thầy cô giáo khác đang mong chờ hàng ngày số tiền hơn 6 tỷ đồng để cải thiện phần nào cuộc sống, giúp họ yên tâm công tác… 

Nguyên nhân chính cho sự chậm trể này được các ngành chức năng huyện Ia Pa, Gia Lai cho rằng, do Nghị định có đoạn viết không rõ ràng. Ông Ksor Ther-Trưởng Phòng giáo dục huyện Ia Pa lý giải: “Khi có thông tư 06 hướng dẫn thực hiện Nghị định 61 theo chế độ chúng tôi đã tổng hợp số giáo viên được hưởng nằm trong chế độ đó. Khi tổng hợp xong, phòng tài chính có trả lời là trong thông tư 06 hướng dẫn thực hiện Nghị định 61 có ghi câu: được cơ quan có thẩm quyền điều động từ vùng thuận lợi sang vùng khó khăn thì được hưởng chế độ này, nhưng trong phần đóng, mở ngoặc có ghi kể cả địa phương và từ địa phương khác đến. Cho nên khi chúng tôi làm thì phòng tài chính nói để hỏi lại Sở tài chính mới biết cho nên những đối tượng rõ ràng được hưởng thì đã hưởng. Còn những người như tôi nói lúc nãy là ở vùng đặc biệt khó khăn và đang công tác ở vùng đặc biệt khó khăn thì chưa được hưởng. Tổng số chưa được hưởng hiện nay ở huyện Ia Pa là 221 người...”.     

Nghịch lý ở đây, là vấn đề chưa rõ ràng của Nghị Định 61, chờ xác minh lại kéo dài trong gần 3 năm nay mà các cơ quan chức năng của huyện vẫn xem như không có vấn đề gì xảy ra.

Tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi có trao đổi với Ông Thái Văn Khoa-Cán bộ Phòng tài chính huyện Ia Pa, Gia Lai và được biết: “ Công tác giáo dục tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Xuất phát từ điều này, tức là đang công tác tại vùng đặc biệt khó khăn nhưng không được điều động cái này chưa rõ ràng nên Phòng tài chính đã gửi văn bản cho Sở tài chính để hỏi chế độ. Năm 2007 khi Phòng giáo dục lập danh sách sau khi bình xét tôi mới làm văn bản gửi Sở tài chính nhưng đến giờ mới được trả lời…” 

Thiết nghĩ, với những giáo viên mang sứ mệnh trồng người ở vùng sâu, vùng xa  cần có sự ưu tiên hàng đầu nhằm động viên giáo viên bám trường, bám lớp và thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội với nhiệm vụ nặng nề của họ. Hy vọng, những khúc mắc sẽ được sớm giải quyết để giáo viên ở đây có thể yên tâm công tác.

                    Bài và ảnh: Lê Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ