Ông Nguyễn Đức Chung: Đến từng nhà, rà từng hộ
Ngày 23/2, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh (Bộ Y tế), đã tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan như giao thông, công an, ngoại giao, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Quốc phòng cùng các đơn vị liên quan khác để phân tích tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc, đặc biệt là tại Hàn Quốc, Bộ Y tế đã đề xuất những biện pháp kiểm soát dịch bệnh lây lan qua khách nhập cảnh đến từ Hàn Quốc. Theo đó, 15 giờ chiều 23/2 áp dụng tờ khai y tế bắt buộc đối với tất cả hành khách từ Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam tại các cửa khẩu. Đối với những người nhập cảnh từ Hàn Quốc có biểu hiện sốt, ho, khó thở..., Bộ Y tế cho biết, họ sẽ được cách ly tập trung tại các cơ sở y tế trong 14 ngày.
Chiều tối 23/2, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội cần nâng mức kiểm soát, cảnh báo với những công dân Hàn Quốc, công dân Việt Nam đi làm việc từ những vùng dịch về. Công an thành phố chủ trì phối hợp với các quận, huyện rà soát nắm tình hình với phương châm đến từng nhà, rà từng hộ.
Ông Chung đề nghị tất cả các cơ quan, ngành, quận, huyện trên địa bàn Hà Nội không được chủ quan, yêu cầu các y, bác sĩ, cán bộ tiếp xúc, tuyên truyền ở những khu vực nguy cơ cao cần hết sức cẩn thận, đề phòng vì đây là những người có nguy cơ lây nhiễm lớn.
“Thực tế trên cho thấy, diễn biến lây nhiễm là hết sức phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải cập nhật thường xuyên”, ông Chung yêu cầu. Ông cũng yêu cầu Sở Y tế cần rà soát, lên con số chính xác chúng ta cách ly được bao nhiêu, hết công suất là bao nhiêu. Lên danh sách các trang thiết bị, cơ sở cần thiết cho việc này bởi trong những ngày tới có thể phải làm việc 24/24 giờ và 24/7.
Cùng ngày, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). Theo đó, Sở kiến nghị cho phép áp dụng khai báo y tế, đồng thời cách ly kiểm dịch với người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Hàn Quốc.
Kiến nghị này dựa trên thực tế TPHCM thường xuyên tiếp nhận số lượng lớn hành khách nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Hàn Quốc dẫn đến nguy cơ xâm nhập bệnh Covid-19 từ quốc gia này là rất cao.
Còn vào sáng 24/2, bác sĩ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng xác nhận vừa tiến hành cách ly 80 người đến từ thành phố Daegu, Hàn Quốc trên chuyến bay VJ871. Khi chuyến bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng, toàn bộ hành khách đã được các cơ quan chức năng tiến hành giám sát y tế, kiểm tra thân nhiệt.
Sau đó, các hành khách người Việt Nam được đưa về cách ly tại Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ (xã Hòa Hương, huyện Hòa Vang) của Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng. Trong khi đó, các hành khách người Hàn Quốc được đưa về cách ly tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Bác sĩ Tôn Thất Thạnh cho biết, những người này sẽ được cách ly trong vòng 14 ngày nhằm kiểm soát y tế, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 (nếu có) để kịp thời xử lý.
Diễn biến khó lường ở Hàn Quốc
Tính tới sáng 24/2, số ca nhiễm Covid-19 của Hàn Quốc đã lên tới 763, tăng hơn 200 ca so với sáng ngày hôm trước. Số ca mắc bệnh trong quân đội cũng đang tăng. Có 11 quân nhân Hàn Quốc bị xác định mắc bệnh, họ đến từ cả Hải quân, Không quân và Thủy quân lục chiến. Bộ Quốc phòng nước này cho biết đang cách ly khoảng 7.700 quân nhân như một phần trong nỗ lực ngăn chặn virus lây lan sâu hơn vào quân đội.
Hôm 21/2, Bộ Quốc phòng ra lệnh hạn chế cho binh sĩ nghỉ phép, ra bên ngoài căn cứ và gặp gỡ khách từ ngày 22/2. Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 vẫn tăng theo từng giờ, chiều 23/2, Hàn Quốc đã nâng mức báo động lên cao nhất.
Mức báo động này cho phép các nhà chức trách ra lệnh đóng cửa tạm thời các trường học và hủy các chuyến bay đến và đi từ Hàn Quốc.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng đã chỉ thị cho tất cả các trường mẫu giáo và trường học trì hoãn học kỳ mới một tuần nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 ở Hàn Quốc lây lan rộng hơn. Daegu, thành phố lớn thứ tư Hàn Quốc với khoảng 2,5 triệu người và thành phố Cheongdo, khoảng 43.000 người, đang được chỉ định là “khu vực chăm sóc đặc biệt” nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Các nhà thờ Công giáo ở các thành phố Daegu, Gwangju cùng nhiều nơi khác đã dừng các hoạt động đông người và các cuộc tụ họp khác.
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cũng nhận định, để Việt Nam không ghi nhận thêm các ca mắc Covid-19 trong thời gian tới là điều khó. Bởi việc giao thương, đi lại nhiều.
Trong khi hiện không chỉ Trung Quốc, các nước khác cũng đã ghi nhận ca mắc như Hàn Quốc, Campuchia, Nhật Bản Singapore... nên nguy cơ là luôn có. Do đó, ngành y tế xác định phải tăng cường giám sát ở các bệnh viện.