Bất an với an toàn thực phẩm

GD&TĐ - Chưa lúc nào niềm tin của người tiêu dùng bị phản bội như lúc này...

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa bắt tạm giam nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cùng nhiều đồng phạm về tội “nhận hối lộ” sau khi mở rộng điều tra vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty CP Dược phẩm liên danh MediPhar và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Cụ thể, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm rõ sai phạm của cán bộ Cục An toàn thực phẩm trong việc thẩm định, hậu kiểm, cấp 4 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt cho Nhà máy MediPhar và Nhà máy Mediusa…

Để nhận được 4 giấy chứng nhận nói trên, lãnh đạo Nhà máy MediPhar và Nhà máy Mediusa phải “bôi trơn” một khoản tiền không nhỏ cho những người cấp phép. Có được “bảo bối” trong tay, các nhà máy “an tâm” sản xuất thực phẩm giả với khối lượng đặc biệt lớn. Chỉ riêng số thực phẩm giả chưa kịp tiêu thụ mà cơ quan chức năng thu giữ đã lên đến 100 tấn.

Số thực phẩm giả này được hai công ty nói trên sản xuất bằng dây chuyền công nghệ hiện đại chứ không phải làm thủ công “cò con”. Các loại thực phẩm chức năng được sản xuất dưới các dạng viên (nén, bao phim, bao đường), viên nang cứng, cốm, bột, viên nang mềm, xi rô, dung dịch, chế phẩm chứa men vi sinh dạng lỏng…

Nghĩa là, nhìn vào hình dạng, nhãn mác của các loại thực phẩm chức năng này, người tiêu dùng “hoàn toàn tin tưởng”, nhất là khi các trình dược viên đưa ra ngay giấp phép “chứng nhận an toàn của Cục An toàn thực phẩm” nếu có vị khách hàng “kỹ tính” nào đó yêu cầu trưng ra các “bằng chứng an toàn”.

Ngày nay, khi mọi người đã qua thời đói kém thì bắt đầu nghĩ đến chuyện “bổ dưỡng”. Thực phẩm chức năng là một “kênh” có thể giúp cho những gia đình có điều kiện về kinh tế cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nắm bắt được xu thế mong “sống khỏe, sống lâu” này, các nhà sản xuất thực phẩm chức năng đã tung ra hàng loạt các sản phẩm đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng. Vì vậy, không lạ gì ở các hiệu thuốc tây hiện nay, các chủ cửa hàng dành riêng một “kệ” chuyên bán các loại thực phẩm chức năng.

Dù là ghi trên nhãn mác “không có chức năng thay thế thuốc chữa bệnh”, song nhìn vào “công dụng” ghi trên toa, nào là giúp trẻ em suy dinh dưỡng ăn khỏe chóng lớn, nào là người già thì… trở lại tuổi thanh xuân, nào là ngủ một mạch tới sáng chứ không còn trằn trọc thâu đêm, nào là trả lại chức năng sung mãn cho giới mày râu… Những loại thực phẩm chức năng này, giá không hề rẻ. Khổ một nỗi, dân ta hễ thấy đắt thì luôn tin nó “thật” và chất lượng cao, lao vô mua về sử dụng.

Cơ sở để “mua không cần trả giá” này, ngoài việc xem công dụng ngoài bao bì còn xem “giấy phép số…, được Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cấp ngày… tháng”. Đã là “cục an toàn” thì không thể không tin rằng các loại thực phẩm chức năng ấy là không an toàn được. Đâu có ngờ đó là đồ giả!

Chưa lúc nào niềm tin của người tiêu dùng bị phản bội như lúc này. Đám tiếp tay cho bọn ma cô lừa đảo khách hàng này xứng đáng phải nhận mức án nghiêm khắc nhất!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ