Barcelona: 'Bán tương lai' để sống

GD&TĐ -Lãnh đạo Barcelona gọi là “đòn bẩy kinh tế” cho những hợp đồng đắt giá trên thị trường chuyển nhượng, trong khi có thể hiểu nôm na là Chủ tịch Laporta và cộng sự... bán tài sản để trả nợ và mua sắm.

Chủ tịch Joan Laporta.
Chủ tịch Joan Laporta.

Tất cả vì... tiền

Hồi cuối tháng 6, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế của Barca, ông Eduard Romeu cho biết, họ cần ít nhất 500 triệu euro để cứu câu lạc bộ. Vậy mà chỉ một tháng sau, đội bóng xứ Catalan giống như một đại gia chịu chơi hơn là “chúa Chổm”, đang đến ngưỡng phá sản.

Câu lạc bộ Barca đã chi hơn 100 triệu euro chiêu mộ Raphinha và Lewandowski. Ngay sau đó, đội bóng này đã nẫng tay trên Chelsea bằng việc chi 60 triệu euro để có được trung vệ Jules Kounde của Sevilla. Trước đó, Barca cũng tốn khá nhiều tiền cho môi giới để có được chữ ký của 2 cầu thủ tự do, Andreas Christensen và Franck Kessie. Ngoài ra, họ còn gia hạn hợp đồng mới với Dembele và Sergi Roberto.

Theo truyền thông Tây Ban Nha, Barca chưa bao giờ từ bỏ tham vọng giành Bernardo Silva, người được Man City định giá 80 triệu euro trở lên. Họ cũng quyết giữ tiền vệ ngôi sao Frenkie de Jong bất chấp đề nghị béo bở từ Man Utd. Đội bóng xứ Catalan trở thành lá cờ đầu trên thị trường chuyển nhượng Tây Ban Nha mùa Hè 2022.

Barca đương nhiên không thể mua cầu thủ nếu không có tiền. Họ đã giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính bằng các biện pháp đặc biệt mà Chủ tịch Joan Laporta gọi là “đòn bẩy kinh tế”. Trong tháng 7, Barca đã lần lượt bán 10% và 15% bản quyền truyền hình của mình trong 25 năm tới cho công ty Sixth Street của Mỹ, đổi lại khoảng 600 triệu euro.

Đây được xem là hình thức vay tín chấp ở mức độ cao. Tuy nhiên, doanh thu Barca từ bản quyền truyền hình La Liga trong những năm gần đây đạt trung bình 160 triệu euro/1 năm.

Điều đó có nghĩa họ đã bán 1 tỷ euro doanh thu ước tính trong vòng 1/4 thế kỷ tới cho Sixth Street chỉ với giá 600 triệu euro và “lỗ” 400 triệu euro. Tương tự như vậy, Barca bán 24,5% quyền sở hữu công ty con Barca Studios cho đối tác Socios.com, chấp nhận mất một phần lớn doanh thu trong tương lai cho đối tác.

Vấn đề ở còn ở chỗ, Barcelona đã được ban tổ chức La Liga thông báo chưa đáp ứng yêu cầu tài chính để đăng kí cho Kessié, Christensen, Raphinha, Kounde, Lewandowski, Dembele và Sergi Roberto. Để 7 cầu thủ này đủ điều kiện ra sân, Barca phải tiếp tục giảm quỹ lương.

Theo Sport, song song với việc đẩy đi hàng loạt cầu thủ để gia tăng giới hạn quỹ lương, Barcelona nhiều khả năng sẽ sử dụng “đòn bẩy tài chính” thứ tư, cân nhắc bán thêm 24,5% quyền sở hữu Barca Studios cho Socios.com, Ownix hoặc một công ty giấu tên cũng với giá 100 triệu euro.

Bên cạnh đó, ban lãnh đạo Barca đã đàm phán với các trụ cột Busquets, Alba và Pique yêu cầu họ giảm lương. Theo Sport, trong số những cầu thủ kể trên, Pique là người đầu tiên chấp nhận giảm lương. Ngoài ra, trung vệ 35 tuổi còn đồng ý không nhận mức lương (28 triệu euro) và thưởng (12 triệu euro) trong năm cuối hợp đồng đã kí dưới thời Chủ tịch Bartomeu.

Trung vệ Jules Kounde.

Trung vệ Jules Kounde.

Nước cờ mạo hiểm

Canh bạc của Barca còn đặc biệt rủi ro vì nó chỉ có thể xảy ra một lần. Thu hút dòng tiền ngắn hạn bằng cách bán bớt tài sản thương mại của câu lạc bộ chắc chắn không thể lặp lại. Những đòn bẩy của Laporta không thể trở thành chuyện thường niên, vì vậy những động thái trong mùa hè này - cả trong và ngoài sân cỏ - chỉ đơn giản là phải được đền đáp. Nếu không, Barca sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác nghiêm trọng hơn lúc này.

Nhiều người tin rằng Joan Laporta không còn lựa chọn vì khoản nợ lên đến 1,4 tỷ euro mà triều đại Barmoteu bỏ lại cho ông. Đặc biệt, quỹ lương của Barca cũng phình ra đến hơn 500 triệu euro, vượt 144 triệu euro so với hạn mức mà La Liga dành cho họ. Barca không những không được đăng ký các tân binh, mà buộc phải cắt giảm các ngôi sao khác để đạt điều kiện tham dự La Liga.

Về lý thuyết, Barca có thể “sống tạm bợ” bằng cách loại bỏ tất cả những cầu thủ hưởng lương cao, như cách họ đẩy Leo Messi hay Griezmann ra đi và sống dựa vào các tài năng trẻ, các cầu thủ giá rẻ hơn như mùa giải trước.

Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc Barca có nguy cơ trắng tay dài hạn và phải vật lộn cạnh tranh vé dự Champions League mỗi mùa. Một chủ tịch giàu tham vọng như Laporta không chấp nhận điều đó.

Trong quá khứ, Barca đã trắng tay tại La Liga 3 năm và không vào chung kết Champions League kể từ khi lên ngôi vào năm 2015. Với những gì đạt được trong nhiệm kỳ đầu tiên làm chủ tịch Barca (2003-2010), Laporta không cho phép bản thân ông cũng như các cule phải chờ đợi lâu hơn.

Đó là lý do tại sao Laporta đã chọn lựa biện pháp nguy hiểm nhất - bán tương lai để tái tạo đội bóng. Ông muốn trao cho huấn luyện viên Xavi một đội hình có khả năng cạnh tranh các danh hiệu lớn ngay lập tức, thay vì trông cậy vào các măng non - một canh bạc cũng rủi ro không kém.

Việc xây dựng một dải ngân hà mới tại Camp Nou cũng giúp Barca gia tăng doanh thu từ các chiến thắng trên sân cỏ, và mức độ bao phủ trên thị trường thương mại. Ngoài ra, họ vẫn còn 100% bản quyền truyền hình Champions League để dựa dẫm. Nếu đội bóng xứ Catalan tiến sâu vào Champions League và vô địch giải đấu này ít nhất 1 lần trong 3 năm tới, các khoản đầu tư của họ sẽ đáng giá đến từng xu.

Thế nhưng, bất chấp những viễn cảnh hào nhoáng đó, cách Barcelona đang làm vẫn là một canh bạc tất tay đúng nghĩa. Họ không thể chắc chắn Raphinha sẽ tiến lên đẳng cấp mới hay không? Lewandowski (tròn 34 tuổi vào tháng 8) có cưỡng lại sự sa sút do tuổi tác hay không? Ousmane Dembele có tránh được các chấn thương? Liệu các ngôi sao tuổi teen Pedri, Gavi và Ansu Fati có thể tiếp tục tỏa sáng và thi đấu ổn định hay không?

Thậm chí, không ai dám chắc 100% huấn luyện viên Xavi sẽ chiến thắng với dàn cầu thủ này, đặc biệt sau các màn trình diễn tệ hại của Barca ở giai đoạn cuối mùa giải trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.