Barack Obama kêu gọi cắt giảm vũ khí hạt nhân

Barack Obama kêu gọi cắt giảm vũ khí hạt nhân

(GD&TĐ) - Tổng thống Mỹ vừa kết thúc chuyến công du CHLB Đức vào đêm 19/6. Đã 9 lần chính thức đến thăm châu Âu, nhưng đây là lần đầu tiên ông Obama đến thăm Đức trên cương vị Tổng thống Mỹ. Với bài phát biểu được cho là lịch sử, Barack Obama đề xuất Mỹ và Nga cùng cắt giảm 1/3 số đầu đạn hạt nhân hiện có. Sáng kiến của Barack Obama ngay lập tức gây ra sự hoài nghi cho cả điện Kremlin lẫn Quốc hội Mỹ. Theo cách nói của các nhà khoa học Mỹ rằng “một đất nước sở hữu số lượng lớn đầu đạn hạt nhân có khả năng đạt được mong muốn trong lĩnh vực địa chính trị gấp 17 lần” thì sáng kiến của Barack Obama không có lý gì không xem xét lại.

Barack Obama diễn thuyết tại cổng Brandenburg
Barack Obama diễn thuyết tại cổng Brandenburg

50 năm trước, cũng tại quảng trường ở Tây Berlin, John F.Kennedy tuyên bố “tôi là công dân Berlin” để thể hiện quan hệ Mỹ - Đức là hết sức quan trọng với thế giới. Ngày 12/6/1987, cũng tại cổng Brandenburg, Reagan kêu gọi phá đổ bức tường Berlin.

Năm 2008, 200 ngàn người dân Berlin và khách quốc tế đã hào hứng lắng nghe như nuốt từng lời đầy truyền cảm và mạnh mẽ của ứng cử viên Tổng thống Barack Obama về quan hệ đối tác Mỹ - châu Âu, về văn minh…

Kêu gọi cắt giảm đầu đạn hạt nhân

Giờ đây, Barack Obama như chú gà trống mệt mỏi, rã rời sau cơn bão khủng hoảng, cơn bão quyền lực và đặc biệt là nỗi ám ảnh từ chủ nghĩa khủng bố. Nếu trước đây, John F.Kennedy có thể ngang nhiên ngồi xe mui trần chạy dọc đường phố Tây Berlin thì giờ đây, tại quảng trường Pariser (trước cổng Brandenburg), Barack Obama phải diễn thuyết qua bức tường chống đạn trong suốt. Tuy thế nội dung bài phát biểu của Tổng thống Mỹ cũng không khác gì mấy. Vẫn những mối đe dọa toàn cầu và nhiệm vụ chung của “thế giới văn minh” (Mỹ và châu Âu) hôm nay là chủ nghĩa khủng bố, là biến đổi khí hậu, là sự cần thiết phải phổ biến các “giá trị dân chủ”…

Có điều, ý tưởng chủ đạo trong bài phát biểu của Barack Obama lần này là cắt giảm 1/3 số đầu đạn hạt nhân của Nga và Mỹ. Barack Obama cho rằng, chiến tranh lạnh đã qua đi và kêu gọi Nga ủng hộ sáng kiến cắt giảm kho vũ khí hạt nhân. “Chúng tôi có thể đảm bảo an ninh của Mỹ cùng đồng minh,  sở hữu một lực lượng mạnh mẽ và thực tế. Trong khi có thể cắt giảm 1/3 số vũ khí hạt nhân chiến lược” - Barack Obama khẳng định.

Cứ theo đề nghị của Barack Obama thì số đầu đạn hạt nhân của mỗi nước sẽ xuống còn 1000 đơn vị, bằng với số đầu đạn hạt nhân hồi năm 1954. Trong khi đó, hiệp định START được ký vào năm 2010 đòi hỏi giảm bớt kho vũ khí hạt nhân của hai nước xuống còn 1550 đầu đạn. Khi đưa ra lời kêu gọi này, người đứng đầu Nhà Trắng cũng cam kết sẽ hợp tác với NATO trong việc cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Phản ứng từ điện Kremlin và đồi Capitol

Còn nhớ trước đó 2 ngày, Barack Obama và V.Putin đã có cuộc đàm đạo gần 2 tiếng đồng hồ ở Lough Erner, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-8. Chính vì vậy, Moskva không lấy làm bất ngờ trước đề nghị cắt giảm 1/3 số đầu đạn hạt nhân của Tổng thống Mỹ. Đây cũng không phải là chuyện ngẫu hứng của Barack Obama mà là một phần cuộc trò chuyện đang diễn ra giữa hai Tổng thống Nga và Mỹ. Phản ứng của V.Putin có vẻ gần như đồng thời với phát biểu của Barack Obama tại Brandenburg.

Trong cuộc họp ở Saint - Peterburg V.Putin nói: “Chúng tôi không cho phép phá vỡ thế cân bằng của hệ thống răn đe chiến lược để hạ thấp hiệu quả lực lượng hạt nhân của chúng tôi”. “Vì vậy, xây dựng hệ thống phòng thủ quân sự không gian sẽ là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền quốc phòng” - Ria - Novosti trích lời V.Putin - Không chỉ có Mỹ mà nhiều nước khác cũng đang hoàn thiện vũ khí tấn công của họ, trong đó có tên lửa tầm trung. Hầu như tất cả các nước láng giềng của chúng tôi đều đang phát triển hệ thống vũ khí này”.

Có thể nhận thấy tuyên bố của V.Putin không phải là “cái lắc đầu” trước đề nghị của Obama mà vẫn là một phần của cuộc đối thoại về tiến trình hạn chế mối đe dọa của vũ khí hạt nhân. Đó là cách để tiến trình này không xâm phạm đến quyền lợi của bất kỳ ai. “Chúng tôi đánh giá cao bước đi này của các đối tác Mỹ. Tuy nhiên, ít ai từ chối chương trình này, vấn đề còn lại chỉ là thời gian: Khi nào và ở đâu các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ được xây dựng” - V.Putin khẳng định.

Với người Mỹ thì sao? Theo cựu Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Sam Nunn thì lẽ ra đã phải chấp nhận đề xuất của Barack Obama từ lâu rồi. Theo Sam Nunn, các đối thủ của Mỹ cảm thấy cần thiết sử dụng vũ khí hạt nhân trước những đe doạ ngày một nhiều. Thượng nghị sĩ Bob Corker chống lại ý tưởng giải trừ quân bị đơn phương của Barack Obama và kêu gọi Tổng thống Mỹ tập trung vào việc hiện đại hoá các đầu đạn hạt nhân của họ. Bình luận về những phản ứng của V.Putin trước đề nghị cắt giảm 1/3 số đầu đạn hạt nhân của Obama, báo Đức Der Spiegel cho rằng: “Moskva sợ mất vị trí siêu cường của họ”. Nhà bình luận chính trị Nga D.Kosyrev cho rằng, trong bối cảnh cả Nga và Mỹ liên tục chuyển vũ khí hạt nhân từ trạng thái “chuẩn bị” sang trạng thái “sẵn sàng” thì đề nghị cắt giảm 1/3 số đầu đạn hạt nhân của Barack Obama chỉ là “show diễn” ở Brandenburg mà thôi.

Duy Long (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ