Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân trước đại dịch Covid-19

GD&TĐ- Sáng nay 20/10, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022.

Toàn cảnh phiên họp sáng 20/10.
Toàn cảnh phiên họp sáng 20/10.

Theo đó, Uỷ ban Kinh tế đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế ghi nhận một số điểm sáng, nổi bật trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2021: dự kiến 8/12 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra ; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân 9 tháng tăng 1,82%, cả năm ước tăng dưới 4% , đạt mục tiêu đề ra.

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước vượt dự toán , bội chi NSNN trong phạm vi dự toán (4% GDP), cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác; huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả năm khoảng 35% GDP; công tác điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, mặt bằng lãi suất giảm, tăng trưởng tín dụng đạt 7,39% (cùng kỳ tăng 4,99%), dự kiến cả năm khoảng 12%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế (9 tháng tăng 6,05%); chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng của một số địa phương tăng cao (Ninh Thuận tăng 32,6%; Đắk Lắk tăng 25%; Hải Phòng tăng 19,7%...) là những tín hiệu tích cực về sự hồi phục mạnh mẽ khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

An ninh lương thực cơ bản được bảo đảm; ngành nông nghiệp 9 tháng đầu năm tăng 3,32% (cùng kỳ năm 2020 tăng 1,65%; năm 2019 tăng 0,74%), tiếp tục đóng vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm tăng cao (24,4%). Hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ được đẩy mạnh; chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, trang thiết bị phòng, chống Covid-19 đạt kết quả bước đầu .

Một số ngành như: thông tin truyền thông, viễn thông, bưu chính, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, chế biến, chế tạo liên quan đến dược phẩm, thiết bị y tế… đã tận dụng tốt cơ hội để tăng trưởng. Hoàn thành các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh cao đẳng, đại học.

Hoạt động văn hóa, xã hội khắc phục điều kiện dịch bệnh, tổ chức được một số hoạt động với hình thức phù hợp, chủ yếu là trực tuyến. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tiếp tục triển khai tích cực. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, số vụ phạm tội giảm 3,56%.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo trước Quốc hội - sáng 20/10
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo trước Quốc hội - sáng 20/10

Công tác quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, cấp cao được triển khai chủ động, kịp thời, hiệu quả ; "ngoại giao vắc-xin" tiếp tục đạt kết quả tích cực.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Trong những tháng cuối năm 2021, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với giải pháp Chính phủ đề ra, đồng thời nhấn mạnh các nội dung: Tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch Covid-19; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, tử vong do Covid-19.

Khẩn trương rà soát, tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc; xử lý các tồn đọng, điểm nghẽn, giảm thiểu các thủ tục và chi phí trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa; không để xảy ra tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.

Chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Bảo đảm an sinh xã hội, sớm đưa học sinh trở lại trường học ở những nơi kiểm soát được dịch bệnh, bảo đảm an toàn. Khẩn trương chuẩn bị Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả, có phân chia theo giai đoạn, sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, báo cáo của Uỷ ban Kinh tế nêu rõ: Trong bối cảnh dịch Covid-19 khó có thể kiểm soát và chấm dứt được hoàn toàn; kinh tế thế giới hồi phục không đồng đều, nhiều bất định; theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tăng trưởng cho năm 2022 là 4,9% (năm 2021 là 5,9%).

Trong nước, triển vọng phục hồi kinh tế được dự báo tương đối tích cực, tuy nhiên tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro như: áp lực lạm phát, giá cả hàng hóa gia tăng, phá sản, nợ xấu, đứt gãy chuỗi cung ứng, đình trệ sản xuất, suy giảm dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước...

Từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đúc rút được thời gian qua, cần nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới; không chủ quan, nóng vội nhưng cũng không để lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục của kinh tế thế giới. Ủy ban Kinh tế đồng tình với mục tiêu tổng quát được nêu trong Báo cáo của Chính phủ.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, bên cạnh đặt mục tiêu cao để phấn đấu cần cân nhắc tính khả thi khi thực hiện (chỉ tiêu GDP tăng 6-6,5%); giải trình rõ ràng, thuyết phục hơn về tỷ lệ bội chi, cân đối xuất, nhập khẩu...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.