Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hoàn lưu sau bão số 9 kết hợp với không khí lạnh tăng cường sẽ gây mưa to đến rất to cho khu vực Đà Nẵng - Khánh Hòa từ 30/11 đến 2/12 (200 - 400 mm), trên các sông thuộc khu vực này có khả năng xuất hiện lũ kèm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Cụ thể, hồi 13 giờ ngày 27/11, vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 117,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 590km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 11-12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, sau đó đổi hướng di chuyển về phía Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km.
Đến 13 giờ ngày 28/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 116,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 470km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 10-11.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): từ vĩ tuyến 14,0 độ Vĩ Bắc đến vĩ tuyến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 116,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 13 giờ ngày 29/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 210km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 8-9.
Do ảnh hưởng của bão sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 10-11, sóng biển cao 3-5 mét. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 20-25km và suy thành một vùng áp thấp.
Hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường sẽ gây mưa to đến rất to cho khu vực Đà Nẵng - Khánh Hòa từ 30/11 đến 2/12 (200-400mm), trên các sông thuộc khu vực này có khả năng xuất hiện lũ kèm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Sau đó vùng mưa dịch chuyển ra phía Bắc (Nghệ An - Thừa Thiên Huế).
Ảnh mây vệ tinh
Hà Nội trong 3 ngày tới trời tiếp tục rét về đêm và sáng sớm
Bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam.
Dự báo, khoảng ngày 29/11, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc nước ta. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Bắc Bộ có mưa vài nơi, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông. Gió đông bắc trong đất liền ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ lại mạnh lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5.
Trong 3 ngày tới (đến khoảng ngày 30/11), ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ duy trì tình trạng trời rét, vùng núi rét đậm vào đêm và sáng sớm với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 13-16 độ C, vùng núi cao 8-11 độ C.
Hà Nội trong 3 ngày tới trời tiếp tục rét về đêm và sáng sớm với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 13-16oC.
Từ chiều ngày 29/11, ở Vịnh Bắc Bộ gió đông bắc mạnh lại mạnh lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Sóng biển cao từ 2-3m. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1./.