Mất điện xảy ra trên diện rộng, đứt dây trên các đường dây trung thế, hạ thế. Nhiều tuyến đường khu vực trung tâm thành phố Thái Bình, cây cối, biển quảng cáo, đèn trang trí đổ la liệt, chắn ngang đường, khiến cho việc lưu thông của các phương tiện gặp rất nhiều khó khăn. Cảnh tan hoang sau bão diễn ra tại nhiều nơi, nhất là vùng ven biển các huyện Tiền Hải và Thái Thụy.
Bồn nước inox của dân bay xuống đường
Nhóm phóng viên Văn Hải và Hoài Lam đang có mặt tại tâm bão tỉnh Thái Bình phản ánh: “Trước mắt chúng tôi lúc này là cảnh tan hoang trên khắp các ngả đường ở tỉnh Thái Bình.
Mưa và gió cường độ mạnh vào đêm qua đã khiến cây cối bật gốc, gãy đổ ngổn ngang; mái tôn, biển quảng cáo bay khắp nơi, nhiều cột điện đổ gập, dây điện đứt lòng thòng chắn ngang đường và bồn chứa nước sinh hoạt bằng inox từ các mái nhà bị gió thổi bay thẳng xuống giữa đường.”
Nhóm phóng viên cho biết thêm: “Tại vùng ven biển, sức gió lớn đến mức người đi ngoài đường cũng có thể bị thổi bay, khiến lực lượng phòng chống lụt bão ở đây gần như bị tê liệt.
Còn tại các vùng trũng, xảy ra ngập úng cục bộ, nước tràn vào nhà khiến nhiều gia đình phải thức suốt đêm để chống ngập, sơ tán tài sản và chằng lại nhà cửa.
Đến thời điểm này, Thái Bình chưa thể thống kê hết được thiệt hại nhưng nguy cơ mất an toàn trong bão là điều hoàn toàn có thể xảy ra khi toàn tỉnh có tới gần 17.500 người sống trong các ngôi nhà yếu cần phải sơ tán khẩn cấp và đến tối qua vẫn còn gần 40 tàu thuyền chưa thể liên lạc được.”
Mất điện diễn ra gần như toàn tỉnh Thái Bình
Trao đổi với phóng viên VOV trong cơn mưa to gió lớn đêm qua, ông Phạm Tiến Dũng (xã Đông Minh, Tiền Hải, Thái Bình) cho biết: Việc đối phó với bão càng trở nên khó khăn đối với người dân khi trên địa bàn mất điện từ tối 26/7.
Ông Dũng nói: “Từ ngày 26 đến ngày 27, toàn bộ hệ thống điện ở Tiền Hải mất hoàn toàn, điện mất thế này người dân chúng tôi cũng không biết tại sao. Mất điện thế này người dân rất khó khăn, đèn điện thiết bị không thể nào nạp được, nến cũng không thể thắp được vì gió mạnh lùa vào”.
Không chỉ có huyện Tiền Hải mà tình trạng mất điện còn diễn ra gần như toàn tỉnh Thái Bình và chưa biết đến bao giờ mới khắc phục được.
Mưa bão cũng gây ngập úng ngập hàng chục nghìn hécta lúa mùa và ước tính số thủy sản nuôi trồng ngoài bãi bị thiệt hại cũng không nhỏ.
Trong số 80.000 ha lúa của Thái Bình có hơn 15.000 ha gieo thẳng. Diện tích nuôi ngao ngoài biển gần 3000 ha với 1.540 chòi canh ngao.
Ông Phạm Văn Xuyên - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình - cho biết: Lâu lắm rồi Thái Bình mới xảy ra mưa bão lớn như vậy, khiến lực lượng chống bão nhiều lúc bị động, không kịp trở tay.
Ông Xuyên nói: “Thái Bình là tâm điểm của bão, lúc 7h tối bão giật cấp 10 rồi, bão đã chắc chắn đạt cấp 11 trở lên rồi. Cấp gió dự báo về Thái Bình chưa đúng với thực tiễn, vì trên thực tế gió giật trên cấp 11”./.
Bình luận