Bào ngư là loại hải sản cao cấp, thường được bán với giá hàng triệu đồng/kg. Nhưng hiện mặt hàng đắt đỏ này được rao bán với giá khá rẻ trên chợ mạng. Theo đó, bào ngư Hàn Quốc tươi cấp đông dao động từ 10.000-45.000 đồng/con. Còn bào ngư tươi sống chỉ 25.000-45.000 đồng/con.
Anh Trần Văn Phương (TP.HCM) cho hay, nhà anh chuyên bán bào ngư sống cấp đông nhập khẩu từ Trung Quốc, có giấy tờ đầy đủ. "Giá sỉ tôi bán 340.000 đồng/kg với size từ 18-22 con, còn giá lẻ khoảng 500.000 đồng/kg. Tất cả hàng cấp đông của tôi bán ra đều là hàng Trung Quốc chứ không có chút nào nhập khẩu từ Hàn Quốc", anh Phương nói trên Báo Đất Việt.
Nhập lậu sữa gần hết hạn sử dụng về bán kiếm lời
Sữa bột dành cho trẻ em là mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh tại Việt Nam, nhất là sữa nhập ngoại. Song hiện nay, nhiều loại sữa bột gắn mác hàng "xách tay” không có nhãn phụ, hoá đơn xuất xứ, không được kiểm nghiệm chất lượng bán tràn lan. Nhiều người tìm đủ cách nhập lậu sữa để bán kiếm lời, thậm chí cả loại đã gần hết hạn sử dụng.
Mới đây, lực lượng chức năng phát hiện gần 1.000 hộp sữa Hàn Quốc nhãn hiệu Hikid không có tem nhãn phụ theo quy định và gần hết hạn sử dụng. Với giá bán tại Việt Nam khoảng 500.000 đồng/hộp sữa cùng với đủ loại hàng hóa khác thì tổng giá trị của kho hàng này lên tới hàng tỷ đồng.
5.000 cây xúc xích mốc, 24.000 mỹ phẩm nhập lậu bị thu giữ
Nhiều vụ nhập lậu xúc xích kém chất lượng khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang. Mới đây, lực lượng chức năng ở Lạng Sơn tiến hành kiểm tra ô tô tải BKS12C-085.37 và phát hiện 5.000 cây xúc xích lợn đã biến đổi màu sắc, vỏ ngoài ướt có hiện tượng nấm mốc, giá trị gần 20 triệu đồng. Lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, giấy tờ kiểm dịch hay giấy tờ gì liên quan đến hàng hóa.
Cũng liên quan đến việc buôn lậu hàng hóa, gần đây, nhiều vụ buôn bán mỹ phẩm lậu bị phát hiện. Gần đây nhất, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 thuộc Cục QLTT Hà Giang thu giữ 24.000 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu. Các đối tượng khai nhận, toàn bộ hàng hóa trên đều được mua trôi nổi trên thị trường online và được bán qua mạng.
Trái cây rừng giá cao vẫn đắt khách
Hiện nay, nhiều loại trái cây rừng mọc hoang bỗng trở thành những đặc sản và được bán với giá đắt đỏ. Trong đó phải kể đến na rừng Tây Bắc.
Nhiều người đặt mua loại na vỏ xanh ruột đỏ này về ngâm rượu. Trước đây, na rừng Tây Bắc giá khoảng 300.000 đồng/kg. Vài năm lại đây, do nhiều người tìm hái loại quả này nên giá giảm sâu. Na rừng Tây Bắc hiện có giá từ 90.000-100.000 đồng/kg, đắt gấp 2-3 lần na thường.
Những quả na màu sắc lạ mắt, nặng từ 1kg trở lên. |
Kiwi rừng cũng được rao bán tràn lan trên chợ online với giá chỉ từ 25.000-50.000 đồng/kg, được đông đảo chị em đặt mua về ăn thử. Tuy nhiên, nhiều khách hàng tỏ ra thất vọng vì vừa chua, vừa đắng, chát, ăn xong còn thấy ngứa ở cuống họng.
Còn me rừng là thứ quả quen thuộc ít giá trị với người dân miền núi, nay trở thành thứ quà vặt đặc biệt. Quả me rừng đang được rao bán trên mạng, với giá khá đắt hoặc “lên đời” thành ô mai hay nghiền thành bột. Cụ thể, quả me rừng tươi giá 100.000 đồng/3kg, ô mai me rừng giá 110.000 đồng/kg, bột me rừng giá 500.000 đồng/kg hoặc 159.000 đồng/túi 200gr.
Mít rừng (còn gọi là mít nài) mọc tự nhiên trong rừng ở các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung. Loại quả này tầm 2-3 quả/kg, múi ướt, có vị chua chua ngọt ngọt. Trên "chợ mạng", mít rừng được rao bán với giá từ 15.000-50.000 đồng/quả.
Hơn nửa triệu đồng/cân khoai lang "xách tay" từ Nhật
Nếu như khoai lang Nhật trồng ở Việt Nam chỉ có giá 20.000-30.000 đồng/kg thì gần đây, một giống khoai lang mới được “xách tay” từ Nhật có giá 500.000-750.000 đồng/kg được giới nhà giàu rỉ tai mua về ăn. Là hàng xách tay nên loại khoai lang này khá hiếm.
Đắt đỏ là vậy nhưng có cửa hàng vẫn bán ra 10-20 kg khoai Nhật 1 ngày. Không những vậy, mặt hàng này còn luôn nằm trong danh sách bán chạy nhất cửa hàng.
Khoai lang Nhật nặng 600-700 g/củ, có loại to đến 1kg. Tính ra, mỗi củ có giá lên tới 500.000 đồng. Nhiều tiểu thương còn chia nhỏ, thái lát, luộc sẵn, ép vỉ thành 3 miếng/gói để bán.
Sâu tre Sơn La đổ về Hà Nội, giá nửa triệu đồng 1kg
Sâu tre (sâu măng) là đặc sản rừng ở Sơn La, có màu trắng, thân to bằng đầu đũa, dài bằng 2 đốt ngón tay, khá giống sâu chít. Loại sâu này sống trong thân cây tre. Sâu tre thơm ngon, béo ngậy. Đây là mặt hàng cực kỳ hút khách thời điểm này tại Hà Nội.
Sâu tre - đặc sản nổi tiếng ở Sơn La. |
Trên "chợ mạng", sâu tre được rao bán với giá 500.000-600.000 đồng/kg tùy loại. Song, đa phần là hàng cấp đông (luộc qua rồi cấp đông), hàng tươi khá ít vì khó bảo quản.
Mít Thái tăng giá gấp 3 lần, thương lái đổ về vườn lùng mua
Hơn 1 tuần nay, giá mít Thái ở ĐBSCL đột ngột tăng mạnh lên 60.000 đồng/kg đối với mít loại 1, gấp 3 lần thời điểm hồi tháng 5 do xuất khẩu bắt đầu phục hồi trong khi nguồn hàng khan hiếm. Một số thương lái lùng mua mít cả ngày nhưng nhiều nhất cũng chỉ được vài chục quả.
Anh Trần Quang Vinh (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết trên Báo Dân Việt, thời điểm này mít Thái miền Tây chưa vào chính vụ nên sản lượng ít, hơn nữa vào đợt hạn mặn, người dân đã hái bỏ trái để giữ cây. Giá tăng cao nhưng người dân không có mít bán.
Thương lái ồ ạt thu mua vỏ thông
Gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói riêng và khu vực Bắc Trung Bộ nói chung diễn ra tình trạng người dân ồ ạt bóc trộm vỏ cây thông đem bán kiếm lợi nhuận. Giá bán của 1kg vỏ thông khoảng 4.000-10.000 đồng.
Nhiều diện tích cây thông bị bóc vỏ trắng cả cây. |
Không rõ thương lái thu mua vỏ thông sử dụng vào mục đích gì nhưng việc người dân ồ ạt khai thác vỏ thông bán kiếm lời khiến cây mất năng suất, thậm chí bị chết, gây tổn thất nặng nề.
Bánh trung thu "nhà làm" tràn chợ mạng, cửa hàng "mua 1 tặng 1"
Trên "chợ mạng", 1 chiếc bánh trung thu nhà làm trọng lượng 250gr được rao bán với giá 40.000-55.000 đồng. Không chỉ bánh làm sẵn mà nhân bánh trung thu các loại cũng là mặt hàng phổ biến trên mạng với đủ mức giá.
Theo khảo sát của Báo Người Lao Động, tất cả các gian hàng bán bánh và nhân bánh trung thu "handmade" đều không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc các giấy tờ liên quan khác theo quy định.
Trong khi đó, nhiều điểm bán bánh trung thu tại TP.HCM treo bảng giảm giá hoặc "mua 1 tặng 1", thậm chí "mua 1 tặng 2". Nhưng nhiều khách hàng thấy thất vọng vì không được tặng những loại bánh có cùng thương hiệu mà được tặng bánh của một thương hiệu khác.